Hủ tục - giữ hay bỏ: Các biến tướng của lễ hội
Lễ hội chém lợn của làng Ném Thượng (Bắc Ninh) khai màn cho gần 9.000 lễ hội trong năm, gây “sóng gió” trên dư luận với những luồng ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều ý kiến cần loại bỏ những hủ tục lạc hậu - dù đó là tập quán từ ngàn xưa. Hình ảnh chém lợn một cách dã man mà con người đã hành xử với con vật đã không còn nằm trong lễ hội của một làng, nó đã trở thành sự quan tâm của đông đảo người dân khi mà cuộc sống đang cần cái thiện hiện hữu ngày càng nhiều để loại bỏ cái ác.
Những ý kiến trái chiều
Con lợn bị trói bốn chân đưa ra giữa sân đình của làng Ném Thượng trong tiếng hò reo, phấn khích của người xem. Không thể không động lòng trắc ẩn khi thấy một cô gái áo dài, khăn đóng lau nước mắt cho con lợn, một thanh niên đang cố ấn vào miệng lợn chai nước... được xem là sự đặc ân của con người với con lợn trước khi khai đao “hành quyết”.
Con lợn bị bốn người ở bốn góc giữ dây buộc chân, đúng giờ ngọ, sau tiếng trống khai đao, hai người đàn ông lực lưỡng giơ cao thanh đao chém vào vùng cổ lợn. Trong vài phút con lợn bị phanh thây, máu me be bét, dòng người xô vào cố quệt được tí máu lợn vào đồng tiền trên tay để có được sự may mắn cả năm.
Những hình ảnh đó gây nên làn sóng phản ứng của không ít cư dân mạng về một lễ hội không có tính nhân văn - dù con lợn là vật nuôi, là nguồn thực phẩm không thể thiếu của người dân, nhưng với cách giết lợn như diễn ra tại lễ hội làng Ném Thượng thì quả là... phản cảm. Không ít người xem còn trẻ đã phải rùng mình, nhắm mắt để không tận mắt chứng kiến hành vi được cho là dã man của con người với con vật.
Nhưng, người làng Ném Thượng có lý của mình khi khôi phục lễ hội này - người dân trong làng tự hào về một nghi thức đầy ý nghĩa khi Thành hoàng làng Lý Đoàn Thượng chém lợn để khao quân. Là nhà nghiên cứu văn hoá, trả lời trên VnE, Giáo sư Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - nói rằng, nên để người dân giữ nguyên tục chém lợn truyền thống. Nghi thức chém lợn là nghi thức hiến sinh để người dân địa phương dâng lên vị thành hoàng món thực phẩm ngài đã dùng khi sinh thời. Ta nên tôn trọng ý nguyện cộng đồng là để họ duy trì nghi thức truyền thống, bởi hơn ai hết, cộng đồng là nơi lưu giữ, bảo vệ tốt nhất di sản của họ.
Trong khi đó, cũng đề cập đến lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, tờ Thể Thao Văn Hóa đã có bài viết “Thành hoàng làng Ném Thượng là cướp”. Đây là nội dung gây sốc với khá nhiều người. Nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh đã viết trong cuốn sách “Hội hè đình đám” được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2005 có chi tiết: Thành hoàng làng này họ Lý không rõ tên gì nhưng được gọi là Lý Công, lúc sinh thời làm nghề ăn cướp, chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ phụng làm Thành hoàng.
Lễ hội bị biến tướng
Cho dù là tập quán từ ngàn xưa - theo lời người dân làng Ném Thượng - nhưng việc “khai đao” với con lợn dưới góc nhìn của thế hệ trẻ vẫn là điều không nên làm, trong bối cảnh cuộc sống mà con người đang rất cần hướng đến cái thiện. Bởi, chỉ trong có mấy ngày nghỉ tết, có trên 6.200 người bị thương tích do đánh nhau, trong đó có tới vài chục người bị chết. Ở thời buổi mà anh em ruột thịt, chỉ vì xích mích khiến “người thì chết, kẻ vào tù”, hoặc sẵn sàng đâm chết người chỉ vì bị coi là nhìn đểu hoặc một lời nói bâng quơ... thì việc duy trì một lễ hội mang tính tàn bạo, dã man như lễ hội chém lợn cũng cần phải cân nhắc giữa cái lợi và cái hại.
Những ngày qua, cộng đồng mạng không khỏi giật mình và suy ngẫm khi thấy những bức hình bạo lực trong lễ hội đền Gióng. Theo GS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - hoạt động mang tính chất “chân, tay” trong các lễ hội truyền thống xưa thì chỉ mang tính chất tượng trưng, được thể hiện trên tinh thần vui vẻ, không hề có dấu ấn của “tả xung hữu đột” như vừa xảy ra tại lễ hội đền Gióng. Việc tấn công, cướp giật đó là sự lợi dụng truyền thống để thỏa mãn lòng tham và cuồng vọng cá nhân và rất phản truyền thống, phản văn hóa.
Dư luận lên án gay gắt và bày tỏ thái độ là không thể chấp nhận hành vi giẫm, đạp lên nhau cướp, giật đồ lễ để lấy may như tại lễ hội đền Gióng (Hà Nội), đền Trần (Nam Định) bao năm qua... Hình ảnh của việc cướp, giật lễ không còn gói gọn trong một lễ hội mà nó có ảnh hưởng rất xấu trong cộng đồng. Do đó, không thể cứ lấy cái gọi là niềm tin, tín ngưỡng là tập tục để duy trì hủ tục lạc hậu và bị biến tướng như hiện nay.
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Lộ clip nghi hiện trường vụ Đàm Vĩnh Hưng bị đứt vài ngón chân, hành động của nam ca sĩ gây tranh cãi
Chồng Thu Phương hé lộ việc vợ chồng Bích Tuyền chuẩn bị khởi kiện ngược Đàm Vĩnh Hưng
Thông tin bất ngờ vụ Đàm Vĩnh Hưng bị đứt vài ngón chân, thực hư chuyện hai bên lên kịch bản lấy bảo hiểm
Thông tin nóng vụ Đàm Vĩnh Hưng hát ở nước ngoài dù đang bị cấm diễn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL lên tiếng
Kể chuyện hoa Đà Lạt bằng thời trang
Thương hiệu ‘Lý Tử Thất’ được định giá khoảng 35 nghìn tỷ, hé lộ thu nhập gây 'sốc' mỗi tháng
Cột tin quảng cáo