Hiệp định CPTPP

Khả năng Mỹ tái gia nhập CPTPP sớm xảy ra?

DNVN - Trong bối cảnh hiện nay, dù không một thông báo công khai nào được Nhà Trắng đưa ra về việc tái gia nhập hoặc không gia nhập CPTPP nhưng giới chuyên gia nhận định khả năng Mỹ quay lại CPTPP "sớm xảy ra". Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng việc Mỹ tái gia nhập CPTPP là khó xảy ra.

EVFTA - 'sân chơi' mới cho các làng nghề / Xuất khẩu hơn 15 tỷ USD sang EU sau 5 tháng thực thi EVFTA

Là một trong những thành viên tham gia đàm phán TPP vào năm 2008 nhưng Mỹ đã rút khỏi hiệp định này vào đầu năm 2017 khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, với lý do ông chủ Nhà Trắng cần có một hiệp định thương mại công bằng hơn cho nước Mỹ. Kể từ khi Mỹ rút khỏi đàm phán TPP vào đầu năm 2017, 11 quốc gia khác bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam vẫn tiếp tục thỏa thuận này và đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được chính thức ký kết tại Chile ngày 8/3/2018.
Tại hội thảo CPTPP - cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam diễn ra hồi cuối tháng 4, ông Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho hay, đang có những tín hiệu cho thấy Mỹ quay trở lại hiệp định này trong 2 năm đầu nhiệm kỳ Tổng thống Biden. Đó là ngoài sự quan tâm của chính quyền Tổng thống Biden với CPTPP, còn bởi thương mại của Mỹ với các nước đang giảm mạnh. Việc quay trở lại với CPTPP sẽ đem lại nhiều cơ hội cho nước Mỹ trong tăng trưởng, giảm thâm hụt thương mại với các quốc gia.
Phân tích sâu về việc liệu Mỹ có tái gia nhập CPTPP hay không, ông Dustin Daugherty - Giám đốc Phát triển kinh doanh Bắc Mỹ Dezan Shira & Associates cho rằng, chính sách thương mại quốc tế không phải là ưu tiên trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Joe Biden. Thay vào đó, phục hồi kinh tế và y tế là ưu tiên hàng đầu và sẽ là trọng tâm trong ngắn và trung hạn của chính quyền Tổng thống Biden. Ông Biden dường như bỏ lại phía sau những chính sách thương mại tạm thời của người tiền nhiệm Donald Trump. Không một thông báo công khai nào được đưa ra về việc tái gia nhập hoặc không gia nhập CPTPP. Tâm lý ở chính quyền Washington cho thấy không có khả năng tái gia nhập CPTPP trước cuộc bầu cử giữa kỳ 2022.

Ông Dustin Daugherty - Giám đốc Phát triển kinh doanh Bắc Mỹ Dezan Shira & Associates.
"Mỹ phải nhìn vào thỏa thuận hậu Brexit với vương quốc Anh, vì vậy các nhà đàm phán thương mại Mỹ có nhiều việc để làm, nhưng chúng tôi tin chính quyền Biden hiểu giá trị của Việt Nam. Về lâu dài, Mỹ sẽ thúc đẩy tự do thương mại và thừa nhận tầm quan trọng của Việt Nam với tư cách 1 đôi tác thương mại. Hy vọng sẽ có tiến triển trước khi nhiệm kỳ Biden kết thúc. Đương nhiên, chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ tái gia nhập, tuy nhiên điều này khó xảy ra trong bối cảnh hiện tại và cần có thời gian", ông Dustin Daugherty chia sẻ.
Việc Mỹ tham gia CPTPP vẫn "ở thì tương lai", song theo các chuyên gia, bên cạnh việc khai thác thị trường CPTPP, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu khả năng tận dụng những ưu đãi, các mối liên kết kinh tế và cơ sở hạ tầng sẵn có của các nước thành viên CPTPP để qua đó đưa hàng Việt Nam thâm nhập và mở rộng sang các thị trường khác thuộc khu vực châu Mỹ. Khu vực này có nhiều khối liên kết kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do với mối ràng buộc chặt chẽ với nhau, thí dụ như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA, gồm Mỹ, Canada, Mexico với gần 500 triệu dân, GDP:21.000 tỷ USD), khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR, gồm các nước Brazil, Achentina, Uruguay, Paraguay với 265 triệu dân, GDP: 2.400 tỷ USD), khối Liên minh Thái Bình Dương (AP, gồm các nước Mexico, Chilê, Colombia, Peru với 230 triệu dân, GDP: 2.100 tỷ USD), Cộng đồng Andean (CAN, gồm Peru, Colombia, Ecuador, Bolivia với 111 triệu dân, GDP: 700 tỷ USD).
Ông Dustin Daugherty cho biết thêm, hiện tại dù không có Mỹ, nhưng do tính quan trọng của CPTPP, Bắc Mỹ sẽ mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam – Mexico và Canada.
Doanh nghiệp Việt Nam hiển nhiên muốn tận dụng USMCA để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ rộng lớn, nhưng điều này không dễ. Doanh nghiệp Việt Nam phải coi trọng đầy đủ các thành viên của USMCA để đáp ứng các quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng, và nên cân nhắc các chi phí cho việc này so với các lợi ích từ việc cắt giám thuế quan theo USMCA ở Mỹ.
Hiệp định CPTPP chính thức được phê chuẩn vào 30/12/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019, được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác nói chung và các nước châu Mỹ nói riêng. Trong số 11 quốc gia thành viên tham gia CPTPP, có bốn nước thuộc khu vực châu Mỹ là Canada, Mexico, Chile và Peru; và trong số này, Canada, Mexico và Peru là ba nước mà lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ FTA. Đây cũng là những quốc gia có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan rất cao cho hàng hóa Việt Nam ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, như Chile (95%), Canada (94,9%), Peru (81%) và Mexico (77%).

Sau hai năm CPTPP đi vào thực thi, kim ngạch xuất khẩu sang hai quốc gia đã phê chuẩn CPTPP là Canada và Mexico đã tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt kim ngạch 4,4 tỷ USD – tăng 45% và 3,17 tỷ USD tỷ USD – tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018. Các nước còn lại dù chưa phê chuẩn hiệp định nhưng cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất nhanh (Chile 30%, Peru 21% so với năm 2018). Những con số này khẳng định CPTPP đã và đang trở thành động lực mở rộng đường cho hàng Việt sang thị trường các nước châu Mỹ, vốn còn rất mới mẻ và tiềm năng.
Tiếp đà tăng trưởng của năm 2020, ba tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang các đối tác CPTPP của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ cũng tăng trưởng tích cực, cụ thể xuất khẩu sang Canada tăng 15% (đạt1,13 tỷ USD), Mexico tăng 17% (đạt 931 triệu USD), Chile tăng 12% (đạt 321 triệu USD) và Peru tăng 35% (đạt 134 triệu USD).
Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm