Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN: Không thể chủ quan!
Đó là nhận định của Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lí kinh tế Trung ương liên quan đến việc Việt Nam đang hướng tới hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, AEC không phải mới bắt đầu từ năm 2015 mà đó là một quá trình. Năm 1990, Việt Nam là một trong 4 nước đầu tiên gia nhập vào đầu khu vực ASEAN, lúc này cơ bản là vì mục đích chính trị hơn là kinh tế. Năm 1998, Bộ Kế hoạch đầu tư mới có những nghiên cứu đầu tiên về năng lực cạnh tranh của các nước ASEAN. Năm 2004 lần đầu tiên ở Paris lãnh đạo 10 nước ASEAN quyết định xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, dự định được thành lập vào năm 2020. Nhưng với tốc độ phát triển nhanh, lãnh đạo các nước ASEAN quyết định rút ngắn thời gian thành lập lại, đó là lý do AEC sẽ chính thức thành lập vào năm 2015.
Ông Thành cũng cho biết, tầm nhìn của AEC là đưa ASEAN thành một khu vực ổn định, thịnh vượng, và có tính cạnh tranh cao; một khu vực dịch chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có kỹ năng cũng như dịch chuyển tự do hơn về vốn…
"Đây không chỉ là câu chuyện về thị trường lưu thông, dịch chuyển, trao đổi được dễ dàng mà còn là câu chuyện chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ, nông nghiệp, hợp tác… AEC là một cộng đồng nhiều văn hóa nhưng cùng một bản sắc, cam kết cùng phát triển", ông Thành chia sẻ.
Chia sẻ về cơ hội của Việt Nam khi hội nhập AEC, Tiến sĩ Thành cho biết, cơ hội đầu tiên là thị trường của Việt Nam sẽ được sang các nước AEC với 600 triệu dân. Không chỉ thế, mà AEC còn là cánh cửa đưa các thành viên đến với cộng đồng kinh tế thế giới như các nước EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Newzeland, Nhật Bản, Hàn Quốc… Để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các nước thành viên, AEC còn có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam, Lào, Campuchia và Philippin.
Ông Thành cũng cho biết, có hai điểm quan trọng khi cộng đồng AEC chính thức đi vào hoạt động là ASEAN sẽ thành một cửa hải quan và hài hòa về tiêu chuẩn chất lượng. Tự do hóa không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn giảm chi phí giao dịch tạo sự thuận lợi trong các hoạt động thương mại và đầu tư.
Các chương trình hợp tác như phát triển về dịch vụ, du lịch, giải trí, nông nghiệp; thị trường mạng chuỗi, giải trí, kinh tế xanh, đóng tàu, ô tô, nông nghiệp… sẽ phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn, thách thức không nhỏ khi tham gia vào sân chơi chung của cộng đồng AEC. Để chuẩn bị tốt đón đầu AEC, chúng ta cần phải học hỏi nghiêm túc, nắm bắt thông tin và cơ sở pháp lý.
Phải chủ động nắm bắt cơ hội
Theo ông Thành, cơ hội mở ra cho thấy khi AEC đi vào hoạt động sẽ tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác được tối đa các ưu đãi thương mại tự do (FTA) mang lại, thuế suất lưu thông hàng hóa giữa các nước trong khu vực sẽ được cắt giảm dần về 0%.
Đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 và những yêu cầu ngày càng cao đối với hàng xuất khẩu sẽ là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp Việt Nam nhất là trong bối cảnh các biện pháp về phòng vệ thương mại đang có xu hướng gia tăng vì thế các doanh nghiệp Việt Nam không được phép chủ quan mà phải hiểu rõ để nắm bắt lấy cơ hội.
Ông Thành chia sẻ, để có thể nắm bắt và tận dụng cơ hội kinh doanh khi tham gia vào các FTA, các doanh nghiệp cần phải hiểu và sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động như thị trường kì hạn, các công cụ phái sinh, bảo hiểm…
Bên cạnh đó, nhận thức và đảm bảo các tiêu chuẩn, các hàng rào kĩ thuật nhất là tại các thị trường phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu dựa trên các cam kết và lợi thế so sánh, tham gia sản xuất kinh doanh theo phân khúc, theo mạng, cụm, chuỗi.
“Cơ hội kinh doanh khi hình thành AEC sẽ bao gồm 4 trụ cột: một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; một khu vực kinh tế cạnh tranh; sự phát triển kinh tế công bằng; hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Để nắm bắt và tận dụng cơ hội kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam cần học quản trị sự bất định. Ví dụ, hiểu và sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động; nhận thức và đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn các hàng rào kỹ thuật; nhận thức vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô và thay đổi chính sách", ông Thành nhận định.
Theo vị lãnh đạo Viện Nghiên cứu và Quản lí kinh tế Trung ương, các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm cơ hội sản xuất kinh doanh: mở rộng thị trường xuất khẩu; “chen chân” sản xuất kinh doanh theo phân khúc, theo mạng, cụm, chuỗi; tham gia phát triển kết cấu hạ tầng; kinh doanh lĩnh vực ngành nghề mới phát triển; chấp nhận cạnh tranh cùng học kết nối: chuyển dần từ cách thức cạnh tranh "bằng giá" sang chú trọng cạnh tranh "phi giá"; phát triển, toàn cầu hóa quá trình tích tụ và phân khúc cụm, mạng, chuỗi.
Đồng hành với Chính phủ và biết "đối thoại" pháp lý: nắm thông tin về hội nhập cùng chính sách, cải cách của Chính phủ; trao đổi, đối thoại đây đủ, sâu sắc doanh nghiệp - Chính phủ; hiểu biết cơ sở pháp lý/cơ chế, qui trình giải quyết tranh chấp, tranh luận và thực thi đảm bảo hợp đồng kinh doanh và quyền lợi doanh nghiệp.
"Đặc biệt các doanh nghiệp phải chuyển dần từ cách thức cạnh tranh bằng giá sang chú trọng cạnh tranh phi giá gắn với tiêu chuẩn, mẫu mã giao dịch. Tuy vậy, Chính phủ cũng cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và thuận lợi cho các doanh nghiệp không có khả năng chuyển đổi hoạt động", ông Thành kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo