Văn hóa

Hát Sli Giang - nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Nùng

Hát Sli rất phong phú và hấp dẫn, nhưng thể hiện đậm nét thế giới tâm hồn và truyền thống văn hoá của cộng đồng người Nùng phải kể đến điệu Sli Giang.

Cùng với những phong tục, tập quán đặc sắc, các dân tộc Nùng (Bắc Kạn) còn được biết đến thông qua những làn điều dân ca giao duyên truyền thống; trong đó có điệu hát Sli nói chung và điệu Sli Giang của nhóm người Nùng Giang nói riêng.

Hát Sli là một làn điệu đặc trưng của người Nùng, song điệu Sli của mỗi nhánh dân tộc Nùng lại có sự khác nhau. Nhóm người Nùng Giang có Sli Giang; Nùng Phàn Slình có Sli Phàn Slình, Nùng Cháo có Sli Sình Làng, Cổ Lẩu… Nội dung của hát Sli nói chung, hát Sli Giang nói riêng rất phong phú và hấp dẫn, thể hiện đậm nét thế giới tâm hồn và truyền thống văn hoá của cộng đồng người Nùng trên địa bàn.

Sli Giang có nguồn gốc từ tỉnh Cao Bằng. Những năm trước đây, hát Sli Giang ở huyện Na Rì không được phổ biến rộng rãi, chủ yếu được lưu truyền từ những người cao tuổi cho các thế hệ sau trong các gia đình Nùng Giang. Một vài năm trở lại đây, cùng với các hoạt động bảo tồn lễ hội, phong tục truyền thống của các dân tộc thiểu số, chính quyền huyện Na Rì cũng chú trọng và dành nhiều ưu tiên cho việc lưu giữ, bảo tồn làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc, trong đó có điệu hát Sli Giang.

Hát Sli là một làn điệu đặc trưng của người Nùng. Ảnh: Internet.

Điệu Sli có nhiều cách hát khác nhau. Hát Sli của mỗi nhánh dân tộc Nùng lại có những nét độc đáo riêng. Song, dù là Sli Giang, Sli Phàn Slình hay Sli Sình Làng… thì mỗi câu hát, mỗi âm điệu đều thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, độc đáo của cộng đồng dân cư. Đơn cử như Sli Giang có thể hát đối, hát đơn hay hát xướng trong các ngày hội, ngày lễ, đám cưới, ngày vào nhà mới…

Đặc điểm của Sli Giang là âm điệu luyến láy, rõ lời, dễ nghe và dễ đi vào lòng người. Hát Sli Giang ngoài việc ví, đối, lời hát sli còn được coi như tiếng hát giao duyên.  Trong lời hát của điệu Sli Giang luôn có sự liên tưởng, ví von, thông qua những hình ảnh cụ thể để nói lên tâm tình con người. Dù lời hát nói về cây cối, trăng sao, năm tháng… thì cuối cùng vẫn là để nói về tình cảm, tâm trạng và nguyện vọng của con người. Khi hát Sli không cần nhạc cụ hay điệu múa đi kèm. Người hát có thể hát bất cứ lúc nào, chỗ nào, miễn là có đối tượng để hát đối, hát cùng hoặc là đối tượng được hướng đến trong bài hát.

Để gìn giữ điệu Sli Giang của dân tộc Nùng, ngoài việc thành lập các Câu lạc bộ Văn hoá nghệ thuật dân tộc, thì việc truyền dạy lại cho thế hệ trẻ là hết sức cần thiết. Nhiệm vụ quan trọng của cấp Ủy, chính quyền và Ngành Văn hóa - Thông tin huyện Na Rì trong thời gian tới là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, bồi dưỡng niềm say mê, yêu thích, tự hào cho những thế hệ sau đối với những làn điệu dân ca, dân vũ nói chung và điệu Sli Giang của dân tộc Nùng Giang nói riêng.

Nên đọc
Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo