Huyền bí đường “lên trời” và xuống “địa phủ” trong ngôi cổ tự
Ngôi chùa độc đáo Từ trung tâm xã Mỹ Hòa đi về hướng Tây khoảng 1km là đến chùa Hang. Đặc biệt, với những du khách chưa từng đặt chân đến đây cũng có thể dễ dàng nhận ra chùa Hang do từ xa đã có thể trông thấy một khối đá khổng lồ vươn ra giữa lưng chừng núi. Đó chính là mái che tự nhiên của chùa.
Theo đại đức Thích Nhuận Tín - trụ trì chùa Hang, chùa được khai sơn vào năm 1613 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất cứ tư liệu lịch sử nào ghi lại chính xác điều này. Chùa Hang là tên gọi của dân gian, còn tên chính của chùa là Thiên Sanh Thạch Tự, có tên chữ là Thạch Cốc. Ngọn núi có chùa là La Hơi, tên chữ là Lý Thạch.
Một truyền thuyết kể rằng, lúc bấy giờ vùng Phù Mỹ đã có vài ngôi chùa, nhưng không có sư trụ trì. Hay tin có ông Phan Chọn ở huyện Phù Mỹ vào tu hành tại chùa Trà Cang (tỉnh Bình Thuận), người dân bèn bàn nhau vào mời về. Hòa thượng trụ trì chùa Trà Cang đã đồng ý cho sư Trà Ban (tức ông Phan Chọn) về trụ trì chùa Hang vào năm 1896.
Trong thời gian trụ trì chùa Hang, sư Trà Ban còn xây dựng nhiều chùa khác ở huyện Phù Mỹ và các huyện lân cận. Tương truyền, do tu hành đắc đạo nên sư Trà Ban đi nhanh như bay và nhẹ tựa gió mây. Ông lại giỏi y thuật, thông kinh chú, đã thu thập thông tin quý giá cung cấp cho nghĩa quân Trần Cao Vân trong thời kỳ lấy vùng núi Bình Định, Phú Yên làm căn cứ chống Pháp.
Một truyền thuyết khác, trong cuốn sách “Nhân vật Bình Định” của Lộc Xuyên Đặng Quí Địch, phần viết về nhân vật Võ Trứ (là một phó tướng dưới trướng của Mai Xuân Thưởng trong phong trào Cần Vương ở Bình Định, sau cùng với Trần Cao Vân gầy nên phong trào Minh Trai chủ tể ở Phú Yên nhưng bất thành), có đề cập một chuyện lạ xảy ra ở Bình Định.
Đó là năm Giáp Ngọ 1894, huyện Phù Cát và nhiều nơi ở Bình Định bị dịch bệnh hoành hành, nhiều làng bị rào cách ly, có nơi dân chúng đốt làng di tản đi nơi khác. Người chết không kịp chôn, khắp nơi đều bao trùm bởi tử khí và dịch bệnh.
Lúc này, người dân bỗng thấy xuất hiện một vị lão tăng, do tu ở chùa Hang nên gọi là thầy chùa Hang, vài hôm sau thì thấy Võ Trứ cũng có mặt. Hai người phát thuốc cho dân chữa bệnh, thuốc là tấm giấy màu vàng có in năm hình Bồ tát Quan Âm, gọi là “Ngũ công Quan Âm”.
Ban đầu người dân còn nghi ngờ loại thuốc này nên không dám dùng, sau nghĩ dù sao cũng chẳng còn đường cứu, lại thấy không bị mất tiền nên theo lời thầy chùa Hang tâm niệm đấng cứu thế, đốt giấy đó hòa nước uống và khỏi.
Tin về sự hiệu nghiệm của thuốc do lão tăng và Võ Trứ phát truyền tai nhau rất nhanh, điều này khiến quan tri huyện Phù Cát sợ thầy chùa Hang tụ hội khởi loạn nên ra lệnh cấm người đến xin thuốc, đồng thời tầm nã gắt gao thầy chùa Hang. Vốn tu hành đắc đạo nên thầy chùa Hang có rất nhiều đệ tử, khi chuyện phát thuốc cứu người của vị lão tăng này động đến quan tri huyện thì phần đông đệ tử của ngài cũng bị liên can, nhiều người khuynh gia bại sản, thậm chí là mất mạng.
“Riêng thầy chùa Hang vì tránh sự tầm nã của quan mà nay phải ẩn nhà này, mai ẩn nhà khác. Lúc bấy giờ chỉ còn mỗi mình Võ Trứ vẫn lén lút thoát khỏi sự kiểm tra gắt gao của quan huyện phát thuốc cho người dân. “Về sau không rõ vị lão tăng mất khi nào và ở đâu. Để nhớ ơn, người dân tiếp tục thờ cúng ông ở chùa Hang tưởng nhớ công ơn cứu mạng”, đại đức Thích Nhuận Tín (trụ trì chùa Hang hiện giờ) cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi, chùa Hang là một hang đá sâu nằm ở lưng chừng núi, mặt trước quay về hướng đông với bao la là ruộng lúa, rừng dừa. Muốn lên được chùa phải đi theo dốc đá quanh co, đi mãi, khi nào gặp một tảng đá to thì đó chính là mái che của chùa.
Cạnh bên trái mái che bày biện mấy ghế đá, bên phải các ghế đá này có một lối đi nhỏ để vào hang. Muốn qua lối này phải khom người xuống, lúc này đã cảm nhận được cái lạnh của hang đá phả từ dưới lên. Lại theo khoảng chục bậc đá đá nữa, du khách sẽ thấy bàn thờ các Phật.
Huyền bí đường thông thiênTương truyền, ở chùa Hang có hai đường đi, một đường lên trời và một đường xuống âm phủ. Theo đó, phía trên bàn thờ, chệch về phía tay phải còn có một lỗ thông hơi. Lỗ thông này chính là đường lên trời. Theo quan sát của chúng tôi, lỗ thông hơi này là khoảng trống phía trên bàn thờ. Các tượng Phật và vật dụng thờ được bày biện theo từng bậc cao dần kiểu bậc thang, bậc cao nhất của bàn thờ là nơi rất gần với đường lên trời.
Nhiều người cao tuổi ở đây kể rằng, thời gian trụ trì, sư Trà Ban thường ngồi phía dưới bàn thờ Phật để đọc kinh. Vì là người tài giỏi, có thể đi như bay nên quá trình ngồi đọc kinh, sư Trà Ban đã khai thông một đường phía trên bàn thờ Phật để tất cả muôn loài đều có thể nghe kinh. Đồng thời, mỗi khi có việc cần lên phía trên, sư Trà Ban cũng có thể đi từ đường này với chỉ một bước nhảy nên người ta gọi là đường lên trời.
Cụ Nguyễn Mạnh Đăng (85 tuổi, một bậc cao niên ở thôn Hội Khánh) cho biết: “Người dân đồn rằng, sư Trà Ban đi nhẹ như mây nên đã tạo ra đường lên trời này để có thể đi về một cách dễ dàng, không ai phát hiện trong quá trình giúp nghĩa sĩ Cần Vương. Cũng nhờ vào đường lên trời này mà rất nhiều người dân đã thoát chết trong một lần trúng khí độc. Chuyện là dân làng ở đây một lần bị trúng khí độc, sau khi được thần linh mách bảo, họ đến nơi này, mắt nhìn thẳng về hướng đường lên trời thì bỗng dưng khí độc tan biến”.
Phía dưới mái che của chùa Hang có một đường hầm chạy xuống, người ta gọi là đường xuống âm phủ. Tương truyền khi còn sống, một trụ trì của chùa Hang là ngài Nguyên Lượng thấy có một đường sâu hun hút hướng về phía dưới. Thấy lạ, ngài bèn đi thử xem sao, tuy nhiên càng đi càng thấy sâu thăm thẳm, đường càng gập ghềnh trắc trở khó đi nên đành quay trở lại.
Lại có lời kể rằng, một vị trụ trì khác của chùa Hang, vì muốn kiểm chứng độ sâu của đường huyền bí này, nên gánh theo hai thúng nến để đốt lần soi đường. Đi nhiều ngày, nến gần hết, mà hang vẫn còn xa vời vợi nên vị trụ trì đành quay trở về. Từ đó, người dân gọi đường này là đường xuống âm phủ, không có đáy.
Về sau, để kiểm chứng độ sâu của đường xuống âm phủ, người dân trong vùng lên chùa Hàng thả một quả bưởi được khắc dấu xuống hang, một thời gian sau thì có người tận cửa biển Đề Gi (huyện Phù Cát) cách chùa hơn 50km nhặt được. Từ ấy dân gian đồn rằng cái hang này ăn thông với biển.
Cụ Đăng cho biết: “Tôi chưa bao giờ thử đi đường xuống âm phủ này, nhưng nghe ông bà kể lại thì nó không có đáy. Ngày xưa, bao nhiêu vị trụ trì ở đây đều đi nhưng không ai kiểm chứng được độ sâu của nó thì chắc chắn là nó thông với biển rồi. Con đường này cũng là nơi giúp nghĩa quân ta trú ngụ trong thời gian chống Pháp và chống Mỹ. Nhiều bộ đội ta bị thương được đưa đến đây để cứu chữa. Nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh mà còn gắn với bao truyền thuyết lịch sử”.
Vào thời kỳ phong trào Cần Vương, chùa Hang từng là nơi ẩn náu, hoạt động của một số tướng lĩnh như Trần Cao Vân, Bùi Điền… Thời kháng chiến chống Pháp, chùa Hang là cở sở thứ hai của xã Mỹ Hòa nói riêng và huyện Phù Mỹ nói chung. Thời chống Mỹ, chùa Hang là nơi hoạt động của cán bộ cách mạng, bộ đội giải phóng. Chính vì vậy mà ngày 29/1/1968, Mỹ ngụy ném pháo ngạt làm chết 24 người dân khi đang tránh bom trong hang. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
NSND đóng vai Ngọc Hoàng đầu tiên trong Táo quân: Quân hàm Đại tá, từng là 'sếp' của NSND Tự Long
Diện mạo mới nhất của Hoa hậu Ý Nhi hậu can thiệp thẩm mỹ
MC Thành Trung sở hữu khối tài sản khủng cỡ nào ở tuổi 41?
Bộ 3 Hạnh - Long - Quý “tất tay” đem cây phượng của trường về quê Tiểu Long
Lưu Diệc Phi áp đảo về nhan sắc khi chung khung hình cùng loạt mỹ nhân Dương Mịch, Lưu Thi Thi và Dương Tử
Hóa ra cô ấy đã chết từ lâu rồi! Kết hôn với 'Tôn Ngộ Không' ngoài đời, chết bệnh ở tuổi 45, sẽ không còn Thiết Phiến công chúa nữa