Ký kết EVFTA và CPTPP: ‘Cửa mở nhưng nông sản Việt qua được hay không mới là câu chuyện’
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường CPTPP: Đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe / CPTPP: Khẩn trương triển khai biện pháp năng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Khi tham gia vào các hiệp định thương mại hế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), đã tạo ra cơ hội mới cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các nước trên thế giới, trong đó có nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản…Tuy nhiên, thách thức cũng sớm xuất hiện, đòi hỏi các ngành hàng nông nghiệp phải nỗ lực đổi mới mạnh mẽ trên nhiều mặt.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Chuyên gia nông nghiệp để làm rõ vấn đề trên.
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Chuyên gia nông nghiệp.
Thưa ông, khi Việt Nam ký kết Hiệp định EVFTA và CPTPP, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản sẽ gặp những cơ hội và thách thức gì?
Việc chúng ta tham gia Hiệp định EVFTA và CPTPP là cơ hội vô cùng lớn, vì thị trường xuất khẩu nông sản được mở ra. Nhưng cũng chính sự mở rộng thị trường này mới thấy chúng ta gặp thách thức rất lớn.
Thứ nhất, nếu nói về tiềm năng sản xuất của nông nghiệp Việt Nam hay nông sản Việt thì những nông sản của chúng ta đạto các thị trường này còn rất hạn chế. Khi ký kết các Hiệp định thương mại tự do, nghĩa là chúng ta đã có cơ hội, nhưng nếu không nắm bắt được cơ hội đó chúng ta sẽ tụt hậu. Nông sản chúng ta thiếu tổ chức sản xuất, thiếu vùng nguyên liệu tập trung, vùng sản xuất chuyên nghiệp lại không có.
Thứ nữa, chúng ta rất yếu về xây dựng thương hiệu. Có mặt hàng, có nông sản nhưng không có thương hiệu thì làm sao chúng ta cạnh tranh được. Trong khi đó, nếu nói về thương hiệu, nông sản Việt đã và đang thua trên sân nhà. Người tiêu dùng hàng Việt Nam hiện nay đang mua nông sản nước ngoài, bởi họ cảm thấy giá cả không chênh lệch là bao, chất lượng nông sản ngoại ngon hơn, và đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do đó, chúng ta không thể nói mãi câu: “Người Việt Nam mua hàng Việt Nam là yêu nước”. Không ai mua hàng giá cao mà chất lượng xấu được. Mà chúng ta chỉ nên nói: “Người Việt Nam ưu tiên mua hàng Việt Nam”, và ưu tiên ở chỗ chất lượng, giá cả hàng Việt cũng ngang ngửa hàng ngoại. Chứ giá cao hơn mà chất lượng xấu thì ưu tiên sao được? Quay lại câu chuyện cơ hội thì thấy, thách thức của chúng ta còn quá lớn. Chúng ta có cơ hội rồi, nhưng nếu không biến cơ hội đó thành thời cơ, lợi thế thì chúng ta sẽ làm ảnh hưởng không tốt tới quá trình sản xuất.
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nguyên nhân của những thách thức này?
Như tôi vừa phân tích, chúng ta thiếu tổ chức sản xuất, thiếucông nghệchế biến, thiếu logistics. Hai nữa, chúng ta liên kết chuỗi lợi ích mà không thể không códoanh nghiệpvà chính sách.
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp hiện nay rất manh mún, tỉ lệ nông dân, hộ nông dân quá nhiều, muốn đáp ứng được thị trường lớn chúng ta phải nhờ doanh nghiệp lớn cùng tham gia. Khi doanh nghiệp lớn cùng vào làm, có chính sách tốt hỗ trợ mới tốt cho nông nghiệp. Còn để người nông dân tự làm sẽ nhỏ lẻ và rất khó.
Mặt khác, các doanh nghiệp Việt và Chính phủ chưa có sự liên kết chặt chẽ. Bằng chứng là các doanh nghiệp xuất khẩu còn ít chú trọng đến hàng rào kỹ thuật. Cửa người ta mở hết rồi, nhưng không phải như thế là chúng ta có quyền thênh thang đi lại tự do. Chúng ta phải biết sau cánh cửa đó là gì, đó là hàng rào kỹ thuật. Nếu không hiểu hàng rào kỹ thuật sẽ không vào được. Muốn hiểu hàng rào kỹ thuật phải có trình độ.
Ngay đối với thị trường Trung Quốc đã bắt đầu có sự khép lại khi họ khống chế một số cửa khẩu, đồng thời sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc và hợp đồng giữa các đối tác chứ không phải là các tiểu ngạch tự do. Bên cạnh đó, khi hiệp định được ký kết, hàng hóa sẽ tràn vào Việt Nam từ rất nhiều nước. Do vậy nếu chúng ta chuẩn bị không tốt sẽ thua ngay trên sân nhà. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và người nông dân. Đó là những khó khăn thách thức đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan chức năng, hiệp hội và các doanh nhiệp cần có biện pháp để khắc phục.
Vậy theo ông chúng ta cần những giải pháp nào để hội nhập thành công?
Cửa đã mở, nhưng để đi lại thênh thang, ngành nông sản Việt phải có giấy thông hành là "Tiêu chuẩn chất lượng".
Sự thực là chúng ta không có sự chuẩn bị. Bởi hàng rào kỹ thuật không phải khó khăn, vấn đề là chúng ta có chịu tìm hiểu không? Điều này lại liên quan đến vấn đề nhận thức và giáo dục trong nông nghiệp rất yếu. Không có giáo dục làm sao có thể tham gia được vào biển lớn, vào thị trường thế giới.
Mặt khác, việc xây dựng hàng rào kỹ thuật của chúng ta cũng không khó. Vấn đề cần phải bắt tay vào làm. Muốn xây dựng hàng rào kỹ thuật phải có phương tiện, trình độ, trang thiết bị. Thế giới đã làm hàng chục năm nay rồi, chỉ có chúng ta mới bắt đầu bơi ra biển lớn nên còn bỡ ngỡ và vẫn cho rằng mọi chuyện đơn giản...
Tuy nhiên, những thị trường khó tính thì rất nhiều thách thức nhưng cũng có không ít cơ hội. Đơn cử như với những thị trường đòi hỏi thực phẩm nhiệt đới khắt khe là Nhật, Mỹ, châu Âu... chúng ta phải nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu của họ. Việc này không chỉ riêng Bộ Nông nghiệp, mà rất cần sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Công thương, các nhà khoa học mới có được hàng rào kỹ thuật.
Chúng ta đang có những cơ hội, nhưng thách thức đang lớn hơn. Nếu không khắc phục được thách thức, đừng nói đến chớp được cơ hội. Cửa mở rồi nhưng có đi qua được không mới là câu chuyện. Chúng ta cần phải tìm đường đi, tìm giải pháp vượt qua nó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo