Doanh nghiệp - Doanh nhân

Hành trình từ nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới tới sự sụp đổ của startup tỷ USD

Sở hữu tài sản tới 4,5 tỷ USD, người sáng lập Theranos từng được tung hô là ngôi sao mới của giới công nghệ...

Elizabeth Holmes từng được tung hô là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới khi là người sáng lập startup y tế Theranos với công nghệ thử máu được xem là đột phá lớn. Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu sụp đổ vào đầu năm 2018 khi Holmes bị tố lừa tiền nhà đầu tư với ý tưởng phi thực tế.

Dù vậy, khi Theranos trong tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", Holmes đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư "rót" thêm tiền để cứu công ty.

Elizabeth Holmes sinh ngày 2/3/1984 tại Washington, D.C., Mỹ trong gia đình có mẹ là nhân viên chính phủ còn cha làm việc cho Enron trước khi chuyển tới các tổ chức chính phủ như USAID. Năm 9 tuổi, Holmes từng viết thư cho cha nói rằng: "Con thực sự muốn ra ngoài kia để khám phá những điều mới mẻ, những điều loài người từng nghĩ rằng không thể làm".

Khi học trung học, Holmes đã lập startup bán phần mềm C cho phép dịch các mã máy tính cho các trường học của Trung Quốc.

Holmes được truyền cảm hứng từ cụ cố - một bác sĩ phẫu thuật, và theo đuổi ngành y tế. Tuy nhiên, Holmes phát hiện mình sợ kim và điều này dẫn cô tới việc thành lập Theranos.

Holmes theo ngành kỹ thuật hóa học tại trường đại học Stanford. Năm nhất đại học, Holmes giành được danh hiệu "President's Scholars" và nhận được trợ cấp 3.000 USD cho một dự án nghiên cứu. Sau đó, Holmes dành mùa hè năm thứ nhất đại học để thực tập tại Học viện Genome ở Singapore, một phần nhờ khả năng nói tiếng Trung Quốc phổ thông học được khi còn nhỏ.

Năm hai đại học, Holmes đã tới gặp một trong các giáo sư của mình - Channing Robertson, và nói: "Hãy cùng thành lập một công ty". Nhờ sự giúp đỡ của thầy, Holmes thành lập công ty Real-Time Cures, sau này đổi thành Theranos.

Holmes nhanh chóng đăng ký bằng sáng chế cho "thiết bị y tế theo dõi phân tích và quản lý thuốc" – thiết bị đeo có thể quản lý bệnh án, theo dõi máu của bệnh nhân và điều chỉnh liều lượng thuốc khi cần thiết. Vào kỳ tiếp sau đó, Holmes bỏ học trường Stanford để toàn tâm cho Theranos.

Việc kinh doanh của Theranos dựa trên ý tưởng thử máu bằng công nghệ độc quyền mà chỉ cần dùng vài giọt máu lấy từ đầu ngón tay. Holmes nói rằng công nghệ này có thể giúp kiểm tra các bệnh lý như ung thư hay lượng cholesterol trong máu cao.

Holmes bắt đầu huy động vốn đầu tư cho Theranos từ các tên tuổi lớn như Draper Fisher Jurvetson và Larry Ellison. Đến nay, Theranos đã nhận được hơn 700 triệu vốn đầu tư. Tuy nhiên, Holmes nhận tiền của nhà đầu tư với điều kiện không phải tiết lộ công nghệ của Theranos.

Trong 10 năm đầu tiên, Holmes phát triển công ty và vận hành công ty trong vòng bí mật. Nữ sáng lập này thậm chí còn kiện 3 nhân viên của Theranos vì việc lạm dụng bí mật thương mại của công ty.

Thái độ của Holmes đối với bí mật công nghệ được lấy ý tưởng từ thần thượng thung lũng Silicon của cô - Steve Jobs. Holmes cũng bắt đầu mặc áo phông cao cổ đen, trang trí văn phòng với những món nội thất giống Jobs và không bao giờ đi du lịch.

Khi Theranos bắt đầu thu hút hàng triệu USD vốn đầu tư, Holmes bắt đầu trở thành tâm điểm của truyền thông và là ngôi sao mới của giới công nghệ. Cô xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Fortune, Forbes, diễn thuyết tại TED và có cuộc tọa đàm với cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và tỷ phú Jack Ma của Alibaba.

Theranos nhanh chóng hợp tác với Capital Blue Cross và Cleveland Clinic để cung cấp dịch vụ thử máu cho bệnh nhân và "bắt tay" với Walgreens để mở các trung tâm thử máu Theranos. Startup này cũng bí mật ký thỏa thuận hợp tác trị giá 350 triệu USD với Safeway.

Khi đó, Holmes trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới với tài sản trị giá khoảng 4,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, cũng cùng lúc đó, nhiều nghi vắn đặt ra xung quanh công nghệ của Theranos. Ian Gibbons - nhà khoa học trưởng tại Theranos và là một trong những người đầu tiên được công ty tuyển về, đã cảnh báo Holmes rằng công nghệ này chưa sẵn sàng mang ra công chúng và vẫn còn thiếu chính xác. Các nhà khoa học bên ngoài cũng bắt đầu lên tiếng quan ngại về startup này.

Tháng 8/2015, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) bắt đầu điều tra Theranos và phát hiện những điểm "thiếu chính xác lớn" trong các thử nghiệm kiểm tra máu mà Theranos thực hiện trên bệnh nhân.

Tháng 10 cùng năm, phóng viên John Carreyrou của tờ Wall Street Journal đăng tải kết quả điều tra những khó khăn của Theranos với công nghệ độc quyền của mình. Bài báo này mở màn cho sự sụp đổ của startup này.

Carreyrou phát hiện máy thử máu có tên Edison của Theranos không cho các kết quả chính xác, vì vậy startup này đã cho chạy các mẫu máu trên các máy móc tương tự được dùng bởi các công ty thử máu truyền thống.


Holmes sau đó đã xuất hiện trên chương trình "Mad Money" của CNBC để bảo vệ bản thân và công ty. "Điều này xảy ra khi bạn cố gắng để thay đổi mọi thứ, ban đầu họ nghĩ rằng bạn 'điên', họ chống lại bạn và sau đó đột nhiên bạn thay đổi cả thế giới", Holmes nói.

Tới năm 2016, cả FDA, Trung tâm Dịch vụ Chăm sóc y tế và Hỗ trợ y tế, cùng Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) tiến hành điều tra Theranos. Tháng 7/2016, Holmes bị cấm hoạt động trong lĩnh vực thử nghiệm y tế trong 2 năm. Tháng 10 năm đó, cô đóng cửa hoạt động nghiên cứu và các trung tâm chăm sóc y tế của Theranos.

Tháng 3/2018, Theranos, Holmes, và Sunny Balwani - chủ tịch kiêm giám đốc hoạt động của công ty bị SEC cáo buộc "lừa đảo". Theo đó, Holmes đồng ý từ bỏ quyền kiểm soát tài chính và biểu quyết tại startup này và trả tiền phạt 500.000 USD. Cô cũng bị cấm làm giám đốc hoặc điều hành một công ty niêm yết trong vòng 10 năm.

Dù vậy, Holmes được phép tiếp tục làm CEO của Theranos bởi đây là công ty chưa niêm yết. Tuy nhiên, khi công ty đang trong tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", Holmes kêu gọi các nhà đầu tư rót thêm tiền để cứu Theranos. "Trong tình cảnh hiện nay, đây không phải là điều dễ dàng", Holmes nói.

 

Nên đọc
Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo