Johnathan Hạnh Nguyễn: Người kết nối Việt Nam với thế giới
Kết nối Việt Nam với thế giới qua đường hàng không
Johnathan Hạnh Nguyễn và gia đình chuyển đến sinh sống tại Philippines từ năm 1974, khi ông mới 23 tuổi. Sau đó, ông theo học ngành hàng không tại Mỹ, trước khi trở thành Giám đốc điều hành Philippines Airlines phụ trách khu vực Đông Dương.
Trên cương vị của mình, Johnathan luôn trăn trở phải làm gì để đóng góp cho quê hương.
Trước năm 1985, việc di chuyển giữa Việt Nam và các quốc gia khác, đặc biệt bằng đường hàng không, là hết sức khó khăn. Việt Nam lúc đó đang tồn tại nền kinh tế bao cấp, và phần lớn các chuyến bay phải đi qua Bangkok, Thái Lan.
Hiểu rõ điều đó, Johnathan biết rằng mình cần phải làm điều gì đó để giúp quê hương phát triển. Năm 1984, ông kết hợp với các đối tác từ Việt Nam khởi động những chuyến bay giữa TP HCM và Manila (Philippines). Đây là bước ngoặt lớn của lịch sử phát triển hàng không Việt Nam cũng như của mối quan hệ Việt Nam - Philippines.
Quyết định của ông được chứng minh là đúng đắn, khi những chuyến bay này đã cải thiện việc đi lại giữa hai đất nước. Bên cạnh đó, thương mại giữa Việt Nam và các nước khác trong khu vực cũng có những bước tiến triển thông qua việc mở rộng hàng không.
Kêu gọi đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Năm 1990, thời điểm Việt Nam và Mỹ bắt đầu tiến trình bình thường hoá quan hệ, Johnathan Hạnh Nguyễn đã đưa ra lời kêu gọi chính thức nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Vào đầu thập kỷ 90, việc thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không dễ dàng. Tại thời điểm đó, môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều rủi ro, và điều này là rào cản lớn đối với các nhà đầu tư nước này. Tuy nhiên, Johnathan đã thành công trong việc thuyết phục họ bằng cách sẵn sàng gánh số nợ nếu xảy ra bất kỳ tổn thất nào.
"Tôi mạo hiểm như vậy bởi tôi nhìn ra được tiềm năng phát triển khổng lồ của Việt Nam", ông chia sẻ. Không tính đường bay Việt Nam - Philippines, dự án trong nước đầu tiên của Johnathan là sản xuất các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu tại thành phố biển Nha Trang. Đây là một thành công lớn với yêu cầu vốn ít, song vẫn cung cấp việc làm cho gần 8.000 lao động địa phương.
Sau thành công này, Johnathan Hanh Nguyen tiếp tục kêu gọi đầu tư nước ngoài với 18 dự án khác trong nhiều lĩnh vực như lắp ráp ôtô, du lịch hay xây dựng trung tâm thương mại với tổng số vốn lên tới 120 triệu USD. Đồng thời, những hoạt động này cung cấp việc làm ổn định cho hơn 20.000 người.
"Vua hàng hiệu" giàu lòng nhân ái
Sống xa tổ quốc hơn nửa cuộc đời, nhưng Johnathan lại cống hiến phần lớn thời gian và sức lực cho đất nước Việt Nam. Không còn trẻ, song ông vẫn muốn tiếp tục cống hiến cho quê hương. Ông nói: "Tôi đã đến nhiều nơi trên thế giới, và tôi hoàn toàn hiểu rằng không nơi đâu bằng quê hương mình".
Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) do Johnathan làm Chủ tịch hiện là doanh nghiệp bán hàng miễn thuế lớn nhất Việt Nam với thị phần 80%. Một số dự án đình đám IPP đầu tư vào bao gồm 2 trung tâm thương mại lớn là Rex Arcade và Tràng Tiền Plaza. Doanh số hàng năm của tập đoàn này tăng bình quân 15%, dự kiến đạt 1 tỷ USD Mỹ vào cuối năm 2016.
IPP là nhà phân phối các nhãn hiệu cao cấp tại Việt Nam như Chanel, Burberry, Cartier, Salvatore Ferragamo, Rolex... 16 trong tổng số 48 thương hiệu do tập đoàn hàng hiệu hàng đầu thế giới LVMH sở hữu đã có mặt tại Việt Nam thông qua IPP.
Mặc dù rất bận rộng với việc kinh doanh, Johnathan luôn tìm cách giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước. Ông đã bỏ ra hơn 18 tỷ đồng vào việc xây dựng nhà cho người nghèo ở các tỉnh Lào Cai, Quảng Trị, Tây Ninh và Đắk Lắk.
Trong 2 năm 2009 và 2011, Johnathan vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Hai. Tháng 5/2012, Hạ viện Philippines vinh danh Johnathan Hạnh Nguyễn vì những đóng góp trong việc thắt chặt quan hệ Việt Nam - Philippines.
End of content
Không có tin nào tiếp theo