Hỗ trợ doanh nghiệp

FLC cam kết rót 63.000 tỷ đồng vào Quảng Bình

Tỉnh Quảng Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản thoả thuận hợp tác cho 66 dự án với tổng vốn lên đến 7 tỷ USD, trong đó, Tập đoàn FLC chiếm nhiều nhất.

Hàng dệt may Việt sắp vượt Trung Quốc, chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc / Một quỹ ngoại vừa thoái 3 triệu cổ phiếu DHG

Sáng 27/8, tại thành phố Đồng Hới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2018.

Tại Hội nghị, tỉnh Quảng Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 66 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD, trong đó FLC cam kết đầu tư nhiều nhất, với số vốn khoảng 63.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Tập đoàn FLC cho rằng, Quảng Bình có tiềm năng rất lớn về du lịch, có thể trở thành "làn gió Đại Phong" của du lịch Việt Nam như kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Do vậy, FLC đã quyết định đầu tư quần thể du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn tại Quảng Bình để đánh thức tiềm năng của tỉnh, góp phần đưa tỉnh trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam.

Lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, đánh giá cao sự quan tâm doanh nghiệp đối với Quảng Bình, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết Quảng Bình không đơn giản là một Việt Nam thu nhỏ hay là sự phản ánh sắc nét về vẻ đẹp tiềm ẩn, Quảng Bình thực sự là "viên kim cương màu xanh" của châu Á với những giá trị huyền bí cần được khám phá.

Một năm trước, Thủ tướng đã yêu cầu Quảng Bình phải góp phần tạo "làn gió Đại Phong" mới cho du lịch Việt Nam. Thực tế, đấy cũng là sự khẳng định cho niềm tin lớn của của Đảng, Chính phủ đối với Quảng Bình.

 

Quảng Bình hoàn toàn có thể là một lựa chọn xuất sắc để tạo nên những ấn tượng đầu tiên mới lạ và sâu sắc về một Việt Nam được yêu thích ngay từ ánh nhìn đầu tiên.

Tạp chí New York Times của Mỹ đã bình chọn Quảng Bình xếp thứ 8 trong top 52 điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh, là điểm đến đến hấp dẫn nhất châu Á.

Tuy nhiên, du lịch của tỉnh vẫn hạn chế, chưa thành công. Điều này được Thủ tướng chỉ ra cho biết nguyên nhân quan trọng là chưa hình thành một ngành dịch vụ có khả năng cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

Theo đó, nếu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là mục tiêu ở nhiều nơi thì với Quảng Bình, chiến lược trung tâm phải là dịch vụ hóa nền kinh tế, phát huy tối đa mũi nhọn du lịch, song song với gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa và tự nhiên, tạo sự kết nối lan tỏa đến nhiều vùng miền khác của cả nước ta.

Ngay tại Hội nghị, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu về phát triển sân bay Đồng Hới. Đây không chỉ là điều kiện cho sự phát triển của Quảng Bình mà là sự phát triển cho toàn ngành du lịch. "Nếu chúng ta chậm một ngày, thì Quảng Bình và ngành du lịch Việt Nam đang lỡ đi một ngày cơ hội".

 

Theo Thủ tướng, không chỉ là "làn gió Đại Phong mới", Quảng Bình phải biết "góp gió thành bão", cùng với các địa phương khác để ngành du lịch Việt Nam đi xa hơn, có sức cạnh tranh và hội nhập toàn cầu, thúc đẩy xu hướng du lịch toàn thế giới, hướng về những giá trị chúng ta đang có.

Như vậy, Quảng Bình cần liên kết cộng hưởng trong phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có ngành du lịch, với Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Bên cạnh đó, Quảng Bình không chỉ cần làm tốt công tác quản lý Nhà nước mà còn là chính quyền đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, của doanh nghiệp, phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, có quy hoạch tổng thể, chuẩn mực hơn…

Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm