Hỗ trợ doanh nghiệp

DN thực phẩm phải đổi mới công nghệ

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi gặp gỡ các DN chế biến lương thực, thực phẩm ở KCN Vĩnh Lộc (Bình Chánh, TP.HCM).

Tại đây, Hiệp Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết nhiều DNNVV trong lĩnh vực này chưa tiếp cận được gói kích cầu hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi do không đạt các yêu cầu quy định. Bên cạnh đó, các kênh phân phối hiện đại có mức chiết khấu vẫn còn cao (từ 10 – 35%) đã làm sụt giảm đáng kể lợi nhuận của DN. Ngoài ra, còn là việc thiếu quỹ đất để phát triển…

Các DN phải đầu tư đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh

Cùng với đó, DN còn phải đương đầu với tình trạng hàng giả hàng nhái tại thị trường nội địa, và nhiều DN sẵn sàng đầu tư công nghệ, chi phí lớn để sản xuất hàng xuất khẩu thay vì tiêu thụ trong nước… Đáng chú ý, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào chế biến thực phẩm quy định tại Nghị định 09/2016 của Chính phủ đã gây khó khăn cho DN, mặc dù vừa qua cả FFA và UBND TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

FFA cũng cho biết, hiện tại nhiều DN thực phẩm rất khó khăn trong việc tìm thuê mặt bằng để sản xuất, buộc phải qua các tỉnh lận cận để thuê nhà xưởng. Vừa qua, trước kế hoạch TP.HCM sẽ chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư, FFA đã đề xuất với UBND thành phố cấp quỹ đất 200 ha để làm khu công nghiệp dành riêng cho ngành thực phẩm để tạo thuận lợi trong liên kết sản xuất. Tại đây, FFA sẽ xây dựng trung tâm dạy nghề đào tạo nguồn nhân lực, khu trưng bày sản phẩm, khu cơ khí dành riêng cho ngành thực phẩm...

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch FFA cho biết, trong những tháng đầu năm 2018, tình hình xuất khẩu của các DN ngành lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu đa phần vẫn phụ thuộc vào thị trường truyền thống và thương lái Trung Quốc nên có nhiều biến động thất thường. Không những thế, DN còn vấp phải thách thức của sản phẩm Thái Lan đang tràn ngập từ chợ truyền thống cho đến siêu thị, bởi giá thành hàng Thái thường rẻ hơn và chất lượng, mẫu mã thiết kế cũng được người tiêu dùng đánh giá cao hơn hàng nội.

Dù vậy, đối với thị trường nội địa, các DN trong ngành đã phủ kín hàng hóa tại các kênh phân phối, thực hiện chính sách bình ổn giá, tạo sự an tâm trong người tiêu dùng; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư, cải tiến công nghệ, phát triển sản phẩm, đón đầu xu hướng hội nhập.

Cùng chung mục đích thúc đẩy ngành lương thực, thực phẩm phát triển bền vững, đại diện các DN kiến nghị TP.HCM cần đẩy mạnh hơn nữa giải pháp hỗ trợ tăng sức mua, khả năng cạnh tranh cho hàng Việt... TP.HCM cần có cơ chế hỗ trợ cho DN có thương hiệu bán lẻ uy tín trong nước phát triển thành thương hiệu bán lẻ mạnh.

Cùng với việc yêu cầu các DN đầu tư đổi mới công nghệ, chủ tịch UBND TP.HCM chỉ ra rằng, hệ thống bán lẻ trong nước hiện nay có 4 hạn chế như: Các nhà bán lẻ thiếu chiến lược phát triển kinh doanh; tính chuyên nghiệp không cao; năng lực tài chính hạn chế; thiếu các dịch vụ hậu mãi. Vì vậy, cần có sự kết nối, gặp gỡ giữa các nhà bán lẻ với DN lương thực thực phẩm và một số lĩnh vực khác để mở rộng thị phần và nâng cao sức cạnh tranh, cũng như sản xuất phải gắn liền với phân phối…

Về mọi khúc mắc trong quá trình kinh doanh, TP.HCM sẽ tiếp thu nguyện vọng của DN để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Sở Công thương cần xem xét hoặc có kiến nghị với UBND thành phố về những vấn đề bức xúc của DN.

“DN hoàn toàn có thể chủ động “đặt hàng” các sở, ngành hỗ trợ giải quyết những vướng mắc, thông qua FFA làm đầu mối tập hợp ý kiến. DN nên đi vào từng vướng mắc cụ thể, cần hỗ trợ thế nào... thành phố luôn lắng nghe, sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển” ông Phong khẳng định. Đồng thời ông cũng yêu cầu các DN phải đầu tư đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời, tăng cường liên kết với các sở, ngành để được kịp thời tháo gỡ các khó khăn.

Theo Thời báo ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo