Gỡ khúc mắc ở 'cửa' hải quan để tận dụng EVFTA
Cơ hội xuất khẩu 20.000 tấn đường/năm theo cam kết miễn thuế của EVFTA / EVFTA và 'cuộc chiến' sữa nội - ngoại: Kẻ tám lạng, người nửa cân
Trong Sách trắng 2020 các vấn đề đầu tư, thương mại và khuyến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) có đề cập đến việc ban hành Thông tư 81/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan và dữ liệu bổ sung cơ quan hải quan đã tổng hợp để đánh giá rủi ro. Các thành viên EuroCham hy vọng thời gian thông quan sẽ được rút ngắn đáng kể.
Còn băn khoăn về luồng hàng thông quan
“Cụ thể, dựa vào hệ thống thông tin dữ liệu mở rộng mà cơ quan hải quan nắm giữ hiện nay, chúng tôi hy vọng nhiều khai báo xuất khẩu - nhập khẩu sẽ được xếp vào luồng xanh; giảm số lượng trên luồng vàng (rà soát hồ sơ cho mục đích hải quan); cũng như giảm số lượng hàng hóa trên luồng đỏ (rà soát hồ sơ và kiểm tra hàng hóa)”, phía EuroCham nhấn mạnh.
Cải thiện thủ tục ở “cửa” hải quan và logistics sẽ giúp các DN tận dụng tốt EVFTA |
Tại một buổi đối thoại gần đây giữa các doanh nghiệp (DN) thuộc EuroCham với các cơ quan ban ngành của Tp.HCM nhằm tận dụng EVFTA, đại diện Cục Hải quan Tp.HCM cho biết, trong việc phân luồng hải quan ở Tp.HCM theo thống kê tính riêng 6 tháng đầu năm 2020,luồng xanh (miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa) chiếm tỷ lệ 53,81%, riêng luồng vàng chiếm tỷ lệ 37,98%, còn lại là tỷ lệ luồng đỏ.
Như vậy, theo đánh giá của Cục Hải quan Tp.HCM, luồng vàng hải quan vẫn còn cao. Việc này do vướng ở quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành. Vì thế, phía hải quan bắt buộc phải “cuốn” theo những mặt hàng mà các bộ, ngành quản lý, yêu cầu phải có các tiêu chuẩn.
Đại diện Cục Hải quan Tp.HCM cũng chia sẻ, thời gian tới, để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở khâu hải quan theo chỉ đạo của Chính phủ, nhất là cải cách kiểm tra chuyên ngành, luồng vàng sẽ được giảm bớt để chuyển sang luồng xanh.
“Trong tương lai gần, việc phân luồng hải quan sẽ thay đổi nhằm tạo thuận lợi để hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Âu được rút ngắn thời gian hơn”, đại diện Cục Hải quan Tp.HCM khẳng định.
Vấn đề rút ngắn thời gian thông quan cũng là điều mà nhiều DN quan tâm tại buổi toạ đàm ngày 6/10 tại Tp.HCM với chủ đề về ngành hải quan Tp.HCM cùng DN đồng hành thực hiện EVFTA.
Để EVFTA thực sự đi vào cuộc sống của các DN Việt Nam và EU, trong việc hỗ trợ ở khâu hải quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về Biểu thuế xuất khẩu (XK) ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện EVFTA áp dụng cho các tờ khai XK, nhập khẩu đăng ký từ ngày 1/8/2020.
Cần tiếp tục gỡ khó
Theo ông Thành, việc cải cách kiểm tra chuyên ngành đang được ngành hải quan tiếp tục thực hiện nhằm rút ngắn thời gian thông quan để tạo thuận lợi nhất cho các DN thực hiện Hiệp định EVFTA.
Còn theo ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan Tp.HCM, khối lượng hàng hóa từ châu Âu về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất chiếm trên 50%. Trong khi đó, với DN kinh doanh tại Việt Nam hoặc XK đi châu Âu, hải quan là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu.
“Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác cần quan tâm như: Biểu thuế XK ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020 - 2022, xuất xứ hàng hóa… Đó là những thách thức đối với DN Việt Nam”, ông Thắng nói.
Thời gian qua, Cục Hải quan Tp.HCM cũng đã có buổi tập huấn cho các DN châu Âu về quy tắc xuất xứ hàng hoá trong EVFTA với những lưu ý quan trọng, trong đó có vấn đề về nguyên tắc cộng gộp đối với nguyên liệu có xuất xứ từ nước không phải thành viên EVFTA.
Không chỉ các DN thành viên của EuroCham, mà các DN Việt cũng quan tâm cập nhật từ “cửa” hải quan trong việc tận dụng ưu đãi EVFTA, nhất là về quy tắc xuất xứ, phân loại hàng hoá, thông quan và cho hưởng ưu đãi thuế.
Bên cạnh việc khuyến nghị tạo thuận lợi thương mại trong các luồng hàng thông quan, phía EuroCham còn lưu ý về cập nhật pháp lý đối với hàng hóa sản xuất/gia công cho XK.
DN châu Âu tiếp tục hy vọng Nghị định sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP sẽ sớm được ban hành trên tinh thần là hàng hóa sản xuất/gia công XK tại chỗ, áp dụng cho tất cả hàng hóa XK được thực hiện theo hình thức xuất, nhập khẩu tại chỗ.
Hơn nữa, về hàng hóa được sản xuất/gia công thuê ngoài một phần hoặc hoàn toàn cho XK tại chỗ, các DN châu Âu mong muốn được cung cấp hướng dẫn cụ thể về tiêu chí để nhà nhập khẩu được hoàn thuế hải quan, cũng như quy trình hải quan hợp lý cho các bên.
Được biết, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2016/NĐ-CP, để hoàn thiện chính sách pháp luật lĩnh vực hải quan, lĩnh vực xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết vướng mắc trong áp dụng thuế cho nguyên liệu, vật tư dư thừa từ quá trình sản xuất XK và gia công XK.
End of content
Không có tin nào tiếp theo