Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp được nộp dần tiền nợ thuế nếu thật sự gặp khó khăn?

(DNVN) - Do nhiều doanh nghiệp nợ thuế với số tiền lơn trong khi nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, Cục Thuế Hà Nội đang kiến nghị với cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp nợ nộp dần tiền thuế.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế - Cục Thuế Hà Nội, trong thời gian này, do ảnh hưởng kinh tế chung, nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong SXKD, khó khăn về tài chính nên không có tiền để nộp thuế, dẫn đến nợ thuế và phải tính tiền chậm nộp.

Các doanh nghiệp nợ thuế lớn mà gặp khó khăn tài chính thì có thể được nộp trả dần.
Các doanh nghiệp nợ thuế lớn mà gặp khó khăn tài chính thì có thể được nộp trả dần.

Trên cơ sở đó, các lãnh đạo Cục thuế Hà Nội thống nhất sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền có cơ chế, giải pháp, chế tài hiệu quả để công tác thu hồi tiền nợ thuế có tính khả thi cao.

Cụ thể, Cục thuế Hà Nội sẽ kiến nghị về chính sách cho nộp dần tiền thuế nợ. Theo đó, đối với những trường hợp thật sự khó khăn về tài chính, không có khả năng nộp được hết một lần số thuế nợ sẽ cho phép NNT được cam kết chia dần số thuế nợ nộp trong 12 tháng mà không cần bảo lãnh của bên ngân hàng, tổ chức tín dụng, khi đó cơ quan thuế chưa thực hiện cưỡng chế nợ thuế. Trường hợp NNT không thực hiện nộp được theo đúng cam kết thì bị cưỡng chế nợ thuế ngay.

Bên cạnh đó, Cục thuế Hà Nội cũng sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp hết khoản nợ thuế gốc. Đồng thời cho phép không tính tiền chậm nộp đối với các nhà thầu phụ thi công các công trình có vốn ngân sách chậm thanh toán dẫn đến nợ thuế (Nhà nước chưa thanh toán cho nhà thầu chính, nhà thầu chính không có tiền trả nhà thầu phụ). 

Tuy nhiên, đối với các trường hợp khác nếu cố tình chây ỳ nợ thuế. Cục thuế Hà Nội kiến nghị cấp có thẩm quyền có cơ chế quy định rõ ràng về trách nhiệm của Ngân hàng trong việc trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế nợ thuế nộp ngân sách. 

"Ví dụ, khi cơ quan Thuế có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (có danh sách cụ thể NNT nợ thuế, MST, số thuế nợ…gửi kèm), Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản của NNT nợ thuế nộp ngân sách, không chờ nhận được quyết định cưỡng chế của cơ quan Thuế (khi đó NNT không thông báo thông tin về tài khoản mở tại các Ngân hàng cho cơ quan Thuế nhưng vẫn cưỡng chế nợ thuế được)", đại diện Cục thuế Hà Nội cho biết.

 

Cũng theo bà Yến, để thực hiện tốt công tác thu hồi nợ, quản lý thuế. Cục Thuế Hà Nội cũng sẽ kiến nghị UBND Thành phố tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng giảm tiền thuê đất năm 2011 - 2012 cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất.

Đối với những dự án chậm triển khai kéo dài, không có lý do chính đáng (vi phạm các quy định của Luật đất đai), đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ nhưng vẫn không thu được nợ tiền sử dụng đất; những trường hợp nợ tiền thuê đất kéo dài, đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ nhưng không thu được số tiền nợ, sử dụng đất kém hiệu quả, sai mục đích, kiến nghị UBND Thành phố xem xét chỉ đạo Liên ngành thành phố và UBND quận huyện rà soát, kiểm tra và đề xuất việc thu hồi theo Luật định. 

Bà Yến cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, Cục thuế Hà Nội sẽ chỉ đạo các Phòng quản lý, các Chi cục thuế rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng nợ thuế để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả như động viên, thuyết phục doanh nghiệp có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế. 

Đối với những trường hợp nợ thuế xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; những đơn vị đang hoạt động sản xuất kinh doanh, có doanh thu bán hàng, có dòng tiền luân chuyển nhưng vẫn nợ thuế; các dự án được gia hạn nhưng quá hạn chưa nộp tiền sử dụng đất; các dự án đã bán hàng, thu tiền nhưng vẫn nợ tiền sử dụng đất thì cơ quan Thuế kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng.

Theo Cục thuế Hà Nội, tính đến ngày 30/7/2015, sau khi công khai 268 đơn vị nợ thuế đã có 136/268 đơn vị đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 704 tỷ 783 triệu đồng.

 

Trong đó, có 25/38 dự án sau công khai nợ tiền sử dụng đất đã nộp vào Ngân sách Nhà nước 524 tỷ 810 triệu đồng và 111/230 doanh nghiệp sau công khai nợ tiền thuế đã nộp vào Ngân sách Nhà nước 179 tỷ 973 triệu đồng.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo