Hành trình sống sót của "Em bé Napalm" trong bức ảnh chấn động thế giới
Đã 43 năm trôi qua kể từ ngày bức ảnh "Em bé Napalm" được nhiếp ảnh gia của hãng AP Nick Ut chụp lại và gây chấn động thế giới về sự tàn khốc của chiến tranh. Nhân vật chính trong bức ảnh là cô bé Phan Thị Kim Phúc cùng một số trẻ em Việt Nam vừa đi vừa khóc sau khi bom napalm dội xuống Trảng Bàng, Tây Ninh.
Nhiều năm trôi qua, "Em bé Napalm" ngày nào nay đã 52 tuổi. Hiện, bà đang sống cùng chồng và 2 con trai trong 1 căn nhà ở ngoại ô Toronto, Canada. "Tôi vẫn nhớ rõ ngày kinh hoàng khi chúng tôi phải chạy trốn khỏi cái chết", bà Kim Phúc, nhân vật chính trong bức ảnh nổi tiếng thế giới chia sẻ.
Bà Phúc cho biết, thoạt đầu, bà rất ghét bức ảnh bởi nó khiến bà xấu hổ. Bà đã trải qua một thời gian dài phải đối mặt với sự chú ý của dư luận vì là nhân vật chính của tấm hình đó. Đối với bà, khoảnh khắc sợ hãi, đau đớn sau trận dội bom napalm là những ký ức thuộc về cá nhân.
Trên thực tế, không ai có thể phê phán nếu như bà cố gắng sống ẩn mình và thoát khỏi sự chú ý của dư luận. Thế nhưng, bà đã không trốn chạy hiện thực trong bức ảnh.
Sau một thời gian đấu tranh tư tưởng, Kim Phúc nhận ra rằng nếu nỗi đau và sự sợ hãi của bà không được ghi lại vào ngày đó, thì những trận bom - cùng rất nhiều câu chuyện thương tâm khác trong thời kỳ chiến tranh - sẽ có thể biến mất theo dòng chảy thời gian.
Từ đó, bà bắt đầu nghĩ nhiều về những điều mà bức ảnh có thể đem lại, hơn là những gì nó đã lấy đi của bà. Và Kim Phúc gọi đó là "con đường tiến tới hòa bình".
"Tôi nhận ra rằng nếu không thể thoát ra khỏi bức ảnh đó thì tôi nên sử dụng bức ảnh để chiến đấu vì hòa bình. Và đó là lựa chọn của tôi", Kim Phúc chia sẻ.
Ngoài vai trò là 1 người vợ, 1 người mẹ ân cần, Kim Phúc còn là 1 cố vấn, 1 đại sứ thiện chí của Liên Hợp quốc. Hàng năm, bà thường đi vòng quanh thế giới để kể lại câu chuyện về hành trình sống sót của mình, để giúp mọi người hiểu hơn về sự tàn khốc của chiến tranh.
Bên cạnh vai trò ở Liên Hợp Quốc, Kim Phúc còn thành lập tổ chức nhân đạo mang tên bà nhằm giúp đỡ những trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, những số phận giống bà nhiều chục năm trước. Tổ chức của bà chuyên đóng góp tiền của để xây dựng bệnh viện, trường học và nhà cửa cho những đứa trẻ mồ côi là nạn nhân của các cuộc chiến tranh tàn khốc.
Kim Phúc nói bà sẽ gắn bó với công việc thiện nguyện này suốt cuộc đời. "Tôi thực sự cảm thấy biết ơn khi nhiếp ảnh gia đã ghi lại được bức ảnh đó để tôi có thể tận dụng nó để đóng góp cho hòa bình", bà Kim Phúc nói.
Hơn 20 năm trước, Kim Phúc đã cùng chồng định cư ở Canada và nuôi dạy 2 người con trai ở đó. Bà Phúc cho biết hiện bà rất hạnh phúc với "ngôi nhà thứ hai" của mình.
Cô bé trong bức ảnh đó "không còn chạy nữa mà cô ấy đang bay cao", bà Kim Phúc nói.
"Tôi nhìn thấy 1 cô bé cởi trần... chạy"
Vào năm 1972, Kim Phúc sống cùng gia đình trong 1 ngôi chùa ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Khi nghe thấy tiếng máy bay rè rè trên bầu trời, cả gia đình Kim Phúc đã lao ra ngoài tìm kiếm sự an toàn vì e sợ những trận dội bom. Vừa lao ra khỏi đó, những trận bom napalm liên tục dội xuống, làm nổ tung toàn bộ ngôi chùa.
Ít giây sau đó, nhiếp ảnh gia của hãng AP Nick Ut (khi đó mới 21 tuổi) đã chụp lại "bức ảnh của cuộc đời mình". "Nhìn qua làn khói đen, tôi thấy 1 cô bé cởi trần... chạy", nhiếp ảnh gia Nick Ut cho biết. Ngay lúc đó, nhiếp ảnh gia đã cầm máy để ghi lại hình ảnh Phúc cùng những đứa trẻ khác đang chạy nhanh về phía mình.
Khi Phúc đến gần, Nick Ut nhìn thấy từng mảng da của cô bé chảy xuống. Cô bé đã phải xé toạc bộ quần áo để tránh bị cháy sém cơ thể. Trận bom napalm đã đốt cháy phần cổ, lưng và cánh tay trái của cô bé.
"Tôi thốt lên "Ôi Chúa ơi, tôi không thể tin được tại sao cô bé lại bị bỏng nặng đến thế. Đặt máy ảnh xuống, tôi cố gắng giúp đỡ cô bé", Nick Ut nhớ lại.
Sau đó, nhiếp ảnh gia đã tưới nước lên những vết thương của cô bé và trùm 1 chiếc áo khoác lên người Kim Phúc. Sau đó, Nick Ut nhanh chóng đưa cô bé và những đứa trẻ khác tới bệnh viện.
"Ngồi trên xe, cô bé nói "Tôi chết mất. Tôi chết mất". Tôi nhìn cô bé không rời và nói rằng "Chúng ta sẽ tới bệnh viện sớm thôi", Nick Ut nói.
"Học cách tha thứ"
Sau khi bị thương, Kim Phúc đã phải nằm viện hơn 1 năm. Gia đình từng lo ngại Kim Phúc sẽ không thể nào qua khỏi. Cô bé phải trải qua hàng loạt những ca phẫu thuật và cấy ghép da đau đớn. Cuối cùng, Kim Phúc cũng vượt qua được nỗi đau thể chất. Thế nhưng, cô bé vẫn chưa tìm thấy được sự thanh bình. Cô muốn biến mất và thậm chí, đã có lúc cô muốn chết đi. Khi đó, cô nghĩ rằng nếu chết đi, cô sẽ không còn phải chịu đựng nỗi đau tinh thần, thể chất nữa.
Tuy nhiên, sau đó, Kim Phúc đã bắt đầu tìm hiểu về những kiến thức tôn giáo khác nhau. Đến một ngày, bà mong muốn có gia đình riêng và có những đứa con của riêng mình. "Từ lúc này, tôi bắt đầu học cách tha thứ", bà Kim Phúc nói.
"Giờ đây, bức ảnh "Em bé Napalm" từng là nỗi ám ảnh đã trở thành một trong những phước lành của tôi. Tôi cảm ơn cuộc sống vì đã không cướp đi tính mạng của mình. Cho dù chuyện gì đã xảy ra, tôi vẫn có cơ hội để sống tiếp, một cách khỏe mạnh, để giúp đỡ những người khác", bà Kim Phúc chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo