Hiệp định CPTPP

Tận dụng CPTPP để gia tăng thu hút FDI

Hiện Việt Nam chiếm tỷ trọng nhỏ trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước phát triển trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Xóa bỏ thuế 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào Nhật Bản / IMF lạc quan về triển vọng kinh tế và thị trường việc làm của Hy Lạp

Điều này cho thấy tiềm năng thu hút FDI từ các nước này còn khá nhiều, nếu Việt Nam tạo ra được nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực thời gian tới.

Tác động không quá lớn

Ông Trần Toàn Thắng – Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tác động của CPTPP tới thu hút FDI vào Việt Nam xuất phát từ 3 yếu tố, gồm: mở cửa đầu tư và giảm rủi ro đầu tư thông qua các cam kết về bảo hộ đầu tư; tự do hóa dịch vụ và tận dụng quy định về nguồn gốc xuất xứ trong thương mại.

Để thu hút thêm đầu tư, trước hết Việt Nam cần tuân thủ nghiêm các yêu cầu về đầu tư được quy định cụ thể trong Chương Đầu tư của CPTPP. Quan trọng hơn nữa, Việt Nam cần thực thi các giải pháp, cam kết về cải thiện MTĐT hiện nay một cách hiệu quả và thực chất hơn nhằm giảm chi phí đầu tư của doanh nghiệp, từ đó góp phần gia tăng thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Ông Trần Toàn Thắng – Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia.

Hiện Việt Nam chiếm tỷ trọng nhỏ trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Hiện Việt Nam chiếm tỷ trọng nhỏ trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, nếu như đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nghiên cứu cho thấy, dòng đầu tư FDI vào Việt Nam sẽ tăng khoảng 14,4% tới năm 2030 (bình quân mỗi năm tăng thêm trên 1%), thì đối với CPTPP, việc tự do hóa và cải thiện môi trường đầu tư (MTĐT) từ CPTPP có thể tác động không quá nhiều tới luồng đầu tư FDI vào Việt Nam.

Theo ông Thắng phân tích, có 3 lý do dẫn đến kết luận này. Một là, bản thân MTĐT của Việt Nam đã cải thiện rất nhiều trong thời gian qua, đặc biệt là những sửa đổi trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014. Theo đó, chỉ số hạn chế đầu tư của Việt Nam đã giảm rất nhanh từ 0,43 xuống còn 0,11 (giảm 4 lần). Việt Nam là một trong những nước có tốc độ cải thiện MTĐT nhanh nhất trong ASEAN.

Hai là, các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam trong CPTPP (Úc, Nhật Bản, Singapore) đều đã tham gia các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, trong đó các cam kết về đầu tư đã được mở rộng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ba là, với TPP, thị trường Mỹ quá hấp dẫn, làm cho các nước ngoài khối TPP đầu tư vào Việt Nam để tận dụng xuất khẩu sang Mỹ. Điều này có thể thấy khá rõ với luồng đầu tư từ Trung Quốc trong giai đoạn 2012 – 2015, trong đó cơ cấu đầu tư của Trung Quốc vào ngành dệt may và da giày tăng từ 6% lên 58%. Với CPTPP, lợi thế từ xuất khẩu vào thị trường Mỹ không còn, vì vậy không quá hấp dẫn với các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.

“Một nghiên cứu của đơn vị chúng tôi cho thấy, tác động của tự do hóa đầu tư trong CPTPP tới tăng trưởng của Việt Nam ở mức thấp nhất trong số 11 nước CPTPP (0,003 điểm %), tương tự với Nhật Bản, Chile (cao nhất là Malaysia và Singapore)” – ông Thắng chia sẻ.

Cần tạo được nhiều lợi thế cạnh tranh

Mặc dù nhận định lợi thế từ việc tận dụng CPTPP để thu hút FDI vào Việt Nam giảm so với TPP, tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng, với việc CPTPP đi vào thực thi cũng đem đến cho Việt Nam cơ hội thu hút FDI nếu biết tận dụng tốt hiệp định này. Bởi theo ông Thắng, trong 10 nước đối tác thuộc CPTPP, các NĐT lớn vào Việt Nam là Singapore, Nhật Bản, Malaysia. Ngoài ra, một số nước khác có đầu tư vào Việt Nam như Canada, Úc, Brunei, song đều chiếm tỷ trọng không đáng kể.

“Thậm chí, ngay cả với các đối tác là NĐT lớn của Việt Nam, thì tỷ trọng đầu tư FDI của các nước này tại Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN cũng không quá lớn. Chẳng hạn như Nhật Bản, hiện đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6,8% trong tổng đầu tư của Nhật Bản tại ASEAN. Nhật Bản đầu tư nhiều hơn tại Indonesia, Singapore và Thái Lan… Việc Việt Nam chiếm tỷ trọng nhỏ trong đầu tư FDI từ các nước phát triển trong CPTPP cho thấy tiềm năng thu hút FDI từ các nước này còn khá nhiều, nếu Việt Nam tạo ra được nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực thời gian tới” – ông Thắng nhấn mạnh.

Cũng lạc quan về cơ hội thu hút FDI nhờ CPTPP, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, lợi ích kỳ vọng mà CPTPP mang lại cho nền kinh tế Việt Nam dù không lớn như TPP nhưng vẫn là rất đáng kể. Ví dụ theo một chuyên gia Nhật Bản, các cam kết về thuế quan trong CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,1% (trong so sánh với mức 6,79% trong TPP); còn cam kết phi thuế quan sẽ giúp GDP tăng thêm 9,29% (không thấp hơn bao nhiêu so với mức 10,9% của TPP). “Chúng ta cũng như các NĐT nước ngoài đều sẽ kỳ vọng rằng, các dự báo này sẽ thành hiện thực. NĐT sẽ nhìn thấy cơ hội để làm ăn, để thu lợi nhuận ở Việt Nam, thậm chí cơ hội từ Việt Nam vươn ra các khu vực khác. Đây sẽ là sức hấp dẫn lớn của Việt Nam trong mắt các NĐT nước ngoài. Do đó, chúng ta rất hy vọng vào một sự gia tăng của dòng vốn FDI vào Việt Nam nhờ CPTPP trong thời gian tới” – bà Trang chia sẻ.
“Để thu hút thêm đầu tư, trước hết Việt Nam cần tuân thủ nghiêm các yêu cầu về đầu tư được quy định cụ thể trong Chương Đầu tư của CPTPP. Quan trọng hơn nữa, Việt Nam cần thực thi các giải pháp, cam kết về cải thiện MTĐT hiện nay một cách hiệu quả và thực chất hơn nhằm giảm chi phí đầu tư của doanh nghiệp, từ đó góp phần gia tăng thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước…” – ông Thắng khuyến nghị.

1

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm