Văn hóa

Hát Tơm - làn điệu dân ca độc đáo của người Khơ Mú

Trong kho tàng văn nghệ dân gian của người Khơ Mú, làn điệu dân ca được ưa thích nhất là hát Tơm. Hát Tơm mang đậm chất sử thi, trữ tình, cách hát đối đáp vừa sáng tạo vừa thể hiện tình cảm ngọt ngào, sâu lắng.

Ra đời từ trong lao động sản xuất và trong sinh hoạt đời sống thường  ngày, hát Tơm cùng với tiếng sáo Pí Tơm ( loại sáo dọc bằng tre) là điệu hát dân ca truyền thống, tiêu biểu nhất của người Khơ Mú. 

Người Khơ Mú có thể hát Tơm vào bất cứ thời gian nào và bất cứ ở đâu. Tuy nhiên, hát Tơm được thể hiện nhiều nhất trong những dịp vui của gia đình, bạn bè và làng xóm. Khi mừng đám cưới, người Khơ Mú có điệu Tơm “ Đường Kmun”, lúc làm nhà có điệu Tơm “ Ơ Grang Mỵ” , trong lễ hội, ngày vui bản làng, trai gái hát giao duyên thì có điệu Tơm “ Kun chơ” ( hát đi đường). Vào ngày Tết cả dân bản có điệu múa hát “Tơm Muôn” (Tơm mùa Xuân).

Sự đa dạng trong các điệu Tơm cho thấy tâm hồn của người Khơ Mú hết sức phóng khoáng. Người hát có thể hát đơn, hát đối đáp cũng có khi hát tập thể, hát lúc rảnh rỗi, hát khi  lên nương để bớt mệt nhọc, hát Tơm để giãi bày tâm tình, … Trong đời thường người Khơ Mú thường hát mộc ( không có nhạc đệm)  hoặc hát có tiếng đệm của sáo Pí Tơm (loại sáo dọc bằng tre), đó cũng là loại nhạc cụ đặc trưng của người Khơ Mú. Chị Hoàng Thảo, nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc dân tộc thiểu số, cho biết: “Nét độc đáo của hát Tơm chính là làn điệu và ca từ trong câu hát đều không do nhạc sỹ sáng tác, mà do chính người hát tự ứng tác theo hoàn cảnh để bộc lộ cảm xúc, bộc lộ tâm trạng, thể hiện niềm vui, nỗi buồn, ước mơ, hy vọng của riêng cho mình. Thậm chi khi buồn, khi gặp khó khăn người hát vẫn có thể thốt lên nỗi buồn để giải tỏa tâm trạng của mình”.

Điệu hát Tơm của người Khơ Mú.

Hát Tơm của đồng bào Khơ Mú là loại hình dân ca tương đối khó, đòi hỏi nhiều yếu tố. Để có thể hát hay, người hát không chỉ có giọng truyền cảm, mà còn phải biểu hiện được sắc thái sao cho duyên dáng. Nội dung của các bài hát Tơm thường gắn với câu chuyện về lịch sử, về cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau trong lịch sử của dân tộc Khơ Mú. Hát Tơm còn để ca ngợi tình yêu với bản làng, ca ngợi tình cảm anh em, họ hàng, ca ngợi tình yêu đôi lứa. Khi chàng trai chiếm được cảm tình của một cô gái, chàng trai có thể hát ứng tác để bày tỏ nỗi lòng của mình. Trong các dịp cưới xin, dựng nhà mới hay lễ mừng đầy tháng con trẻ thì các chàng trai cô gái đều có thể hát ứng khẩu với nhau. Cái hay của lối ứng đáp trong hát Tơm, chính là sự phong phú của ca từ. Tuy nhiên, trong các làn điệu hát Tơm vẫn có trật tự, quy định nhất định. Tiến sỹ Vi Văn An ở Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, cho biết: “ Những bài hát Tơm mang tính cổ điển ngày xưa thường vẫn có công thức. Công thức tùy theo từng người, tùy theo tài ứng khẩu, kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết của từng người mà có thể bài hát Tơm đó được kéo dài, có vần, có điệu, có nội dung và có ý nghĩa. Phần lớn trong hát Tơm, người ta sử dụng lối hát ứng tác tại chỗ, tức là ứng khẩu giữa hai bên. Còn những bài cũ thì thường kể về giai đoạn, cuộc sống của thời quá khứ, kể về sự tích các anh hùng, về văn hóa về công lao những người có công khai mở đất đai, lập bản  làng.”

Tuy cuộc sống vật chất còn nhiều khó khăn, song đời sống tinh thần của người Khơ Mú rất phong phú, thể hiện rõ nét trong các làn điệu hát Tơm. Điều đặc biệt là tất cả các làn điệu Tơm được người Khơ Mú sáng tác từ xa xưa và được lưu truyền bằng hình thức duy nhất là truyền khẩu. Những nghệ nhân thường truyền dạy hát Tơm cho con cháu từ đời này sang đời khác, nhờ vậy những làn điệu hát Tơm cổ ngọt ngào vẫn được bảo lưu tới tận ngày nay.

Nên đọc
Theo VOV5
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo