Văn hóa

Khai Hội gò Đống Đa

Hôm nay, 23/2 (tức mùng 5 Tết Nguyên đán Ất Mùi), tại Công viên văn hóa Đống Đa, Hà Nội diễn ra Lễ hội gò Đống Đa kỷ niệm 226 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2015).

Tới dự và dâng hương kỷ niệm có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, đại diện lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung Ương và thành phố Hà Nội, các địa phương trong cả nước cùng với đông đảo người dân Thủ đô và du khách.

 

Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 ngày này cách đây đúng 226 năm, trên mảnh đất lịch sử, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ đã hành quân thần tốc, bất ngờ tiến công vào thành Thăng Long, đỉnh cao là trận chiến sáng ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu, chiến thắng hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, kinh thành Thăng Long được giải phóng, đất nước trở lại yên bình.

 

Từ đó, ngày mồng 5 tháng giêng hàng năm đã trở thành ngày kỷ niệm truyền thống thiêng liêng, trọng đại mang nhiều ý nghĩa lịch sử đối với nhân dân ta. Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa là sự hội tụ tinh thần yêu nước, yêu độc lập của dân tộc Việt Nam.

 

Lễ hội Gò Đống Đa được tổ chức trang trọng, thành kính với các nghi thức dâng hương, tế lễ, rước kiệu Vua Quang Trung. Lễ hội kéo dài hết ngày mùng 5 Tết với các chương trình rước rồng lửa Thăng Long, các tiết mục thi đấu võ thuật, cờ người cờ tướng.. thể hiện tinh thần thượng võ, khí thế hào hùng của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử, hào hùng.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội dâng hương tại Lễ kỷ niệm

Mở đầu cho lễ hội là rước kiệu vua Quang Trung và công chúa Ngọc Hân vào làm lễ

Kiệu vua Quang Trung được các thanh niên khiêng tiến vào khu vực tượng đài

Ngay sau kiệu vua Quang Trung là kiệu công chúa Ngọc Hân

Lễ trình kiếm trước tượng đài vua Quang Trung – Nguyễn Huệ

Từng nhóm biểu diễn lần lượt lên lễ trước tượng đài

Các nhóm đứng xếp hàng chờ được lên lễ.

Đoàn đại diện cho võ thuật Bình Định. Bà Hương, là người dân quận Đống Đa, tham gia biểu diễn hai năm nay cho biết, đoàn võ Bình Định có 13 người, phải tập luyện trước Tết để có thể biểu diễn trong ngày lễ hội.

Đội múa sênh tiền theo lối cổ, gồm 6 người vừa đi vào tượng đài vừa múa, tái hiện lại hình ảnh bộ phận ca múa nhạc giải trí cho vua, quan ngày xưa, bà Ngọc Liên, một trong số thành viên đội múa giải thích

Ngoài tổ chức lễ hội gò Đống Đa các màn rước kiệu, múa hát như mọi năm, năm nay khánh thành đền thờ Hoàng đế Quang Trung, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống

Người vào vai vua Quang Trung, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ánh Dương, Nhà hát Tuồng Việt Nam xúc động với vai nhân vật anh hùng của dân tộc

Lớp trẻ cũng tham gia vào lễ hội đại diện cho “quân”. Nhóm “quân” phải tập luyện trong vòng một tháng trước đó. Liên, 16 tuổi đến từ Quốc Oai là một trong số diễn viên đại diện cho nhóm quân của vua Quang Trung cảm thấy “vinh dự khi được chọn tham gia lễ hội”. Nhưng khi được hỏi về lịch sử của gò Đống Đa cũng như lễ hội thì Liên ngập ngừng không rõ. Theo Liên “Chúng em là khóa quân đầu tiên, em mới chỉ được học múa để biểu diễn chứ cũng chưa được học sâu hơn”

Ngoài phần nghi lễ, màn trống hội đã tái hiện hình ảnh Vua Quang Trung oai phong ra trận, chiến thắng giòn giã, đem cành đào về tặng cho công chúa Ngọc Hân

Từ sáng sớm, mọi người từ khắp nơi đến lễ hội rất đông, ngồi kín quanh khuôn viên đền thờ

Mọi người tranh thủ lên gò Đông Đa để xem và lễ

Hồng Trang
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo