Hội nhập AEC: Khi doanh nghiệp Việt được "bơi" trong biển lớn!
Đó là nhận định của ông Hoàng Văn Phương, Trưởng phòng ASEAN (Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương).
Ông Phương cho biết, Cộng đồng kinh tế ASEAN dự kiến được thành lập vào cuối năm 2015 với mục tiêu hướng tới tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, gắn với thúc đẩy tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động. Khi AEC chính thức thành lập, sẽ mở ra cơ hội mới, với những ngành nghề mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Phương, việc hình thành AEC vào năm 2015 được đánh giá sẽ góp phần đưa ASEAN thực hiện 4 trụ cột chính gồm: Cơ bản xóa bỏ hàng rào thuế quan; đạt được mức độ đáng kể trong việc xóa bỏ các hạn chế, phân biệt đối xử trong lĩnh vực dịch vụ đầu tư, di chuyển con người; có một nền tảng vững chắc trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển; đạt được mức độ hội nhập đáng kể với các đối tác FTA và hợp tác sâu sắc với các đối tác đối thoại khác.
Chính vì thế, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi tham gia AEC là vấn đề cạnh tranh, khi mục tiêu cơ bản của AEC là xóa bỏ các rào cản. "Mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải bơi trong biển lớn hơn. Yêu cầu đặt ra với họ là phải nâng cao năng lực sản xuất, giá trị cung ứng cao hơn… Nếu doanh nghiệp Việt Nam yếu khi họ bước ra thị trường ASEAN, không những không cạnh tranh nổi, mà còn khó cạnh tranh cả ở thị trường nội địa", ông Phương nhận định.
Cũng theo ông Phương, những doanh nghiệp yếu sẽ rất khó tham gia và tận dụng những cơ hội mới mở ra từ các chuỗi cung ứng trong khu vực. Do đó, họ chỉ có thể đi làm gia công, làm thuê cho doanh nghiệp khác. Còn người lao động, nếu không có trình độ ngoại ngữ, kỹ năng chuyên môn cao, thì khó đảm nhận các vị trí quản lý trong doanh nghiệp, khó trở thành chuyên gia có mức lương cao để tận dụng cam kết lưu chuyển lao động trong ASEAN.
Trưởng phòng ASEAN (Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương) cũng cho rằng, khi hoàn thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, ASEAN sẽ trở thành thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung; thuế quan sẽ bị xóa bỏ và các hàng rào phi thuế sẽ được cắt giảm dần; các thủ tục thuế quan và hải quan đơn giản, tiêu chuẩn hóa dự kiến sẽ giúp giảm chi phí giao dịch; các nhà đầu tư ASEAN được tự do đầu tư và các ngành dịch vụ sẽ được mở cửa. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Với 10 quốc gia thành viên, AEC sẽ trở thành một khối sản xuất thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD. Quy mô của thị trường sẽ quyết định cơ hội, khả năng liên kết kinh tế.
Ngoài miếng bánh lớn, AEC còn mở ra những ngành nghề mới mà chúng ta chưa từng biết đến hoặc đã biết đến trên thế giới, nhưng chưa xuất hiện tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và ngành đòi hỏi chất xám cao. Xét về mặt lịch sử , đối với Việt Nam, ASEAN là đối tác quan trọng đứng thứ 3 sau Mỹ, EU và chiếm khoảng 15% tổng thương mại của Việt Nam. ASEAN là đối tác quan trọng đóng góp lớn vào nguồn vốn FDI cho Việt Nam.
Ông Phương cho biết thêm, thuận lợi chung cho các thành viên khi AEC có hiệu lực là sự tự do di chuyển lao động có tay nghề qua biên giới các nước ASEAN, nhất là trong 8 ngành nghề được thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương nội khối, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, vận chuyển và nhân viên ngành Du lịch.
AEC cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho tiếp cận thị trường 600 triệu dân, tổng GDP nội khối 2.300 tỷ USD và cả thị trường của một số nước khác có các thỏa thuận thương mại tự do (FTAs) riêng rẽ của ASEAN, như Austrlia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Cơ hội tiếp cận thị trường mới dành cho các nhà xuất khẩu ASEAN được mở rộng với việc loại bỏ các rào cản thương mại và dịch vụ. Quy tắc xuất xứ linh hoạt, hiện đại, tính minh bạch hóa cao là một số trong nhiều yếu tố thuận lợi hóa.
Ví dụ, trong ASEAN có "Chứng nhận xuất xứ hàng hóa", theo đó, với 60% sản phẩm được sản xuất từ ASEAN thì được chứng nhận là sản phẩm trong ASEAN. Vì vậy, sản phẩm được hưởng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do trong ASEAN, nhất là thương mại liên quan đến hội nhập kinh tế.
Với Việt Nam, khi AEC thành lập, nền kinh tế nước ta có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, tiếp cận thị trường của Việt Nam sẽ được cải thiện bởi môi trường thương mại hiệu quả, minh bạch và dễ dự đoán, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thiểu chi phí cho các giao dịch thương mại quốc tế sẽ góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các DN nâng cao khả năng cạnh tranh.
Cắt giảm thuế quan cũng là thuận lợi giúp DN Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh. Thuế suất trong ASEAN sẽ về từ 0% - 5%, nếu sản xuất để xuất khẩu thì sẽ không phải chịu thuế suất hoặc thuế suất thấp; nhập khẩu máy móc cũng không phải chịu thuế suất. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm cũng như tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.
Môi trường AEC sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách trong nước, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế và chính sách thương mại quốc tế trong bối cảnh mới, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'