Panama - Cánh cửa vào thị trường Mỹ Latinh
(baocongthuong) Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Công Thương Panama Ricardo A. Quijano J. đã ký Hiệp định Hợp tác Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và Panama.
Hiệp định này sẽ đẩy mạnh quan hệ kinh tế và thương mại không chỉ giữa hai nước mà còn với cả các nước châu Mỹ Latinh. Bởi Panama là thị trường trung chuyển quan trọng bậc nhất ở Trung Mỹ và Caribê và của thế giới.
Panama không chỉ là thị trường đứng thứ ba của Việt Nam ở Mỹ Latinh mà còn là thị trường có tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao trong biểu đồ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Mỹ Latinh.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam liên tục xuất siêu sang Panama. Năm 2012, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 243 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Panama đạt 236,2 triệu USD, nhập khẩu từ Panama đạt 6,8 triệu USD.
Việt Nam chủ yếu xuất sang Panama máy móc nông nghiệp, sản phẩm gỗ, giầy dép, dệt may, sản phẩm chất dẻo, hàng mây, tre cói, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù, xe đạp và phụ tùng. Ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Panama chất dẻo, nguyên liệu, gỗ và sản phẩm gỗ.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Panama tăng trưởng nhanh nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Panama vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nhập khẩu của Panama (chiếm 0,98%). Do đó, dựa trên những thế mạnh của mỗi nước, Việt Nam và Panama còn nhiều tiềm năng có thể tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, vận tải hàng hải, nông nghiệp, y học cổ truyền... Hiện có một vài công ty Việt Nam đã và đang xúc tiến mở văn phòng đại diện tại Panama và khu thương mại tự do Cô-lôn.
Ông Haralambos Jzanetatos – một tỷ phú hàng đầu Panama cho biết : "Chúng tôi sẽ ưu tiên sử dụng các sản phẩm của Việt Nam cho thị trường Panama và cho cả hệ thống của chúng tôi tại các nước trong khu vực. Hiện Tập đoàn Jzanetatos đang sử dụng nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam”.
Về đầu tư, tính đến tháng 12/2012, Panama đã có 9 dự án tại Việt Nam trong các lĩnh vực: bất động sản, chế biến - chế tạo và vận tải - kho bãi với tổng vốn đăng ký là 51 triệu USD, đứng thứ 52 trên tổng số 96 nước và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam cũng có hai doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả tại khu thương mại tự do Cô-lôn của Panama.
Bình An
End of content
Không có tin nào tiếp theo