Văn hóa

Hóa giải lời đồn làng "ma ám, trời đày" gây ra hàng chục cái chết bí ẩn

Hơn 3 năm trở lại đây, dân làng Suối Cối 2 (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) hoang mang, lo sợ bởi nhiều người đang yên đang lành bỗng dưng uống thuốc độc tự tử. Sau những cái chết bí ẩn, nhiều người đồn nhau rằng đó là do đất làng bị “ma ám, trời đày” nên tổ chức cúng và trông chừng nhau từng ngày…

Những kiểu chết lạ lùng

Làng Suối Cối 2 lọt thỏm giữa thung lũng tạo nên bởi những đồi núi thấp bao quanh, nằm trên những khoảnh đất bằng phẳng trù phú. Thế nhưng trái với vẻ nên thơ của vùng đất là những ngôi nhà lụp xụp, hoang tàn phảng phất không khí u buồn. Hỏi ra mới biết, người dân trong làng thường gọi với cái tên mới là làng “tự tử”. Hơn 3 năm qua, số người chết do tự tử nhiều đến đáng sợ.

Bao đời nay, người dân Suối Cối 2 chủ yếu làm nông nghiệp, cuộc sống yên bình cứ thế trôi qua. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao, từ tháng 7/2014 đến nay đã có hơn 20 vụ tự tử bằng thuốc độc, trong đó có 16 người chết. Đến bây giờ, không khí tang thương vẫn đang còn ẩn hiện trong nỗi nhọc nhằn mưu sinh của người dân.

Ông La Chăm từng tự tử nhưng may mắn thoát chết.

Nhắc chuyện người ta tự tử, ông La Đoàn Năm, trưởng thôn Suối Cối 2, khựng lại một hồi, lắc đầu rồi châm thuốc hút. Ông Năm vừa nhả khói vừa bảo, đời làm trưởng thôn đã khổ, làm trưởng của một thôn mà người ta thi nhau đi… chết thì có khổ hơn. “Hồi đầu thấy người ta chết nhiều mà mình muốn điên đầu luôn. Sau người ta chết nhiều quá mình thành quen…”, ông trưởng thôn khổ sở.  

Ông Năm kể, chuyện người dân trong thôn tự tử chỉ mới xảy ra hơn 2 năm nay. Đầu tiên là một người đàn ông tên La Mo Rơ (42 tuổi), từ tỉnh Đắk Lắk về thăm bà con vào tháng 7/2014 rồi không hiểu sao lại tự tử. Hôm đó, anh Rơ cùng hai thanh niên khác trong làng đến câu cá ở bờ suối cuối làng. Khi đến chiều tối, họ gọi thêm 2 thanh niên khác ngồi nướng cá nhậu ở nhà một người quen.

Đang ngồi nhậu, anh Rơ bỏ đi ra phía sau nhà. Khoảng 15 phút sau, bạn nhậu không thấy anh vào nên đi tìm thì phát hiện anh đã chết do uống thuốc độc. Chai thuốc độc này là của chủ nhà đi làm về để ở mép sau nhà rồi hôm sau đi làm tiếp, không ngờ anh Rơ dùng nó để kết liễu đời mình. Ông Năm nhớ lại: “Người thân của anh Rơ cho biết, trước đó anh không có xích mích hay mâu thuẫn với ai. Chuyện gia đình anh cũng bình thường. Trước ngày anh tới đây, anh còn nói với vợ con đi thăm bà con vài hôm rồi về làm rẫy. Vợ anh cũng khẳng định, anh là người hòa nhã, vui tính, ít để bụng chuyện người khác. Tôi cũng không hiểu vì sao anh lại tự tử như vậy”.

Sau cái chết của anh Rơ, ngôi làng này liên tục nhận hung tin với hàng loạt người tự tử bằng thuốc độc. Anh Rơ tự tử chưa rõ nguyên nhân thì 7 ngày sau bà La Lan Hoi (58 tuổi) lại uống thuốc sâu tự tử. Bây giờ nhắc lại, ông La Mo Man (62 tuổi, chồng bà Hoi) cũng không hiểu nổi nguyên nhân.

Làng Suối Cối 2 được người dân gọi là làng “tự tử”.

Ông Man kể, hôm đó vợ ông đi làm đồng về, đang ngồi nghỉ ngoài thềm thì bỗng nhiên chạy vào trong nhà lấy chai thuốc trừ sâu rồi mở nắp uống ừng ực. Thấy vợ làm vậy, ông hốt hoảng truy hô mọi người đưa đi cấp cứu nhưng được nửa đường thì bà ấy chết. Nguyên nhân mọi việc đến bây giờ mà ông cũng không rõ. “Bà ấy có đau bệnh hay phiền lòng gì đâu, gia đình vẫn ấm êm mà…”, ông Man bỏ lửng câu nói.

 

Kiểu tự tử đột ngột và kỳ lạ ở Suối Cối 2 không chỉ có bà Hoi, tượng tự là chồng bà La Thị Choi (48 tuổi). Chồng Choi là La Mo Nin năm đó mới hơn 50 tuổi, bản thân khỏe mạnh, con cái đều yên bề gia thất, nhà chỉ còn lại hai vợ chồng sớm tối có nhau, trong bữa ăn chỉ có những tiếng cười giòn tan. Ấy thế mà một ngày cuối tháng 11/2014, nhà ông Nin tang tóc trong tiếng khóc đưa tang ông.

“Hôm ấy chồng tôi đi làm về thì liền lấy chai thuốc sâu uống rồi chết ngay sau đó, không kịp cứu. Chứng kiến những cái chết trước đó của người dân trong làng rồi đến chồng mình, tôi sợ rằng đến một ngày nào đó người dân ở đây chẳng còn một ai cả. Tôi nghĩ là làng bị ma ám nên đã tìm thầy cúng về giải tà cho ngôi nhà của mình”, bà Choi cho biết.

Sau mỗi cái chết, người dân Suối Cối 2 càng quen với việc làng có người tự tử. Ấy thế mà có một đợt dân làng ai nấy hãi hùng khi cùng lúc 3 người phụ nữ uống thuốc độc tự tử, ấy là 5 ngày đầu tháng 12/2014. Đến nỗi gần 2 năm qua đi, mỗi lần nhắc lại người làng rùng mình. “Mấy tháng nữa là là tròn 2 năm 5 ngày chết chóc”, ông Năm đã nói như vậy.

Người dầu tiên là bà La Lan Thị Dơn (53 tuổi), cũng chết một cách bất thường. Nhớ lại chuyện cũ, chị La Mai Thị Bủm (26 tuổi, con dâu trong nhà) kể, trước đó bà Dơn hoàn toàn bình thường, tỉnh táo, không có vẻ gì buồn bực, cũng không hề xích mích với ai. “Đêm đó cả nhà ăn cơm nói chuyện vui vẻ, mẹ còn đùa giỡn với cháu nội. Vậy mà rạng sáng hôm sau, cha xuống nhà dưới thì phát hiện mẹ đã chết, miệng đầy mùi thuốc sâu”, chị Bủm kể.

Hai ngày sau khi bà Dơn chết, cô gái tên La Lan Lăm (18 tuổi) ở cách đó không xa cũng uống thuốc diệt cỏ tự tử. Ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” của Lăm, thần chết không dễ cướp đi sinh mạng cô. Thế nhưng, Lăm chỉ có thể vật vã chống chọi ở bệnh viện được 3 ngày rồi buông xuôi.

 

 Ngôi nhà chị La Thị Tiêm tìm thấy chai thuốc sâu để tự tử.

Ngay trong ngày đưa tang Lăm, người dân Suối Cối 2 lại nhận tin dữ, chị La Lan Thị Tưởng (36 tuổi) cũng vừa tìm đến cái chết bằng thuốc độc. Đợt đó cả làng rầu đến thối ruột, chị Tưởng vốn mất chồng, chỉ có một con đang học lớp 6. Con học ở lại trường, mẹ chết, căn nhà nhỏ bỏ hoang, ai đi qua cũng cảm thấy lành lạnh.“Ai cũng biết chị Tưởng vui tính, yêu thương con và gần gũi láng giềng, không mâu thuẫn với ai, không hiểu sao lại tự tử. Trong làng xuất hiện nhiều vụ tự tử đột ngột như vậy, nhiều gia đình đã cẩn thận đề phòng nhưng cũng không tránh khỏi”, anh La Mo Rít, Bí thư Chi đoàn thôn Suối Cối 2 chau mày, tỏ ra không hiểu nổi. 

Bà La Thị Liên (64 tuổi), người luôn nâng cao tinh thần cảnh giác với chuyện người làng tự tử kể, nghe đồn trong làng có ma, bà đã căn dặn những người thân trong gia đình đi đâu cũng phải cẩn thận. Vậy mà đứa con trai sắp cưới vợ của bà bỗng dưng tự tử sau buổi đi cày ruộng về. “Người ta hào hứng chờ ngày cưới. Đây nó sắp đến ngày cưới thì đi chết. Thật kinh khủng” , bà Liên khổ sở.

Tự tử do “ma ám”?

Làng Suối Cối 2 có 333 nóc nhà thì trong một năm đã có đến 16 người chết do tự tử, đó là chưa kể 4 người khác may mắn được cứu sống. Bà La Lan Thị Hòa (54 tuổi) người từng chết hụt nhớ lại: “Hôm ấy, chồng tôi uống rượu về rồi nói lảm nhảm, còn hát hò rùm beng. Tôi bảo im nhưng ông ấy vẫn nói, chỉ vậy thôi mà không hiểu sao tôi lại ra nhà sau uống thuốc diệt cỏ”.

Theo bà Hòa, chiều hôm xảy ra sự việc bà đi làm rẫy ở gần con suối cuối làng. Cuối chiều, trời âm u rồi đổ mưa phùn, trên đường về bà vấp ngã ở bờ suối. Lúc về đến nhà, bà tắm rửa, ăn cơm rồi nói chuyện với mấy đứa cháu vui vẻ nhưng lúc chồng bà đi nhậu về, bỗng dưng bà cảm thấy khó chịu, trong người nóng bức và muốn tìm cái gì đó để giải thoát. Nhìn thấy chai thuốc diệt cỏ để ở góc nhà, bà liền uống mà không suy nghĩ gì. 

 

Đến giờ, chị La Lan Tiêm (36 tuổi) vẫn không lý giải được lý do vì sao mình tự tử. Hôm đó là một buổi chiều cuối tháng 2/2015, đang nấu cơm trong nhà, chị nghe tiếng trẻ con kêu bên ngoài. Khi chạy ra xem thì không thấy ai, chị đi xung quanh nhà tìm một vòng cũng không thấy ai. Chợt thấy chai thuốc sâu ở mép nhà, chị liền cầm lên rồi mở nắp uống. May mắn chồng chị đi làm về phát hiện, đưa chị đi cấp cứu nên qua khỏi.

Chị Tiêm kể: “Chai thuốc sâu ấy không phải của nhà tôi, cũng không phải của những nhà xung quanh. Tiếng trẻ em kêu kia nữa, y như ma ám. Tôi nghĩ về những cái chết trước đó, càng nghĩ làng này bị ma ám rồi. Nếu không thì sao lại có nhiều người đang yên đang lành lại tìm đến cái chết bằng việc tự tử như vậy”.

Một người chết hụt khác là ông La Chăm (52 tuổi) thì cho rằng, những người tự tử trước đó chưa được siêu thoát nên họ đã quay về kéo theo ông. Tuy nhiên, ông may mắn được Diêm Vương trả về. “Người đồng bào chúng tôi tin vào lời nguyền của dân tộc mình. Khi có người tự tử, nếu linh hồn chưa được siêu thoát thì sẽ quay về kéo theo người đi và tôi là người bị họ kéo”, ông Chăm nói.

Chuyện đó xảy ra khi ông Chăm đang loay hoay cuốc rẫy thì bỗng dưng lại muốn về nhà, dù khi đó đang giữa giờ chiều, công việc lỡ dở. Về đến nhà, bị vợ ông càm ràm tại sao lười biếng, ông chẳng nói chẳng rằng rồi chạy xuống nhà bếp lấy chai thuốc sâu uống. Uống được một nửa thì ông giật mình và lúc này mới biết đó là thuốc sâu nên vứt ra, kêu cứu.

Mỗi khi trong làng có người tự tử, người dân lại tụ họp nhau ở nhà sinh hoạt cộng đồng, sau đó tổ chức cúng tràn lan.

Có một thực tế rằng, làng Suối Cối 2 có nhiều người chung suy nghĩ với ông Chăm. Bởi vậy, mỗi khi có tai ương, dân làng lại đi bói toán còn các vị thầy mo thì như được dịp trổ tài, phán như đinh đóng cột rằng làng bị “ma” quở phạt. Những câu chuyện huyền bí đến rợn người cũng từ đó mà ra. Điều bi hài, càng sợ ma người ta lại càng chết nhiều. Những cái chết liên tục khiến số lượng… ma tăng lên, còn người sống thì hoang mang và lo sợ. Nhiều người coi vấn nạn tự tử giống như một loại bệnh dịch nguy hiểm và không có phương thuốc ngăn chặn lây lan. Đến nỗi, người dân nhiều lần làm đơn đến chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng, với mong muốn sớm tìm ra nguyên nhân, để bà con sớm yên tâm công tác lao động sản xuất.

 

Bà Hòa bộc bạch: “Bất cứ ai đến làng chúng tôi đều không dám ở lâu vì sợ biết đâu đến lượt mình chết. Họ cho rằng đã vào làng sẽ bị ám, nên làng chúng tôi đang bị người dân các nơi kỳ thị, xa lánh. Nếu như không sớm tìm cách giải thoát cho làng, thì làng này sẽ bỏ hoang, thành địa điểm kinh dị nhất của tỉnh chúng tôi”.

Trưởng thôn La Đoàn Năm từng kể, người dân trong làng một nửa tin lời thầy bói phán, nghĩa là người ta tự tử do đất làng bị ma ám, nếu còn ở lại làng thì trong thời gian tới sẽ có người nữa chết. Số người không mê tín thì cho là người ta tự tử vì… buồn, vì tự ái. Lý do thứ 2 thuyết phục hơn, bởi đồng bào bản địa nhiều khi chỉ một nỗi buồn nhỏ là họ tìm đến cái chết như cách giải thoát.

Để tránh khỏi cái chết, nhiều gia đình chọn cách di dời chỗ ở mới, ai không có điều kiện chuyển đi mới đành nhắm mắt ở lại. Anh La Ro Mét (30 tuổi) là người tin chuyện đất làng bị ma ám và muốn chạy trốn, nhưng ngặt nỗi kinh tế còn khó khăn, eo hẹp quá. Thế nhưng với suy nghĩ đó, đã có thời gian gia đình anh sống trong nơm nớp lo sợ. “Có hôm sáng mở mắt ra thấy nhà còn đông đủ là mừng rồi”, anh Mét cười nhăn nhó.

Tin lời nguyền, dâng cúng tràn lan

Theo trưởng thôn La Đoàn Năm, dân làng đa phần là người Chăm H’Roi, từ xưa đã quan niệm về lời nguyền thế chỗ đối với người chết vì tự tử. Ông Năm giải thích, theo lời nguyền này, linh hồn người tự tử muốn được siêu thoát phải lôi kéo một người khác thế chỗ cho mình. Để phá giải lời nguyền đó, làng phải chôn cất riêng người tự tử và phải cúng một con heo.

 

Tường tận cách thức hoá giải lời nguyền nhưng ông Năm cũng phải lắc đầu, mỗi lần trong làng có người tự tử đều tổ chức cúng heo nhưng không hiểu sao vẫn có nhiều người tự tử. Có người bảo là do cúng nhiều quá rồi nên mất thiêng, phải làm lại thì mới có thể tống khứ hết linh hồn của những người đó.

Từ suy nghĩ đó mà có thực tế, nhiều người dân sợ hãi nên cũng tự tổ chức cúng kinh cho nhà mình, nhiều nhà còn tổ chức cúng nhiều lần vì sợ lần trước không linh thiêng. Cũng vì vậy mà đời sống của người dân khó khăn lại càng khó khăn hơn. Hơn ai hết, ông trưởng thôn biết việc cúng kính là tốn kém và không phù hợp, nhưng ông cũng bó tay.

Người dân Suối Cối 2 hoang mang và lo sợ sau hàng loạt vụ tự tử không rõ nguyên nhân.

Như luật bất thành văn, mỗi lần trong làng có người tự tử, người dân lại tự họp nhau tại nhà sinh hoạt cộng đồng và các hộ thống nhất đóng góp chứ không xin phép chính quyền xã. Do vậy, nhiều lần người dân cúng kính dẫn đến việc mất an ninh trật tự địa phương. Nhiều kẻ xấu còn lợi dụng việc này đi loan truyền điều xấu, mê tín dị đoan trong dân cư, thậm chí còn lợi dụng để chiếm đoạt tài sản của người dân. Đại diện chính quyền xã Xuân Quang 1 khi đó là ông Đặng Chí Hậu, Chủ tịch UBND xã thừa nhận, hơn 2 năm trở lại đây, thôn Suối Cối 2 có hiện tượng người dân đang sống khỏe mạnh, hạnh phúc bỗng dưng tự tử tìm đến cái chết. Có nhiều giả thuyết cho rằng các trường hợp tự tử đó là do ma ám, do lời nguyền nhưng đó là phỏng đoán mà thôi.

Ông Hậu cho biết, xã đã nhiều lần cử cán bộ đến từng nhà dân tìm hiểu, tuyên truyền để ngăn chặn những cái chết đáng tiếc như vừa qua. “UBND xã đã đến giải thích, vận động bà con yên tâm sinh sống không nên nghe những kẻ xấu tuyên truyền. Chúng tôi đang kiến nghị lên các cơ quan khoa học vào cuộc tìm ra nguyên nhân, để bà con yên tâm lao động và sản xuất”, ông Hậu nói.

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Võ Cao Phi, Bí thư Huyện uỷ Đồng Xuân từng cho biết: “Các phòng, ban liên quan đã nhiều lần tìm hiểu cụ thể xem người dân đang thiếu thốn hay bức xúc điều gì dẫn đến tự tử để có hướng vận động, giúp đỡ họ vượt qua, nhằm ổn định đời sống trong dân cư. Thời gian gần đây, cuộc sống người dân phần nào ổn định.

 

Theo ông Phi, ngoài thôn Suối Cối 2 ở xã Xuân Quang 1, các xã, các huyện miền núi khác của tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hòa cũng xảy ra những trường hợp tương tự. Nó ảnh hưởng như hiệu ứng domino (là sự lan truyền theo trào lưu, dù là tốt hay xấu), không biết là vì đâu.
Ông Phi cũng thừa nhận rằng có sự đồn thổi về một lời nguyền nào đó trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đó là do những quan niệm của người đồng bào, chứ không thể có những lời nguyền theo kiểu người tự tử trước phải kéo theo người sau. 

Do đó, lúc này cần phát huy uy tín của những già làng nhằm đánh tan nỗi lo sợ và vận động người dân không tìm đến cái chết vô nghĩa. Đồng thời, hạn chế tối đa việc cúng tràn lan gây mất trật tự an ninh địa phương, lại tốn tiền bạc của người dân một cách vô ích.

Nên đọc
Theo Báo Pháp luật
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo