Văn hóa

Huyền tích kỳ lạ về ngôi đền “phát tích” bài thơ Nam Quốc Sơn Hà

Sự ra đời của ba vị tam công hay gốc tích hình thành bài thơ được người dân nơi đây xem là “nguyên gốc” của Nam quốc sơn hà là những bí ẩn thú vị gắn liền với ngôi đền Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Huyền tích ra đời của ba vị tam công

Nằm giữa cánh đồng lúa xanh mướt, yên tĩnh, ngôi đền Đào Xá (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) vẫn trầm mặc lưu giữ những câu chuyện hư hư thực thực quanh mình. Làng cổ Đào Xá thuộc xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Làng nằm ở phía bờ Tây sông Đà, những người dân trong vùng có lẽ cũng không biết ngôi đền đã yên vị ở đây chính xác là bao lâu. Họ chỉ biết rằng, từng viên ngói, những sắc phong được lưu giữ tại đền đều gắn liền với lịch sử khai hoang, đấu tranh của cư dân Việt với thiên nhiên và giặc giã phương Bắc.

Mỗi câu chuyện được người dân quanh vùng lưu truyền với nhiều huyền tích đầy bí ẩn.

Theo truyền thuyết được lưu truyền ở địa phương và bản thần phả (chép năm Hồng Phúc thứ hai,1573) hiện lưu ở đền làng, vào thời Hùng Vương, vua phái Hùng Hải Công cai quản vùng giáp ranh của ba con sông (sông Đà, sông Hồng, sông Bữa). Hùng Hải Công và vợ là đức bà Trang hoa công chúa lấy nhau đã lâu mà chưa thể có con. Trong một lần, đức ông và đức bà đi thuyền rồng từ Đào Xá lên Thọ Xuyên. Trong thời gian lưu lại nơi đây, đức bà đã nằm mơ sinh ra quý tử. Ít lâu sau, bà thụ thai và sinh ra ba người con trai đặt tên là Đạt Linh Long, Mãn Linh Long và Uyên Linh Long. Các con vừa cất tiếng khóc chào đời thì đức bà hóa thân. Đức ông và ba con sau này đã có công tiêu diệt thú dữ và cùng bà con trị thủy đem lại cuộc sống yên bình cho người dân. Để tưởng nhớ công ơn của Đức ông, Đức bà và 3 người con có công với làng, người dân đã lập đền thờ từ đó.

Đền Đào Xá được người dân trong vùng coi là nơi gắn liền với sự ra đời của bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt.

Ông Nguyễn Hữu Sàn, người từng có 6 năm làm thủ từ đền Đào Xá tự hào kể rằng: “Mỗi năm, xã Đào Xá tổ chức khoảng 11 ngày lễ lớn nhỏ nhằm suy tôn Hùng Hải Công, đức bà Trang hoa công chúa và Tam vị Đại vương - có công giúp dân trị thủy, cùng nàng Quế Hoa”. Tương truyền, trong những ngày Đức bà mang thai, Quế Hoa công chúa bày các trò chơi để mua vui cho bà. Ngày nay, lễ thức chính được tổ chức vào ngày mùng 2 tết. Đến giờ động thổ, chủ đền hay thủ từ xin âm dương, nếu được thì ra cửa đền đốt pháo, giáp đăng cai nổi ba hồi trống rỗi khắp thôn xóm hò reo. Sau khi khấn Thành Hoàng bằng 12 cỗ tế, giáp đăng cai đến nhà người được làm bánh trâu, rước lồng bánh về đền. Mỗi lồng bánh là một con trâu làm bằng 6 đấu gạo nếp đìn (nếp đen) nghiền thành bột.

Trên mỗi con trâu có khắc chữ Xuân ngưu (trâu mùa xuân). Trên bàn thờ đặt hai cái bát nước, một bát đựng quả trứng, bát kia đường chiếc gầu dai bằng giấy cốt tre. Hai người (một nam đại diện giáp đăng cai và bà đồng) nâng lồng bánh trâu múa đối diện nhau. Sau đó, chủ tế vẩy nước ở hai bát vào người múa. Điệu múa truyền thống này được gọi là múa xuân ngưu”. Không chỉ gắn liền với sự tích trị thủy thời Hùng Vương, ngôi đền còn là nơi dừng chân của nhiều đoàn quân giữ nước. Thời nhà Trần, Trần Nghệ Tông đưa quân về đây lánh nạn, chiêu tài hiền sĩ và luyện tập binh mã để đánh Dương Nhật Lễ...

 Ngày 12/8/1945, tại ngôi đình này, Việt Minh và du kích địa phương bắt xử tri huyện Đào Bá Kỷ khét tiếng gian ác trong vùng. Sau Cách mạng tháng Tám, đình là nơi hội họp của cán bộ Việt Minh, nơi tập trung của một số đơn vị thiếu sinh quân, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích chuẩn bị cho các chiến dịch Tây Bắc, hòa Bình, Điện Biên.... Vào ngày 29 tháng 1 năm 1964, cụ Hồ đã vào thăm đền. Đặc biệt, ngôi đền được người dân trong vùng coi là nơi “phát tích” bài thơ Nam quốc sơn hà của người anh hùng Lý Thường Kiệt.

Dấu ấn gắn liền với bài Nam quốc sơn hà

  Ông Sàn cho biết: “Nguyên xã Đào Xá trong một năm có 11 lễ lớn nhỏ. Trong đó có đến 6 dịp lễ được tổ chức liên quan đến đền Đào Xá. Trong đó dấu ấn rõ nhất liên quan đến việc ra đời bài thơ được coi là “tiền thân” của Nam quốc sơn hà là lễ hội bơi trải. Một lễ hội kéo dài nhất trong năm, từ ngày mùng 9/7 đến ngày 16/7 (âm lịch) tại vùng đất cổ Đào Xá”. Trong bản thần tích thờ Đức Hải Công ở đền Đào Xá (xã Đào Xá huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ) có ghi rằng: Vào năm 1076, trên đường đi kinh lý các nơi xem xét địa thế để bố trí lực lượng xây dựng phương án đánh địch, Lý Thường Kiệt đã ngược sông Hồng để nghiên cứu đường thủy nối kinh thành Thăng Long với vùng Tây Bắc, sang Vân Nam (Trung Quốc).

 

Ông Nguyễn Hữu Sàn cẩn thận mở những ghi chép về các ngày lễ.  

Ông đã ghé vào làng Ðào Xá nghỉ chân và xem xét nơi gặp nhau của sông Hồng và sông Ðà. Các bô lão cùng dân làng vui mừng bày tiệc đón Lý Thường Kiệt và cùng ông xây dựng phòng tuyến đánh giặc. Sau khi xong xuôi mọi việc, người anh hùng Lý Thường Kiệt đã vào đình Đào Xá và đền Đào Xá xin các vị thần phù linh hộ quốc. Bất ngờ ban đêm, thần hiển hiện thành rắn lớn, đi thuyền rồng lại cửa đền đọc bốn câu thơ: Nam thiên dĩ định đế Nam quân/ Đại đức giai do đức nhật tân/Thất quận sơn hà đô nhất thống/ Tống binh bất miễn tán như vân. (nghĩa là: Trời Nam đã định vua Nam ta/ Đức lớn ngày thêm đức mới ra/ Bẩy quận non sông về một mối/ Tống binh tan tác tựa mây sa”.

Ngài vừa dứt lời thì từ phía ngoài đầm hiện ra hai thuyền rồng, mỗi thuyền vài trăm người hò reo, bơi thuyền thưởng vào đền. Lý Thường Kiệt tưởng quân nhà Tống bèn bày quân dàn trận ra đánh. Nhưng từ trên thuyền có tiếng: "Thuyền của quan thủy quân đến cùng ông bình Tống, xin đừng ngại". Rồi quân từ hai thuyền lên bờ, tiến vào đền. Quân tướng Lý Thường Kiệt và quan quân trên hai chiến thuyền cùng làm lễ xuất quân đánh giặc.

Theo ông Nguyễn Hữu Sàn, trước kia ở làng Đào Xá có tục bơi chải vào lúc nửa đêm ngày mồng 10/7 âm lịch trên đầm Đào hàng năm, gọi tên là “Lễ hiển Thần phù vua Lý đánh giặc Tống”. Với hai chải của bốn giáp, chải của hai giáp đầu gọi là “chải đực” và chải của hai giáp sau gọi là “chải cái”.

Mỗi chải dài 16m, lòng rộng 1,3m, cao 0,8m, chia làm 12 khoang, do 24 người ngồi hai bên mạn bơi, 1 người cầm lái, 1 người đứng giữa chải cầm mõ chỉ huy bằng hiệu lệnh, 2 người đánh chiêng trống, 1 người cầm bó đuốc, 1 người đứng mũi chải phất cờ. Đúng canh ba thì vào cuộc, hai chải lặng lẽ bơi nhẹ nhàng từ bờ đầm trước cửa đền sang phía dẫy đồi bờ bên kia chừng 1km. Khi có hiệu lệnh gọi thì hai chải quay mũi về đền, nổi chiêng trống hò reo bật đuốc, và bơi thi cật lực. Chải nào đến cửa đền trước sẽ được lĩnh thưởng. Đó là hèm cầu diễn lại cảnh Thần Hải công cai quản đầm Đào Xá, lúc nửa đêm hôm mồng 10 tháng 7 hiển hiện về đền thờ, Ngài ban thơ cho Lý Thường Kiệt. Giặc tan, Lý Thường Kiệt về kinh đô tâu vua, xin phong Hùng Hải Công và tam vị Ðại Vương làm thưởng đấng phúc thần.

Ngày nay, tục bơi chải vẫn còn được diễn ra nhưng vào ban ngày, chải nào có nhiều lần về đích trước thì năm đó, người giáp đó sẽ gặp nhiều may mắn. Chiều ngày 15/7 (Âm lịch), kết thúc hội, làng lập đền tế lễ ở đền hạ. Tục bơi chải của dân làng Ðào Xá vừa là nghi thức lễ cầu mưa, cầu mùa của cư dân nông nghiệp vừa để thể hiện tinh thần thượng võ.

 

Nên đọc
Theo Kiến Thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo