Hành trình tăng lương siêu tốc và gia tăng quyền lực của bầu Đức
Dù biết bầu Đức là một trong các doanh nhân được trả thù lao cao nhất Việt Nam nhưng dư luận vẫn không khỏi bất ngờ khi biết hành trình tăng lương siêu tốc của bầu Đức.
Tăng lương siêu tốc
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai nổi tiếng về sự giàu có. Ông tậu phi cơ bằng “tiền túi” chứ không “động chạm” vào tài khoản của Hoàng Anh Gia Lai. Chính vì vậy, dư luận tin rằng mức lương hàng tháng của ông bầu nổi tiếng này không hề khiêm tốn.
Năm 2012, lần đầu tiên Hoàng Anh Gia Lai công bố mức lương khủng mà công ty này dành cho dàn sếp. Bầu Đức là người lĩnh lương cao nhất khi nhận 3,5 tỷ đồng cho 1 năm cống hiến. Như vậy, trung bình 1 tháng bầu Đức kiếm được 291 triệu đồng chỉ từ lương thưởng.
Ngoài bầu Đức, các sếp lớn khác cũng có chế độ đãi ngộ rất tốt. Tổng giám đốc Nguyễn Văn Sự nhận 2,62 tỷ đồng. Cả Hội đồng quản trị gồm 5 người “ăn lương” có tổng thu nhập 11,5 tỷ đồng. Trung bình mỗi người trong Hội đồng quản trị nhận 2,3 tỷ đồng.
Bầu Đức liên tục nhận lương khủng Năm 2013, bầu Đức và dàn lãnh đạo được tăng lương mạnh. Thù lao mà bầu Đức nhận được là 4,18 tỷ, tăng 680 triệu đồng, tương ứng 19,43% so với năm 2012. Các thành viên Hội đồng quản trị khác như ông Đoàn Nguyên Thu và ông Nguyễn Văn Minh được tăng lương từ 1,7 tỷ đồng lên 2,78 tỷ và 2 tỷ đồng.
Bước sang 2014, thù lao từ lương thưởng của bầu Đức lại một lần nữa nhảy vọt. Hoàng Anh Gia Lai trả công cho bầu Đức 5,58 tỷ đồng, tăng 1,4 tỷ đồng (tương ứng 40%) so với 2013 và tăng 2,08 tỷ đồng (59,43%) so với 2012. Như vậy, tốc độ tăng lương của bầu Đức rất nhanh và mạnh.
Như vậy, chỉ trong 3 năm, bầu Đức đã kiếm được 13,26 tỷ đồng chỉ từ lương thưởng của Hoàng Anh Gia Lai. Có lẽ phải nhận mức lương cao như vậy bầu Đức mới có đủ tiền “nuôi” phi cơ.
Mức lương của bầu Đức tăng siêu tốc một phần nhờ khoản lãi của Hoàng Anh Gia Lai cải thiện mạnh từng năm. Năm 2014, Hoàng Anh Gia Lai đạt lợi nhuận sau thuế 1.474,26 tỷ đồng, tăng 628,19 tỷ đồng, tương ứng 74,25% so với 2013, tăng 1.124,3 tỷ đồng, tương ứng 312,27% so với 2012, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng lương của bầu Đức.
Hoàng Anh Gia Lai nằm trong danh sách các doanh nghiệp lớn nhưng khá “chặt tay” trong chi trả cổ tức. Dù vậy, với tỷ lệ 10% trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2014, bầu Đức đã nhận về hơn 34 triệu cổ phiếu, một con số rất lớn.
Gia tăng quyền lực
Bên cạnh tăng lương, bầu Đức đang gia tăng quyền lực của mình tại Hoàng Anh Gia Lai. Trước đây bầu Đức từng tuyên bố ông không quan tâm cổ phiếu HAG. Cứ khi nào HAG xuống giá dưới 19.000 đồng/CP thì ông sẽ mua vào. Và bầu Đức đã giữ “lời hứa” của mình.
Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu HAG rớt khá nhanh và mạnh. Chốt phiên 12/5 và 13/5, HAG dừng ở mức 17.800 đồng/CP, mức giá thấp nhất kể từ 20/09/2013.
Để “cứu giá” cổ phiếu cũng như gia tăng quyền lực của mình tại công ty, ngày 13/5, bầu Đức đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu HAG với mục đích đầu tư dài hạn. Giao dịch dự kiến được khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong thời gian từ 18/5 đến 17/6/2015.
Hiện tại cá nhân Bầu Đức đang nắm giữ 342,77 triệu cổ phần HAG, tương đương 43,39% vốn điều lệ của Hoàng Anh Gia Lai. Nếu bầu Đức mua vào thành công, số lượng cổ phiếu của HAG do bầu Đức nắm giữ lên tới 347,77 triệu đơn vị, tương đương 44,03% vốn điều lệ.
Trong ngày 13/5, sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu HAG đã được “cứu” thành công khi đóng cửa, HAG không còn giảm giá mà đứng giá ở mức 17.800 đồng. Sang phiên giao dịch 14/5, HAG lấy lại được sắc xanh dù thị trường vẫn giằng co mạnh.
Để mua vào 5 triệu cổ phiếu HAG, bầu Đức phải bỏ ra khoảng 90 tỷ đồng.
Hiện nay, bầu Đức vẫn là “số 1” tại Hoàng Anh Gia Lai. Ông đang là cổ đông lớn nhất tại Tập đoàn này. Cổ đông lớn thứ 2 là Credit Suisse (Hong Kong) Ltd và Deutsche Bank AG & Deutsche Asset Management (Asia) Ltd với tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 10,21% và 4,99%.
Khi HAG rớt giá, không chỉ bầu Đức gom HAG, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng ra quyết định mua lại 10 triệu cổ phiếu HAG từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận, trong vòng 30 ngày kể từ khi được Ủy ban chứng khoán chấp thuận.
Số tiền Hoàng Anh Gia Lai phải bỏ ra để mua về 10 triệu cổ phiếu quỹ ước đạt 180 tỷ đồng. Cuối năm 2014, Hoàng Anh Gia Lai còn khoản thặng dư vốn cổ phần lên tới 3.539 tỷ đồng nên công ty của bầu Đức rất sẵn tiền mua vào.
Theo VTC News
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo