CPTPP và EVFTA : Cơ hội để thủy sản Việt Nam phát triển bền vững
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường CPTPP: Đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe / CPTPP: Khẩn trương triển khai biện pháp năng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) không chỉ tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mà còn giúp ngành nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, chất lượng để phát triển bền vững.
Đây là nội dung mà các chuyên gia đã chia sẻ tại Hội thảo cơ hội và thách thức của ngành thủy sản Việt Nam tại các Hiệp định CPTPP và EVFTA do Tổng cục Thủy sản và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17/7.
Doanh nghiệp Việt Nam chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong gần 10 năm trở lại đây ngành thủy sản Việt Nam liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng rất tích cực, giá trị sản xuất trung bình mỗi năm tăng khoảng 5%/năm, sản lượng thủy hải sản nuôi trồng và khai thác tăng 4,5%/năm.
Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, có những ngành hàng mũi nhọn chiếm tỷ trọng lớn, có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD là tôm, cá tra, ngoài ra một số mặt hàng có nhiều tiềm năng nâng cao kim ngạch trong thời gian tới như cá ngừ, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể…
Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp thủy sản Việt Nam có cơ hội tổ chức lại hoạt động sản xuất, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ và hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất cho sản phẩm chất lượng cao hơn.
Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu và vị thế của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới được cải thiện. Cùng với đó, quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là với CPTPP đã có hiệu lực và EVFTA vừa ký kết, thủy sản Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi khá lớn khi đạt được những cam kết về cắt giảm thuế suất sâu nhất từ trước đến nay.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, CPTPP và EVFTA là hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và toàn diện hơn so với những FTA mà Việt nam đã tham gia trước đó; trong đó, mức độ cam kết về mặt mở cửa thị trường, dỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng sâu hơn và áp dụng cho tất cả các ngành hàng, kể cả nhóm hàng khó đàm phán như nông lâm thủy sản.
So với các ngành hàng khác, thủy sản được xem là ngành “nhạy cảm” và các đối tác có phần e dè hơn trong việc cam kết mở cửa nhưng trong CPTPP, các đối tác đã cam kết xóa bỏ ngay hoặc xóa bỏ trong vòng 2 -3 năm với hầu hết sản phẩm thủy sản sơ chế của Việt Nam, bao gồm cá tra, cá ngừ, tôm, thịt cua và nhuyễn thể. Các sản phẩm thủy sản chế biến cũng được xóa bỏ thuế theo lộ trình 5 - 10 năm.
Đáng chú ý, Canada đã xóa bỏ 100% các dòng thuế đối với thủy sản Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực, Mexico cam kết xóa bỏ thuế đối với cá tra Việt Nam sau 2 năm, sau 3 - 5 năm xóa bỏ 60% số dòng thuế…
Ngoài ra, Nhật Bản cũng cắt giảm thuế sâu hơn cho thủy sản Việt Nam so với Hiệp định thương mại tự do song phương đã được thực thi trước đó.
Mặc dù vậy, theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, việc thực thi CPTPP chỉ mang lại ý nghĩa cắt giảm thuế quan thực sự cho xuất khẩu Việt Nam ở 3 thị trường là Canada, Mexico và Peru vì các thị trường còn lại đều đã có FTA chung từ trước.
Còn với EVFTA, cơ hội cho Việt Nam là cực kỳ lớn bởi cùng lúc được tiếp cận thị trường với 28 quốc gia chưa từng có FTA nhưng lại là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất nhì của Việt Nam những năm qua; trong đó, 50% số dòng thuế của thủy sản sơ chế sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, số còn lại cắt giảm theo lộ trình 3 -7 năm; thực phẩm từ thủy sản cũng được xóa bỏ thuế sau 6 - 8 năm.
“Với mức cam kết cắt giảm thuế như trên, EVFTA vẫn chưa mang lại lợi thế thuế quan ngay cho các doanh nghiệp bởi hiện tại hầu hết sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU đang được hưởng thế suất ưu đãi đơn phương (GSP) từ 0 - 4% mà EU dành cho một số ngành hàng được đánh giá là chưa trưởng thành.
Tuy nhiên, khi EU rút lại các ưu đãi đơn phương thì những cam kết thuế quan từ EVFTA sẽ phát huy tác dụng và mang lại tác động lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP thì cho rằng, cả CPTPP và EVFTA đều hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam so với các đối thủ hiện nay như Thái Lan, Ấn Độ. Không chỉ tạo lợi thế xuất khẩu, các FTA này còn tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa được nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu để thúc đẩy hoạt động chế biến, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, EVFTA còn mở ra cánh cửa mới cho doanh nghiêp Việt Nam tiếp cận máy móc, thiết bị công nghệ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng thủy sản của khu vực, thế giới nhờ hoạt động chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia.
Cơ hội rất lớn xong thách thức đối với thủy sản Việt Nam cũng không nhỏ, đáng kể nhất là việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, quy tắc xuất xứ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để được hưởng ưu đãi. Bên cạnh đó, những cam kết về mặt môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động thay đổi quy trình sản xuất, đánh bắt, chế biến và nâng cao năng lực quản trị.
Tuy nhiên các chuyên gia nhận định rằng những thách thức đó là quy luật tất yếu mà doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động đáp ứng, không chỉ để tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan mà còn đảm bảo sự phát triển ngành nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cạnh tranh, phát triển một cách bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo