Hé lộ "át chủ bài" Thổ Nhĩ Kỳ trả đũa Nga trong vụ bắn rơi SU-24
Tin tức trên báo Vnexpress, Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu SU-24 Nga hôm 24/11, Nga cho thấy không có dấu hiệu muốn dừng lại các hoạt động quân sự gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Theo Business Insider, khi Nga liên tiếp có những động thái răn đe như triển khai hệ thống tên lửa đất đối không S-400 và trang bị tên lửa không đối không cho Su-34, Thổ Nhĩ Kỳ có thể coi việc Nga tăng cường sức mạnh gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria là mối đe dọa nghiêm trọng và dùng đến "át chủ bài" giá trị nhất của mình: các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Gồm eo biển Dardanelles, biển Marmara và eo biển Bosporus, đây là một loạt các tuyến đường thủy ở Thổ Nhĩ Kỳ nối Biển Đen với biển Aegean và Địa Trung Hải.
Thổ Nhĩ Kỳ có toàn quyền kiểm soát eo biển Dardanelles và Bosporus theo Công ước Montreux năm 1936. Ankara đóng vai trò là bên trông coi eo biển và sắp xếp các chuyến đi qua của tàu hải quân các nước Biển Đen.
Theo Công ước Montreux, Nga có quyền đi qua các eo biển này không hạn chế. Nhờ đó, họ chuyển hàng tiếp tế đến Syria từ căn cứ hải quân Novorossiysk tại Biển Đen đến các cảng của Nga ở Tartus và Latakia.
Trong lịch sử, tàu Nga được thoải mái đến Địa Trung Hải qua eo biển. Tuy nhiên, theo Công ước Montreux, Thổ Nhĩ Kỳ có thể chặn tàu quân sự Nga một cách hợp pháp với hai điều kiện: nếu họ đang chiến tranh với Nga hoặc cảm thấy nước mình đang bị "đe dọa với nguy cơ xảy ra chiến tranh".
Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố sau vụ bắn rơi SU -24 Nga cách đây không lâu: “Hậu quả trực tiếp là chúng tôi có thể sẽ từ chối tham gia vào hàng loạt dự án chung quan trọng và các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đánh mất thị phần ở Nga”. Báo Zing news thông tin.
Đến nay Moscow đã kêu gọi khách du lịch Nga tẩy chay Thổ Nhĩ Kỳ, hủy chế độ miễn thị thực cho công dân Thổ, thắt chặt kiểm soát thực phẩm nhập khẩu từ Thổ…
Nga cũng ngừng nhập khẩu thịt gà từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu năng lượng từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ mới thực sự là yếu tố quan trọng nhất trong quan hệ thương mại song phương. Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng mua khí đốt lớn thứ hai của Nga sau Đức. Mỗi năm, tập đoàn Nga Gazprom cung cấp 27 tỷ m3 khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương 70% nhu cầu khí đốt nước này.
Reuters dẫn lời nhà phân tích Mikhail Krutikhin thuộc hãng tư vấn RusEnergy nhận định: “Dừng dòng khí đốt sẽ là quyết định cực khó, bởi thị trường xuất khẩu của Nga không mở rộng mà đang bị thu hẹp”. “Việc đánh mất một thị trường lớn như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là cực kỳ nhạy cảm đối với cả ngân sách chính phủ Nga và tập đoàn Gazprom”, ông Krutikhin nhấn mạnh.
Nhìn vào cán cân thương mại, có thể thấy Nga sẽ thiệt hại lớn hơn Thổ Nhĩ Kỳ nếu chiến tranh thương mại thực sự nổ ra. Năm 2014, Nga xuất khẩu 25 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu là khí đốt, kim loại và nông sản.
Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga không lớn, chỉ vào khoảng 7 tỷ USD. Nhưng Nga mua từ Thổ Nhĩ Kỳ nhiều sản phẩm rất cần thiết đối với nền kinh tế nước này như máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng, hàng may mặc, thực phẩm…
Trên trang Russia-Direct, giáo sư quan hệ quốc tế Stanislav Tkachenko thuộc Đại học St. Petersburg cho biết Nga đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 10 tỷ USD, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đầu tư vào Nga con số tương tự, tạo hàng chục nghìn công ăn việc làm và hàng trăm triệu ruble tiền thuế cho Moscow. “Bất kỳ động thái nào gây thiệt hại kinh tế cho Ankara cũng sẽ bị trả đũa tương xứng” - giáo sư Tkachenko cảnh báo.
Một cuộc chiến tranh thương mại sẽ gây thiệt hại nặng cho cả đôi bên. Giáo sư Tkachenko ước tính nếu cắt đứt quan hệ thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, nền kinh tế Nga có thể tổn thất tới 30 tỷ USD, và một số ngành trọng yếu của Nga như năng lượng và máy móc sẽ chao đảo.
Tương tự, chiến lược gia Timothy Ash của tập đoàn tài chính Nomura nhận định Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cứng rắn không kém Tổng thống Nga Vladimir Putin, và Ankara sẽ phản đòn bất kỳ động thái trừng phạt nào của Matxcơva.
End of content
Không có tin nào tiếp theo