Văn hóa

Hé lộ bí ẩn tàu cổ ở Quảng Ngãi

Sau khi hoàn tất trục vớt cổ vật trong con tàu cổ đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi), các chuyên gia khảo cổ học khuyến nghị nên bảo quản thân tàu cổ tại chỗ.
(TNO) - Theo ông Đoàn Sung, đại diện Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương (doanh nghiệp thực hiện khai quật), kết thúc việc khai quật cổ vật nằm bên trong con tàu cổ đắm ở Bình Châu, tổng số lượng cổ vật trục vớt được ít hơn so với phương án đưa ra là 40.000 món. Ông Sung cho biết thêm, từ 30.6 đến 15.7, công ty phối hợp cùng các nhà khảo cổ học tiếp tục mở rộng vùng khai quật thêm 300 m2 bằng phương pháp dùng thợ lặn để tìm kiếm, trục vớt cổ vật bị rơi vãi ra bên ngoài xung quanh khu vực tàu đắm.
 
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á (Hội Khoa học nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam), tiết lộ trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện một số hiện vật độc bản có giá trị như đĩa có đường kính 36 cm hoa văn hình con rồng, quả cân có khắc 6 chữ Trung Quốc, trong đó 3 chữ bị mờ không thể đọc được. “Chúng tôi đã chuyển ảnh quả cân nhờ đồng nghiệp khảo cổ học Trung Quốc nghiên cứu nhưng qua email họ “lắc đầu”, chưa tìm ra tài liệu và cho hay chưa bao giờ thấy quả cân như vậy”, TS Việt cho biết.
 
Theo phương án trục vớt được UBND tỉnh phê duyệt, sau khi thu gom toàn bộ cổ vật trên tàu sẽ tiến hành trục vớt vỏ tàu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế, các nhà khảo cổ học cho rằng việc đưa vỏ tàu về Bảo tàng Quảng Ngãi bảo quản, trưng bày trong thời điểm hiện nay là chưa phù hợp. Nguyên do, việc bảo quản vỏ tàu cổ trên cạn, nhất là con tàu có hiện trạng tốt như tàu cổ đắm tại Bình Châu đòi hỏi phải có nguồn tài chính rất lớn cùng kinh nghiệm xử lý tiên tiến của các chuyên gia. Vì thế, các nhà khoa học khuyến nghị nên bảo quản thân tàu tại chỗ nhằm phát huy du lịch văn hóa biển đặc biệt hiếm có.
 
Theo TS Việt, tàu có chiều dài 21 m, phần đáy chỗ rộng nhất 5,6 m. Đây là loại thuyền buồm của nhà buôn có 12 khoang, 3 tầng. Mặc dù bị cháy, đắm chìm dưới biển và chịu tác động dữ dội của thời tiết suốt 700 năm qua, nhưng hiện trạng chiều cao vỏ tàu vẫn còn khoảng 1/3. Trong đó, phần tương đối nguyên vẹn nhất là đế thuyền còn khoảng 80-90%, phần bị hỏng nhiều nhất là khoang số 2, chỉ còn từ 3-4%.
 
Về mặt cấu trúc, tàu này có nhiều đặc điểm nổi bật, không giống với 12 con tàu cổ mà các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu về tàu đắm ở châu Á. Đó là hệ thống bánh lái còn tương đối nguyên vẹn, chưa có tàu cổ nào cùng niên đại thế kỷ 14 đã khai quật được ở châu Á có được; kỹ thuật làm vách ngăn thuyền cổ cũng rất đặc biệt, cả một phiến gỗ lớn, đường kính khoảng 1 m, tất cả hệ thống ván ốp thuyền bằng gỗ thông dày từ 6-8 cm. “Tôi nghiên cứu tàu thuyền cổ hơn 30 năm nhưng chưa nhìn thấy bánh lái tàu ra làm sao cả, chưa thấy vỏ tàu cổ đắm nào trên thế giới lại có kỹ thuật làm vách ngăn chắc chắn như thế. Điều đó chứng tỏ nơi đóng tàu rất giàu về gỗ quý và kinh nghiệm làm thuyền buồm đi biển tương đối tốt”, TS Việt nhận định.
 
Ông cho biết thêm, qua nghiên cứu sơ bộ về nhận diện gỗ thì tàu có loại gỗ tốt nhất (cả khối lượng và chất lượng) so với 12 tàu cổ đã khai quật được ở châu Á. “Trung tâm chúng tôi lấy mẫu gỗ tàu cổ đắm để so sánh cấu trúc xen lu lô nhằm xác định loại gỗ gì, nguồn gốc gỗ, đồng thời dùng phương pháp carbon phóng xạ xác định niên đại gỗ. Đây cũng là cách mà các nhà nghiên cứu trên thế giới tiếp cận để xác định rõ niên đại, nguồn gốc thuyền cổ đóng ở đâu”, TS Việt nói.
 
Cũng theo TS Việt, với những đặc trưng hiếm có của vỏ tàu, nhất là chi tiết hệ thống bánh lái còn tương đối nguyên vẹn là cơ hội đối với giới nghiên cứu lịch sử tàu thuyền, lịch sử thương mại ở Việt Nam và thế giới, góp phần rất lớn vào phát triển ngành khảo cổ học tàu thuyền Việt Nam và trong tương lai chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng các bảo tàng chuyên về giao thương, thương mại trên biển giống như các nước trong khu vực.
 
 
 
 
Hiển Cừ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo