Hiệp định CPTPP

Tác động của Hiệp định EVFTA đến kinh tế Việt Nam và một số giải pháp đề xuất

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam và Liên minh châu Âu-EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU, đồng thời, cũng là một FTA có mức cam kết rộng và cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Giải quyết ngay vướng mắc phát sinh từ hiệp định EVFTA / Ðẩy mạnh xuất khẩu sang các nước CPTPP

Hiệp định EVFTA thực thi không chỉ tạo động lực cho kinh tế Việt Nam phát triển, hội nhập mạnh mẽ mà còn làm gia tăng vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Bài viết đánh giá tác động của EVFTA đến một số lĩnh vực kinh tế, môi trường kinh doanh và đề xuất một số giải pháp khi Việt Nam cạnh tranh trong môi trường Hiệp định này.

Tác động tích cực đến kinh tế

Hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả Việt Nam và EU trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa 2 bên phát triển sâu rộng và thực chất hơn. Việc ký kết và phê chuẩn EVFTA là phù hợp với chủ trương, chính sách đối ngoại, hội nhập kinh tế của Việt Nam đi vào chiều sâu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Việc tham gia Hiệp định EVFTA khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, thúc đẩy đàm phán FTA của Việt Nam với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.

Thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn, dài hạn.

Bên cạnh các tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế (các chỉ số kinh tế vĩ mô), Hiệp định EVFTA có tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau. Ngoài ra, tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế. Cụ thể:

Thứ nhất, tác động tới tăng trưởng kinh tế. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tác động của EVFTA, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại, Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách của các nước… tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).

 

Thứ hai, tác động đến thương mại. Tham gia Hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của Việt Nam sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 11,12-15,27% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 17,98-21,95% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).

Xuất khẩu của một số ngành sang thị trường EU được dự báo tăng mạnh như: Nhóm hàng nông sản: gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%); nhóm ngành sản xuất: dệt (67%), may mặc (81%), da giày (99%); Nhóm ngành dịch vụ tăng: vận tải thủy (100%), vận tải hàng không (141%), tài chính và bảo hiểm (21%), các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác (80%)… Bên cạnh đó, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường EU cũng tăng mạnh, khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Xét về tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới, dự kiến kim ngạch của Việt Nam tăng trung bình 4,36-7,27% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 10,63-15,4% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 16,41-21,66% (cho giai đoạn 05 năm sau đó). Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm, nhóm hàng máy móc thiết bị (10%), dệt may và điện thoại và linh kiện điện tử (6-7%), nông, lâm, thủy sản (5%). Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của ta để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.

Thứ ba, tác động đến ngân sách nhà nước (NSNN). Cắt giảm thuế quan theo Hiệp định EVFTA sẽ có tác động hai chiều đến nguồn thu NSNN, cụ thể: Giảm thu NSNN do giảm thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu; Tăng thu NSNN do có thu thêm từ thu nội địa dưới tác động tích cực của thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Dự kiến, tổng mức giảm thu NSNN từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo lộ trình của Hiệp định EVFTA là 2.537,3 tỷ đồng.

Mặt khác, thu NSNN tăng lên do thu nội địa từ tác động tăng trưởng của EVFTA là 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030. Số thu sẽ tăng dần theo mức độ tác động của Hiệp định tới tăng trưởng. Như vậy, lợi ích của Hiệp định EVFTA về thu ngân sách có thể sẽ được phát huy tốt hơn trong trung và dài hạn.

 

Thứ tư, tác động tới đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi EVFTA thực thi, Việt Nam kỳ vọng có nhiều đổi mới và thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện Hiệp định sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.

Mặt khác, các cam kết về thuận lợi hóa đầu tư cùng với mức độ tự do hóa các ngành dịch vụ của Việt Nam dành cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU tăng lên, đặc biệt là dịch vụ kinh doanh, dịch vụ môi trường, dịch vụ bưu chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.

Hiệp định EVFTA cũng mở ra kỳ vọng nâng cao chất lượng đầu tư vào Việt Nam từ các đối tác có nguồn gốc là các nước phát triển do Việt Nam tăng cường mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ. Điều này sẽ tạo ra những động lực mới cho dòng vốn FDI vào Việt Nam. Theo đó, cơ cấu lĩnh vực đầu tư cũng có thể thay đổi khi Việt Nam thu hút được các đối tác đầu tư mới và các lĩnh vực thu hút đầu tư được mở rộng. Dòng vốn FDI vào những lĩnh vực đầu tư còn dư địa lớn tại Việt Nam và EU cũng có thế mạnh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Thứ năm, tác động thay đổi pháp luật, thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Hiệp định EVFTA là cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế-pháp luật theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài cũng như các hoạt động kinh doanh khác, bao gồm các giao dịch xuyên quốc gia, các loại hình dịch vụ cung cấp qua biên giới.

Những điều chỉnh, sửa đổi quy định pháp luật để phù hợp với Hiệp định EVFTA trong một số lĩnh vực như sở hữu trí tuệ cũng sẽ góp phần giúp các DN được hưởng sự bảo hộ cao hơn đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo. Đây là động lực để các DN tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào hoạt động sáng tạo nhằm đổi mới công nghệ và tạo môi trường tốt cho việc thu hút chuyển giao công nghệ của nước ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam.

 

Thách thức đặt ra

Một trong những thách thức lớn đặt đối với Việt Nam trong môi trường Hiệp định EVFTA là việc tuân thủ, thực thi cam kết và việc tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư vốn ngày càng hoàn thiện theo quy định của các Hiệp định. Tính đến thời điểm hiện tại, EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế những bất cập hiện có của hệ thống cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư (ISDS) và hạn chế đáng kể việc lạm dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bởi các nhà đầu tư thiếu thiện chí thông qua việc quy định chặt chẽ hơn yêu cầu khởi kiện và khoanh vùng các ngoại lệ mà Chính phủ được tự do áp dụng biện pháp mà không dẫn tới nguy cơ tranh chấp.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức đến từ chính cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định. Đó là những quan ngại về năng lực và trình độ chuyên môn của các ứng viên trọng tài được đề cử bởi Chính phủ, cũng như sự độc lập và khách quan của những ứng viên không mang quốc tịch Việt Nam; áp lực lớn hơn của thời gian tố tụng và rủi ro của việc cơ chế trọng tài thường trực sẽ hấp dẫn hơn và thúc đẩy các nhà đầu tư trong việc sử dụng cơ chế này.

Với việc chính thức tham gia Hiệp định EVFTA, Việt Nam và các nước thành viên EU đã tăng cường phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất với 99,2% số dòng thuế sẽ được EU xóa bỏ cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh ưu đãi về thuế quan, Hiệp định EVFTA cũng đưa ra những điều kiện chặt chẽ mà nếu không có sự chuẩn bị từ bây giờ, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khó có thể hưởng được mức thuế ưu đãi 0%.

 

Để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU cần thoả mãn quy tắc xuất xứ. Đây có thể là một lực cản đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, bởi nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc, chứ không phải là mức thuế suất 0% trong Hiệp định EVFTA.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, phần lớn DN Việt Nam hiện nay còn thờ ơ với vấn đề sở hữu trí tuệ, trong khi đây là yêu cầu đặt ra hàng đầu của EU đối với bất kỳ hàng hóa tham gia vào thị trường này. Do vậy, để có thể khai thác được lợi ích từ Hiệp định EVFTA, Việt Nam cần đặc biệt chú ý tới những quy tắc về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA.

Bên cạnh những quy định về xuất xứ, lao động và môi trường, thâm nhập vào thị trường EU vẫn còn khó khăn từ các hàng rào phi thuế quan về kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường EU. Điển hình là mặt hàng nông sản, dù Hiệp định EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế, do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt.

Giải pháp thực thi

Để tận dụng được tối đa những lợi ích mà EVFTA có thể mang lại, Việt Nam nói chung và các DN Việt Nam nói riêng cần chú trọng những vấn đề sau:

 

Về phía Nhà nước

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, cải thiện mô trường kinh doanh, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nhằm đáp ứng những cam kết và thể hiện quyết tâm của nước ta khi chấp nhận các “luật chơi” quốc tế, nhất là thị trường các nước phát triển như EU.

Xác định các ngành xuất khẩu mũi nhọn và quy hoạch phát triển các ngành, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ. Với nguồn lực có hạn, Việt Nam cần phải tập trung phát triển các ngành Nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ mũi nhọn mà mình có khả năng như: sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, thủy hải sản; dệt may, giày dép và lắp ráp...

Có chiến lược để chủ động tiếp cận, nắm bắt kịp thời xu thế phát triển của thời đại. Đặc biệt nắm bắt các loại sản phẩm đặc trưng như: trí tuệ nhân tạo robot thông minh, công nghệ 5G… Trong số đó, ngành may mặc – thế mạnh của Việt Nam, phải đối mặt với nhu cầu cá biệt hóa sản phẩm và nguy cơ bị robot thông minh thay thế. Theo đó, cần xây dựng những giải pháp tổng thể nhằm phát triển nguồn nhân lực quốc gia sớm tiếp cận thị trường Hiệp định EVFTA với độ sâu hơn ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Có chính sách đầu tư, khuyến khích đầu tư mạnh hơn nữa để phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo thỏa mãn yêu cầu về xuất xứ: Nhà nước cần xác định về các ngành xuất khẩu mũi nhọn và quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Với nguồn lực có hạn, Việt Nam không thể phân tán lực lượng mà phải tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ mũi nhọn như: Dệt may, giày dép… và lắp ráp (như ôtô, xe máy, thiết bị điện và điện tử).

 

Rà soát, sửa đổi, bổ sung một số đạo luật quan trọng như: Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động và một số Luật về thuế... nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, DN.

Đối với doanh nghiệp

Phải nỗ lực, nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu… Không có nền tảng là năng lực cạnh tranh bền vững thì không thể hội nhập thành công. Thị trường trong nước với gần 100 triệu dân trong một nền kinh tế đang cất cánh, sẽ là bệ đỡ, là điểm tựa cho các DN Việt vươn ra thị trường thế giới. Về lý thuyết, ở những lĩnh vực nào có đối đầu trực tiếp giữa DN Việt Nam và các DN EU thì cạnh tranh trong Hiệp định EVFTA sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên, về tổng thể, cơ cấu kinh tế của Việt Nam và các nước EU mang tính bổ sung, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp. Nỗ lực vươn lên đương đầu với cạnh tranh sòng phẳng phải là tâm thế của DN thời hội nhập, mà không phải là tiếp tục trông chờ vào bảo hộ.

Thay đổi nhận thức, không buôn bán theo kiểu bán lẻ, bán sỉ mà phải thích ứng theo tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi và coi nhu cầu của thị trường là phần không thể thiếu của hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tích cực tiếp cận thông tin, học hỏi những bài học quá khứ của các nước và của chính Việt Nam.

Chấp nhận và nâng cao khả năng thích ứng với những rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bán phá giá, những rào cản kỹ thuật khác của các thị trường văn minh. Không để bị động, DN cần chủ động ứng phó ngay từ đầu để có thể kiểm soát được sản phẩm của mình. Điều này sẽ tạo ra một quy trình mới về tư duy chiến lược, cách điều hành bộ máy, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Chủ động đầu tư cho con người, máy móc và công nghệ hướng tới hoạt động nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm và nâng cao năng suất và cắt giảm chi phí đến mức tối đa. Chỉ khi chủ động tham gia vào các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao thì DN Việt Nam mới được hưởng lợi thực sự từ các FTA nói chung và EVFTA nói riêng.

Nỗ lực tự thân vận động, nâng cao trình độ quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới sản xuất minh bạch, đổi mới công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, ổn định; đồng thời, nâng cao trình độ, nhận thức của người lao động trong hợp tác kinh tế quốc tế.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm