Hát bài chòi - "món ăn tinh thần" của người Hội An
Nghệ nhân Nguyễn Lương Đán (nghệ danh Lương Đán) chia sẻ: “Ngay từ trước những thập niên 80, tôi đã tham gia đội thông tin lưu động của hợp tác xã nông nghiệp, chuyên đi hát phục vụ cho các đội sản xuất. Ngày ấy vui lắm, dù khó khăn đủ đường, thậm chí đi hát không có micro, chỉ có cái đèn măng xông, nhưng cả đội vẫn say sưa hát và mọi người thuộc các đội sản xuất thì say sưa nghe. Cũng chỉ vì cái tình của người nghe mà người hát cứ hát mãi, đam mê lớn dần và theo hát đến bây giờ”.
Thật vậy, bài chòi lên sân khấu phục vụ người dân và du khách đến với phố cổ từ năm 1998, từ đó đến nay, người dân phố Hội và những du khách đã hơn 1 lần đến với Hội An đã quen thuộc với hình ảnh anh hiệu Lương Đán hàng đêm mang lại niềm vui tinh thần bằng những câu hát bài chòi.
Với chị hiệu Phùng Thị Ngọc Huệ (nghệ danh Ngọc Huệ), từ nhỏ đã mê hát ru, 19 tuổi tham gia đoàn biểu diễn nghệ thuật lưu động phục vụ nhân dân. Đến nay, đã hơn 33 năm đi theo bài chòi, nhưng khi nói về loại hình này, nghệ nhân Ngọc Huệ vẫn tràn đầy nhiệt huyết như những ngày đầu. “Các tác phẩm bài chòi phần nhiều là được sưu tầm từ bài chòi cổ được truyền miệng trong dân gian và không có tác giả; bài chòi hiện đại có thêm một số tác phẩm được sáng tác cho phù hợp” - nghệ nhân Ngọc Huệ nói và cho biết thêm: Trong mọi chương trình biểu diễn nghệ thuật lưu động phục vụ người dân không thể thiếu bài chòi. Theo nghệ nhân Phùng Thị Ngọc Huệ, để được trở thành anh hiệu, chị hiệu, ngoài việc có chất giọng tốt, khỏe, người nghệ nhân cần có “cái duyên”. Cái duyên ở đây chính là nét biểu cảm khuôn mặt, sự uyển chuyển trong các động tác hình thể…
Nếu hiểu bài chòi chỉ có sức sống trên sân khấu phục vụ du khách và người dân hàng đêm ở Hội An sẽ là thiếu sót. Bởi từ lâu, món ăn tinh thần này đã ngấm vào máu người dân phố cổ từ các thế hệ đi trước, và truyền cho các thế hệ đi sau.
Tại một khoảng sân nhỏ vuông vắn ngay chân chùa Cầu, 7h30 tối là thời gian bắt đầu một lớp học đặc biệt. Đặc biệt bởi người đứng lớp chính là chị hiệu Ngọc Huệ nức tiếng của bài chòi Hội An; học sinh chính là các cô bé, cậu bé mới chỉ học lớp 6, 7 và môn học chính là các làn điệu dân ca, các trích đoạn của các lời hát bài chòi.
Em Võ Thị Hoàng Thơ -lớp 6/3, THCS Nguyễn Duy Hiệu (Hội An) - cho biết, ngoại trừ bài tập nhiều hoặc có công việc bận, còn lại đêm nào em cũng ra đây, để cùng tập hát với các bạn và hát cho các du khách đến với Hội An nghe.
Buổi tối bên dòng sông Hoài, bên kia sông (vườn tượng An Hội), du khách đứng đông kín các chòi để thưởng thức tung hứng những điệu hát dí dỏm của anh hiệu – chị hiệu. Bên kia sông, cô giáo Ngọc Huệ cùng hơn chục học sinh đang ê a những câu hát dân ca, các lời ru, điệu hò. Phố cổ Hội An dù nắng hay mưa cũng tấp nập du khách, không ai không nán lại để lắng nghe một hội hát bài chòi hay một làn điệu dân ca, để quay về với nét bình yên, dân dã của tuổi thơ và lắng nghe hơi thở cuộc sống cũng như nét văn hóa phố Cổ.
Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam. Với những ý nghĩa về lịch sử, văn hóa của mình, ngày 7/12/2017, Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo