Hiệp định CPTPP

Các FTA thế hệ mới thử thách doanh nghiệp dược

Không thể phủ nhận những lợi ích mà các FTA thế hệ mới mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp dược nói riêng nhưng cùng với đó là những thách thức khi các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia có cơ hội “tràn” vào Việt Nam khiến cuộc cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt.

Cơ hội cùng thắng trong EVFTA lớn hơn bất kỳ FTA nào / EVFTA và động lực cho các nước Đông Nam Á hậu Covid-19

Một nghiên cứu của BMI Research cho thấy, trong vòng 5 năm tiếp theo, ngành dược Việt Nam được dự đoán tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh và ổn định nhất thế giới. Thị trường dược phẩm của Việt Nam sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và 16,1 tỷ USD năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam.

Chi tiêu dành cho dược phẩm theo đầu người tại Việt Nam được dự báo tăng gấp đôi, lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025.

Doanh nghiệp nội đuối sức

Do vậy, triển vọng tăng trưởng ngành dược được dự báo là rất khả quan vì tầng lớp trung lưu tại Việt Nam ngày càng tăng, ý thức bảo vệ sức khỏe được nâng cao. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối dược phẩm đang phát triển mạnh, tăng khả năng tiếp cận dược phẩm của người sử dụng.

Đây được xem là “mảnh đất màu mỡ” của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua trên thị trường dược, các doanh nghiệp nước ngoài nắm rất nhiều lợi thế.

san-luong-tieu-thu-duoc-pham-1834-160456

Sản lượng tiêu thụ dược phẩm theo dự báo của BMI

Theo chia sẻ của đại diện Tổng công ty dược Việt Nam-CTCP (Vinapharm), chuỗi giá trị ngành dược Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu. Tính đến 31/12/2019, nước ta nhập khẩu gần 3,1 tỷ USD dược phẩm chưa kể gần 389,69 triệu USD nguyên phụ liệu dược phẩm.

Phần lớn các sản phẩm dược cao cấp được nhập từ Pháp, Đức do các công ty trong nước còn nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật, công nghệ, 80%-90% thành phần hoạt chất dược phẩm được nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành các sản phẩm dược phẩm xuất khẩu khi thuốc của Việt Nam thường có giá cao hơn khoảng 20-25% so với Trung Quốc, Ấn Độ. Theo đó, hoạt động xuất khẩu dược phẩm của Việt Nam chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn khi năm 2019 tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 200 triệu USD.

Hơn nữa, việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu có thể khiến cácdoanh nghiệp không kịp “trở tay” nếu có biến động. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam chỉ đủ khả năng sản xuất thuốc generic (thuốc bào chế theo công thức đã hết thời hạn bảo hộ), vì năng lực nghiên cứu và phát triển các loại thuốc có hạn cũng là một điểm hạn chế để doanh nghiệp nội vươn xa.

Nhìn vào những thực tế này, đại diện của Vinapharm cho rằng, việc hàng loạt các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA...được ký cũng đặt các doanh nghiệp dược Việt nam đối mặt với nhiều thách thức.

 

Cụ thể, sau khi các hiệp định có hiệu lực, khoảng 70% các mặt hàng thuốc và hoạt động được đưa về mức thuế suất 0% khiến áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia đối với doanh nghiệp Việt ngày càng tăng cao.

Đặc biệt, khi CPTTP có hiệu lực, việc tuân thủ bảo hộ bản quyền các sản phẩm chứa dược chất còn thời gian bảo hộ trí tuệ sẽ là một “nút thắt” đối với các quốc gia có nền sản xuất ở mức thấp như Việt Nam vốn chỉ sản xuất chủ yếu dòng thuốc generic.

Biến khó khăn thành động lực

Thực tế, sự “hụt hơi” của các doanh nghiệp nội trong việc cạnh tranh với thuốc ngoại đã kéo dài nhiều năm qua, các hiệp định thương mại thế hệ mới được xem là một “cú bồi” vào năng lực của nhóm doanh nghiệp này.

Dù mang lại áp lực cạnh tranh nhưng các hiệp định thương mại thế hệ mới cũng là động lực thúc đẩy không chỉ các công ty trong nước, mà ngay cả các công ty nước ngoài phải tăng tốc trong cuộc đua toàn diện từ sản xuất đến phân phối tại thị trường Việt Nam.

 

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nội đã tự tìm hướng đi riêng cho mình như CTCP Dược Hậu Giang đã xuất hiện cổ đông lớn là tập đoàn dược phẩm hàng đầu của Nhật Bản là Taiso Pharmaceuticals.

Hệ thống phân phối mạnh của Dược Hậu Giang cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật cũng như nguồn vốn, kinh nghiệm sản xuất các dòng thuốc mới của Taisho, Dược Hậu Giang đủ năng lực cạnh tranh với bất kỳ đối thủ lớn nào.

Ngoài ra, các doanh nghiệp khác như Bidiphar, Imexpharm, Pymepharco… đang có các khoản đầu tư lớn để nâng cấp nhà máy, hứa hẹn sẽ tạo bước phát triển mới cho sản phẩm dược trong nước.

Tuy nhiên, về dài hạn, các doanh nghiệp dược phẩm nội cần phải có nhiều bước đi hơn nữa để vừa tận dụng cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu, vừa chiếm lĩnh thị trường trong nước trước những thuận lợi và thách thức đan xen khi thực hiện các FTA như nâng cao trình độ quản lý, chú trọng đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Đặc biệt, cần tăng cường quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau có thể giúp giảm bớt áp lực từ phía nhà cung cấp, tạo một nguồn cung cấp đầu vào ổn định và có chất lượng, giảm bớt sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp do đầu tư trùng lặp.

 

Việc các doanh nghiệp nội liên kết với nhau có thể giúp cho dược phẩm Việt Nam tập trung sức mạnh, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại. Đồng thời kết hợp đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các tập đoàn đa quốc gia.

Trước đó tại một diễn đàn về sức cạnh tranh của hàng Việt trong bối cảnh các FTA thế hệ mới có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã nhấn mạnh, tham gia các hiệp định thương mại sẽ hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam, giúp các doanh nghiệp liên thông với các đối tác công nghệ và năng lực quản lý ở cấp độ tiên tiến để có thể đáp ứng được các đòi hỏi của môi trường cạnh tranh toàn cầu.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm