Huyền thoại ngành bia Jorge Paulo Lemann - tỷ phú thú vị nhất thế giới
Nhắc đến những thương hiệu như tương cà Heinz, bia Budweiser hay đồ ăn nhanh Burger King, người ta thường nhớ tới nước Mỹ. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng cả 3 nhãn hiệu này đều thuộc về Jorge Paulo Lemann.
Là người sáng lập công ty quản lý quỹ 3G Capital, có trụ sở tại Rio (Brazil), trong vòng 5 năm qua, Lemann đã đứng sau những vụ M&A đình đám trong ngành công nghiệp thực phẩm tại Mỹ, mang về cho ông khối tài sản khoảng 27 tỷ đôla. Với Lemann, “kinh doanh giống như quần vợt. Bạn không thể giành được tất cả điểm hay thắng mọi hiệp, nhưng nếu bạn tiếp tục cố gắng và tập trung bạn có thể giành chiến thắng chung cuộc”.
Lemann được Bloomberg Billionaire Index xếp hạng là người giàu thứ 30 thế giới, với giá trị tài sản ước tính lên tới 27,3 tỷ đôla tính đến tháng 4 năm 2018. Ông đồng thời là người giàu nhất Brazil trong vòng 5 năm liên tiếp kể từ năm 2013. Bloomberg gọi Lemann là vị tỷ phú thú vị nhất thế giới.
Từ tay chơi Harvard, vận động viên quần vợt 5 lần vô địch Brazil...
Thời thơ ấu, một ngày của Lemann bắt đầu trước khi bình minh ló dạng, thức giấc lúc năm giờ sáng, chạy bộ vài cây số dọc theo bờ biển ở Leblon rồi trèo qua tường vào Câu lạc bộ thể thao ngoài trời để chơi quần vợt trước giờ mở cửa. Sau này, Lemann năm lần giành chức vô địch quần vợt quốc gia Brazil và chơi cho cả hai đội tuyển Thụy Sĩ và Brazil tham dự Davis Cup và Wimbledon.
Khi không chơi quần vợt, Lemann thường lướt sóng trên những bãi biển Arpoador, Rio. Chính trong lúc lướt sóng ông đã đối mặt với những nỗi sợ lớn nhất của cuộc đời.
Lemann chia sẻ: “Bạn phải chấp nhận những rủi ro trong cuộc sống và cách duy nhất là thực hành… Tôi thực hành trên những con sóng, trên sân quần vợt và sau này là trên thương trường… Tôi vẫn thường xuyên nhớ con sóng ở Copacabana hơn bất kỳ điều gì tôi học được ở trường đại học”.
Năm 17 tuổi, Lemann vô tình quyết định ghi danh vào một khóa kinh tế tại Harvard - một quyết định đã thay đổi hẳn thế giới quan của ông.
Buổi đầu của ông ở Harvard có thể nói là một thảm họa. “Năm đầu tiên của tôi ở Harvard thật khủng khiếp. Tôi chỉ mới 17 tuổi và tôi đã bỏ lỡ rất nhiều bãi biển và ánh mặt trời. Boston quá lạnh đối với tôi. Lần đầu tiên ở Mỹ và tôi không quen với việc học hay viết, chúng tôi phải viết rất nhiều ở Harvard. Điểm số của tôi là phần tồi tệ nhất” - ông kể.
Cuối năm thứ nhất, trước khi bước vào kỳ nghỉ, ông đã đốt vài phong pháo hoa ngay giữa sân chính của Harvard, các sinh viên rất thích thú trò này. Vài ngày sau, ông nhận được thư từ Harvard đề nghị ông tạm ngưng học một năm để trưởng thành hơn.
Để thoát cảnh buồn chán nhưng vẫn tốt nghiệp, ông quyết định nhanh chóng hoàn thành việc học trong vòng ba năm thay vì bốn năm. Ông biết được rằng những đề thi cũ đều được lưu trữ trong thư viện và những gì ông cần để chuẩn bị cho các kỳ thi là học từ đề thi của những năm trước. Điểm số của ông tăng vọt lên, và trong một thời gian ngắn, Lemann từ một sinh viên rắc rối trở thành học trò cưng của hiệu trưởng, ông đã hoàn thành khóa học khi 20 tuổi - độ tuổi ông đã định hướng rõ ràng cho bản thân.
“Tôi là một gã lướt sóng và một tay vợt chưa từng bước chân ra khỏi Rio de Janeiro, rồi đột nhiên đến một nơi tràn ngập những ý tưởng vĩ đại. Tôi phải học triết trong năm nhất. Tôi bắt đầu đọc những tác phẩm của Plato, Socrates, những điều mà tôi chưa từng nghĩ mình sẽ mảy may quan tâm. Nó đã thay đổi thế giới quan của tôi… Những giấc mơ của tôi, trước kia là đoạt giải vô địch quần vợt hay lướt trên những con sóng to hung hãn, đã trở nên vĩ đại hơn...
Một điều khác tôi học được từ Harvard, và trở thành một phần con người tôi, là tầm quan trọng của việc chọn người. Ở Harvard, tôi đứng trên vai những người khổng lồ. Đâu đâu cũng là tài năng ưu tú. Nó đã tác động lớn đến cách tôi bắt đầu lựa chọn con người, vốn là một phần quan trọng trong sự nghiệp của mình…
Harvard cũng dạy tôi tập trung vào cách để đạt được thành quả. Để hoàn thành công việc đúng hạn, tôi phải tạo ra một hệ thống đòi hỏi sự tập trung cao độ… Tôi luôn cố gắng và đơn giản hóa để giữ lại những điểm trọng yếu, điều này đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc kiến tạo những doanh nghiệp của chúng tôi. Hầu hết công ty của chúng tôi và người của chúng tôi đều có năm mục tiêu. Thực hiện công việc một cách đơn giản luôn luôn tốt hơn thực hiện nó theo cách phức tạp”.
Triết lý 'nghèo, giỏi, và khát khao làm giàu'
Có một kiểu chuyên gia mà Lemann luôn muốn chiêu mộ, và ông luôn gắn họ với cụm từ viết tắt PSD: nghèo, giỏi, khát khao làm giàu (Poor, Smart, Deep Desire to Get Rich). Ngay từ lúc đầu, bằng cấp tại một trường danh tiếng hay kinh nghiệm quốc tế không phải là một trong những tiêu chí chính mà ông tìm kiếm trong sơ yếu lý lịch.
Phần lớn thành công Lemann có được là từ sự trung thành của những người thân tín nhất.
Telles và Sicupira (đồng sáng lập quỹ đầu tư 3G Capial) là những người mà Lemann nuôi dưỡng hơn 50 năm qua. Lemann thu hút các nhà quản lý mới bằng cách tài trợ học bổng cho đại học Harvard, Stanford, và các trường hạng A khác. Carlos Brito (CEO của AB InBev) và Bernardo Hees (CEO của Kraft Heinz) đều được Lemann chi trả tiền đến trường. Gia đình Lemann còn thành lập quỹ Fundação Lemann nhằm cải tiến hệ thống giáo dục Brazil.
Năm 1971, LeMann và 2 người bạn của ông đã hùn vốn để thành lập Ngân hàng đầu tư Brazil Banco Garantia – được xem là ngân hàng uy tín nhất Brazil thời điểm bấy giờ.
Lemann đã đi tiên phong tạo nên một nền văn hóa doanh nghiệp mới ở Brazil vào thời điểm đó. Thay vì tặng cổ phiếu như tiền thưởng hàng năm, Lemann cho phép những nhân viên tốt nhất có cơ hội mua cổ phiếu bằng tiền thưởng của họ. Không phải là những nhân viên cao cấp được trao giải thưởng, mà là những người đạt thành tích cao nhất.
“Lemann là một thiên tài bởi vì ông đã mang đến Brazil một mô hình quản lý thực sự ưu việt đó là tập trung 100% vào nhân tài”, Silveira nói.
Huyền thoại ngành F&B với những thương vụ lịch sử
Cuối tháng 5 năm 2008, chiếc điện thoại BlackBerry của Lemann reo liên hồi khi ông đang chu du trên sa mạc Gobi. Đây là một tình huống khẩn cấp. Vài tháng trước, ông cùng cộng sự, Telles và Sicupira, những cổ đông nắm quyền kiểm soát và thành viên hội đồng quản trị của công ty bia InBev hợp tác Bỉ-Brazil (chủ sở hữu của Ambev), đã lên kế hoạch thâu tóm Anheuser-Busch (AB), nhà sản xuất thương hiệu bia bán chạy nhất thế giới, Budweiser. Vụ thâu tóm sẽ biến công ty do InBev và AB sáp nhập thành một trong bốn tập đoàn tiêu dùng lớn nhất thế giới, xếp sau những người khổng lồ như Procter & Gamble, Coca-Cola và Nestlé.
Việc đấu thầu AB là một chặng đường dài. Những bước đi quan trọng của họ bao gồm việc mua lại hãng bia Brahma năm 1989 sau đó tiếp tục mua lại hãng bia kình địch Antarctica để tạo nên Ambev vào năm 1999 và thỏa thuận với InBev Bỉ vào năm 2004.
Năm 2008, gần hai thập kỷ sau khi mua Brahma, họ cuối cùng đã sẵn sàng thâu tóm gã khổng lồ Anheuser-Busch và không một vụ rò rỉ thông tin nào có thể ngăn cản họ tiến về phía trước. InBev đã âm thầm làm việc trong dự án Amsterdam, mật danh của kế hoạch. Mọi việc đều trong tầm kiểm soát cho đến khi bí mật của họ bị tiết lộ cho cả thế giới chiều ngày 23 tháng 5 trên tờ Financial Times.
Bản đề xuất không chỉ trở thành vấn đề gây chia rẽ giữa nội bộ ở cả hai phía đối lập, mà những trang web phản đối thương vụ này cũng nhanh chóng mọc lên như nấm, biến vụ việc thành một vấn đề chính trị mang tính quốc gia. Khi đó, ứng viên cho chức tổng thống Mỹ, Barack Obama thậm chí còn tuyên bố rằng sẽ là một “nỗi ô nhục” nếu AB bị một công ty nước ngoài mua lại.
Vào ngày 18 tháng 11, năm 2008, gần sáu tháng sau khi tờ Financial Times tiết lộ bí mật của InBev, cuối cùng thương vụ cũng kết thúc với giá 52 tỷ USD. Công ty mới với tên gọi AB InBev là hãng bia lớn nhất thế giới. Bộ ba doanh nhân Brazil, Jorge Paulo Lemann, Marcel-Telles và Beto Sicupira đã trở thành những cổ đông chính trong một tập đoàn khổng lồ mới với doanh thu hàng năm đạt 37 tỷ đôla, sở hữu danh mục hơn 200 thương hiệu và có mặt khắp thế giới.
Trong vòng chưa đến hai thập kỷ, họ đã biến một hãng bia địa phương có thương hiệu mạnh nhưng kém hiệu quả, Brahma, thành công ty lớn nhất trong ngành ở cấp độ toàn cầu. Tất cả thành quả này là nhờ vào việc lặp lại “ad nausea”, câu thần chú về văn hóa doanh nghiệp mà Lemann đã áp dụng từ những ngày đầu và lan tỏa khắp tất cả những công ty mà họ đầu tư: chế độ nhân tài, kiểm soát chi phí chặt chẽ, làm việc chăm chỉ và áp lực khủng khiếp mà không phải ai cũng có thể chịu đựng.
Đó chỉ là bước đầu tiên trong hàng loạt hành động của những người Brazil nhằm vào những công ty lớn của Mỹ. Năm 2010, 3G Capital mua quyền kiểm soát chuỗi thức ăn nhanh của Mỹ Burger King với giá 4 tỷ USD. Sau đó 3 năm, 3G Capital tuyên bố mua lại nhà sản xuất thực phẩm Mỹ Heinz với giá 28 tỷ USD với Warren Buffett – tỷ phú người Mỹ xếp thứ 3 thế giới là cộng sự trong thương vụ này.
Mới đây nhất là thương vụ Unilever. Dưới sự hậu thuẫn của 3G Capital cùng tỷ phú Warren Buffet, Kraft đã không ngần ngại đưa ra lời đề nghị mua lại Unilever với mức giá 143 tỷ USD. Đây được cho là giây phút đáng sợ đối với Uniliver khi trên bờ vực bị “nuốt chửng”.
Dù rút lại lời đề nghị mua lại chỉ 48 tiếng sau đó, hành động này chứng tỏ tiềm lực không hề nhỏ của 3G Capital. Nhiều người còn đồn rằng, khi có ai đó hỏi Lemann vụ sáp nhập mà ông mơ ước là gì, Lemann trả lời: “Chúng tôi muốn có Coca Cola”.
Vị tỷ phú kiệm lời, giản dị không ngừng học hỏi
Năm 1999, ba đứa con của ông là nạn nhân của một vụ bắt cóc ở Rio, Brazil. Lái xe của họ bị thương khi những kẻ bắt cóc nổ súng nhưng những đứa trẻ vẫn ổn. Trên thực tế, họ vẫn đi học ngày hôm đó và Lemann đã không bỏ lỡ bất kỳ cuộc họp nào. Từ đó, ông quyết định chuyển cả gia đình sang Thụy Sĩ. Đó cũng là lí do khiến lãnh đạo công ty đầu tư lớn nhưng tỷ phú cực kỳ kín tiếng, khá kiệm lời, đặc biệt là đối với giới truyền thông.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng một năm 2008, được công bố trong tạp chí HSM Management, LeMann cho biết: “Tiền chỉ đơn giản là một cách để đo lường việc kinh doanh tiến triển tốt hay không, nhưng bản thân tiền không thể cám dỗ tôi”.
Ông luôn là người có tác phong giản dị. Ông không có thư ký riêng, không đeo đồng hồ sang trọng hay lái những chiếc xe đắt tiền. Khi có khách đến dùng bữa trưa ở Garantia, ông sẽ cho người phục vụ lui và tự mình phục vụ khách. Khi chào tạm biệt khách đến thăm, ông nhất định tiễn chân họ đến cửa thang máy (hiện tại ông vẫn duy trì thói quen này).
Sự giản dị này có lần đã giúp ông thoát khỏi một tình huống suýt nữa thì nguy hiểm đến tính mạng vào năm 1991. Ông lái xe dọc theo Đại lộ Rio-Santos và dừng tại một trạm xăng. Khi ông đang đổ xăng thì trạm xăng bị cướp, nhưng bọn cướp chẳng mảy may chú ý đến chiếc xe của ông, một chiếc Passat hơn 10 năm tuổi, và Lemann có thể tiếp tục cuộc hành trình một cách bình an vô sự.
Từ những ngày đầu khởi nghiệp, Jorge Paulo Lemann luôn chủ động tìm kiếm người để học hỏi, và lên đường viếng thăm họ: Matsushita, nhà công nghiệp kiệt xuất người Nhật; Sam Walton, nhà bán lẻ với tầm nhìn vĩ đại; Warren Buffett, thiên tài tài chính huyền thoại.
Không dừng lại ở đó, ông cũng tìm kiếm những cách thức để kết nối những con người vĩ đại với nhau; ông không chỉ “mai mối” theo cách truyền thống, mà tổ chức liên hệ giữa những con người “phi thường”, từ đó phát triển một mức độ học hỏi theo cấp số nhân cho mọi người.
Và khi bước vào tuổi ngũ tuần, lục tuần và thất tuần, Lemann vẫn tiếp tục hành trình học hỏi này, luôn tìm kiếm những nhà cố vấn và thầy giáo trẻ tuổi hơn mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo