Huyền thoại dòng sông chảy ngược ở Tây Nguyên cùng câu chuyện tình xúc động
Con sông này cũng là nơi hội tụ nhiều loài cá khủng nhất Tây Nguyên.
Truyền thuyết một chuyện tình
Khi những tia nắng cuối ngày bắt đầu chuyển sang màu vàng nhạt, cũng là lúc chúng tôi đến nhà anh Hà Văn Lộc, một “sát thủ” các loài cá khủng trên sông Sêrêpôk ở xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Anh Lộc đang chuẩn bị đồ nghề ra sông.
Năm nay ngoài 50 tuổi, anh Lộc từng theo cha mẹ ra sông giăng lưới, câu cá từ năm 7-8 tuổi. Vì thế, anh thuộc con sông như trong nhà.
“Sông Sêrêpôk được hình thành bởi 2 dòng sông Krông Nô và Krông Ana. Tiếng Ê Đê có nghĩa là sông bố và sông mẹ. Hai con sông này bắt đầu từ lòng núi Chư Yang Sin cao hơn 2.400m, chảy song song nhau cho đến địa phận xã Quỳnh Ngọc, huyện Krông Ana, Đăk Lăk thì hợp lưu thành sông Sêrêpôk”, anh Lộc nói. Chiếc thuyền bơi ra gần giữa sông, anh Lộc dừng tay chèo, bắt đầu thả câu. Vừa làm anh vừa nói: “Sông bố và sông mẹ liên quan đến một chuyện tình rất xúc động, tôi kể cậu nghe cho vui”.
Chuyện kể rằng xưa kia có một chàng trai yêu một cô gái ở bên kia bờ sông. Họ thuộc 2 dòng họ có mâu thuẫn với nhau. Bởi thế, khi biết tin đôi trai gái yêu nhau, cả 2 bên dòng họ ra sức ngăn cản. Một đêm trăng sáng vằng vặc, đôi trai gái dắt nhau ra sông, cùng nhau thề thốt, rằng nếu không lấy được nhau thì sẽ cùng quyên sinh để mãi bên nhau. Nói rồi, đôi trẻ ôm nhau nhảy xuống…
Ngay sau đó, bầu trời bỗng chuyển đầy mây đen, ánh trăng chợt tắt, nước sông bất thần dâng cao, cuồn cuộn chảy. Mọi người thấy vậy, tưởng đã làm gì khiến thần linh nổi cơn thịnh nộ, vừa đóng chặt cửa vừa khấn cầu. Sáng hôm sau, khi trời quang mây tạnh, người ta không tin vào mắt mình khi thấy dòng sông hôm qua đã xẻ làm đôi. Một dòng đỏ quạch, chảy xiết, dòng còn lại trong vắt, hiền hoà chảy, dịu dàng như một người mẹ. Đó là sông bố và sông mẹ. “Nhưng đến khu vực này, sông lại hợp làm một, và trở nên hung dữ, chưa ai có từng xuôi hết dòng Sêrêpôk. Bởi dọc sông, có hàng loạt những thác, ghềnh, đẹp nổi tiếng nhưng rất nguy hiểm như Gia Long, Dray Sap, Dray Nur, Trinh Nữ...”, anh Lộc nói.
Nơi hội tụ những loại cá khủng
Sau khi thu hết 50 lưỡi câu, có gần 2 chục con cá các loại dính câu. Trong đó có vài con cá lăng, cá vồ đém, mỗi con cũng 2-3 ký. Trên thuyền câu, anh Lộc kể, cách đây khoảng 15-20 năm trở về trước, cá trên sông Sêrêpôk nhiều lắm. Cá tra dầu mà ở đây thường gọi cá úc, nặng cả ngót 2 tạ. Chúng theo con nước từ Biển Hồ bên Campuchia về. Còn cá chình to cỡ bắp đùi người lớn, dài mét rưỡi 2 mét. Da nó dày và dai, phải dùng cật nứa bén như lưỡi lam mới xẻ được. “Ngày xưa cá nhiều, gạo ít, cá săn được toàn mang về xẻ thịt, bà con chia nhau ăn thay cơm”, anh Lộc nói.
“Sông này còn có nhiều loại cá quý hiếm, nằm trong sách đỏ như ngựa xám, chiên lăng, sọc dưa, sấu xiêm. Đặc biệt có cá mõm trâu, loài cá tiến vua mà nhiều người vẫn lầm tưởng là cá anh vũ, cực hiếm. Riêng cá lăng, cá tra dầu thì có những con nặng cả hơn tạ. Còn cá chình cỡ vài chục ký. Tôi từng chứng kiến nhóm thợ săn cá lăng của ba tôi bắt được con cá sọc dưa to gần bằng chiếc thuyền độc mộc. Mọi người lấy dây thừng cột con cá lại, kéo dần vào bờ chứ không thể mang lên thuyền. Hồi tháng 6 năm rồi, con lăng 46kg dính câu, tôi phải huy động gần chục người, vật lộn mấy tiếng đồng hồ mới đưa được nó về”, anh Lộc cho hay.
Anh Lộc bảo, cá lăng là loài thích những chỗ nước chảy xoáy, chứ không thích nước lặng. Vì thế, thợ săn cá này phải chấp nhận mạo hiểm đi theo các trận lũ rừng, xông pha đến những khúc sông nguy hiểm.
Mai này, cá khủng có con?
Bữa cơm tối ở nhà anh Lộc, chỉ có món cá nướng và cá nấu canh rau rừng. Trong lúc ăn, mọi người trò chuyện rôm rả, chợt trầm hẳn khi một người than chuyện cá trên sông đang ngày một ít.
Ông Ymakông, một “chủ nhân” đích thực của vùng đất này, buồn rầu nói: “Ngày xưa sông nhiều cá lắm. Bây giờ sắp hết rồi. Cá thần không còn nữa”. Tôi hỏi: “Cá thần là cá gì ạ?”, ông đáp: “Cá thần to như con voi con nhà mình. Nó hay tắm bên cạnh voi nhà mình. Cá thần về là có mưa, có nước tưới, mát lắm. Bây giờ cá thần không về, thiếu nước tưới. Cá nhỏ người ta cũng bắt sắp hết rồi”.
Ông Lê Văn Nhơn, năm nay hơn 80 tuổi, cũng là một “sát cá” nổi danh trên dòng Sêrêpôk, hồi tưởng: “Hồi xưa, bắt cá bằng cách phóng lao, không có dùng lưới. Vì chỉ có thuyền độc mộc, nếu gặp cá lăng lớn, quẫy đạp, thuyền không chịu được đâu. Cứ phóng lao trúng, nó bị thương, trốn mất, nhưng trước sau gì cũng tìm thấy. Ngoài đâm cá, xưa ở đây còn có cách bắt cá khác là dùng thuốc từ lá rừng, lặn xuống sông, bỏ vào các hốc đá. Thuốc này không độc, chỉ làm cho cá tê liệt tạm thời. Sau khoảng 1 tiếng, chúng sẽ trở lại bình thường. Đây là cách bắt cá truyền thống của người dân địa phương, nhằm chỉ bắt cá lớn, bắt vừa đủ ăn”.
Anh Lộc giải thích thêm: “Từ ngày người ta chặn dòng làm thuỷ điện, nước về ít, cá cũng ít đi. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do tình trạng đánh bắt tận diệt. Nhiều người từ nơi khác về đây sinh sống, họ dùng đủ ngón nghề đánh bắt mang tính tàn sát như dùng lưới dày, chích điện, thậm chí dùng mìn tự chế nữa”.
Trò chuyện với những người dân bản địa, tôi mới biết, người M’nông có luật tục riêng trong việc bảo vệ muôn loài, từ cây cỏ đến chim muông. Trong đó, riêng việc đánh bắt cá, cũng có quy định là hạn chế đánh bắt vào mùa cá sinh đẻ cuối năm. Cấm dùng thuốc độc, thuốc nổ, lưới dày bắt cá nhỏ. Và, mặc dù đó chỉ là luật tục, nhưng “người dân bản địa chẳng ai vi phạm. Có chăng chỉ là ngoài ý muốn chứ không ai cố ý”, anh Lộc bảo.
“Sêrêpôk là con sông khá đặc biệt của Tây Nguyên, ngoài việc có dòng chảy “ngược” từ Đông sang Tây, dưới sông còn có hơn 200 loài cá, trong đó 67 loài có giá trị kinh tế cao. Và có 7 loài cá nằm trong sách đỏ là ngựa xám, ruồng, chiên lăng, sọc dưa, sấu xiêm, mõm trâu và thát lát khổng lồ. Hiện nay, hầu hết các loài đều giảm số lượng nghiêm trọng. Có loài như ngựa xám, ruồng… lâu lắm không thấy”, ông Trịnh Bá Sơn, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Đăk Lăk. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
NSND Việt Anh kết hôn với bạn gái 9x?
Hé lộ thông tin ít ai biết về gia thế của ca sĩ Jack - J97
Lộ ảnh bên trong lễ ăn hỏi của Phương Nhi và Minh Hoàng, 1 chi tiết thể hiện rõ tâm ý nhà vị tỷ phú
Màn 'khóa môi' chấn động của Thiều Bảo Trâm với một 'chị đẹp' khiến dân tình rần rần
Dàn diễn viên đình đám từ Bắc vào Nam góp mặt trong "Gala cười 2025"
Ca sĩ Tuấn Cường tung ca khúc Tết "ai nghe cũng thấm"