Văn hóa

Khám phá lễ hội ăn cốm mới của người Ba Na ở Bình Định

Lễ hội ăn cốm mới vừa mang tính chất gia đình – gia tộc – dòng tộc lại vừa thể hiện tính cộng đồng cao, đậm nét, đó là một nét văn hóa đặc trưng của người Ba Na (Bình Định).

Lễ hội ăn cốm lúa mới của người Ba Na là một trong những lễ hội lớn trong năm, mang ý nghĩa thiêng liêng giống như Tết Nguyên đán của người Kinh.

Vào tháng 11 Dương lịch, khi cây rừng trút lá, chuẩn bị khoác lên mình chiếc áo màu xanh của chồi non, lộc biếc, khi tiếng chim tel báo hiệu lúa trên rẫy đã chín vàng, đó cũng là lúc các làng người Ba Na tất bật chuẩn bị lễ hội ăn cốm mới.

Khi những bông lúa vừa ngả vàng trên cánh đồng, người Ba Na đã chọn những bông lúa chắc hạt, đem về rang nóng lên và giã thật kỹ. Thế là được mẻ cốm nóng giòn, thơm mùi lúa mới. Cốm này được cất kĩ, để dành cho lễ ăn cốm lúa mới.

Trước ăn tết chính một hai ngày không khí trong các làng kẻ vào người ra, kẻ về người đi thật nhộn nhịp, tiếng chào hỏi, tiếng cười nói râm ran. Nhà nào nhà nấy chuẩn bị cho ngày ăn tết thật kỹ càng và chu đáo. Con gà, con heo sẵn trong chuồng, thịt chim thú các loại phơi bày trên giàn bếp; các loại ghè rượu ngon sắp đặt ngay ngắn quanh cột rượu gia đình… tất cả sẵn sàng phục vụ cho ngày tết. Chị em mang những trái bầu to nhất ra đầu nguồn nước, múc nước về dùng. Các món ăn truyền thống được nấu lên, thơm lừng. Lúc này, cốm mới được mang ra, bày lên mâm cúng tổ tiên. Những ngày này, trong gia đình có người ở xa thì cũng phải về, tề tựu đông đủ trong bữa cơm cuối năm này.

Lễ hội cốm mới của người Ba Na.

Ngày ăn cốm mới, người Ba Na khoác vào bộ quần áo tươm tất nhất. Trước khi tới nhà rông, từng gia đình cúng ở nhà mình. Lễ bắt buộc phải có con gà, rượu, cơm mới, và cốm. Nhà nào khá thì mổ heo. Ông chủ nhà khấn khứa xong, lấy móc (cốm) bỏ vào mâm, cả nhà cùng ăn. Hôm sau mới là ngày mời bà con. Xong bữa cơm gia đình, cả nhà ra nhà rông. Nếu hôm đó nhà có khách, khách cũng được mời ra nhà rông. 

Trời vừa chạng vạng, trên nhà rông, già làng đánh hồi một trống pơnưng, giục các gia đình cõng rượu ra tập hợp tại nhà rông. Nhà nào cũng chọn ghè rượu ngon nhất, mang ra buộc ngay ngắn tại cột rượu của gia đình tại nhà rông. Già làng đánh hồi trống thứ 2, khách được mời lên nhà rông. Già làng cúng Giàng, cầu xin cho dân làng một năm mới bình an, khỏe mạnh, thóc lúa đầy chòi, nhiều gà, nhiều heo. Chủ và khách cùng vít cong cần rượu trong tiếng trống chiêng rộn ràng, qua nửa đêm đến gà gáy, tới tận khi cả chủ và khách đã ngà ngà say. Chuỗi ngày vui tưng bừng khắp làng trên, xóm dưới bắt đầu.

Sáng hôm sau, đoàn người gồm già làng dẫn đầu, theo sau là những cô gái xinh đẹp được chọn lựa cõng gùi đến từng nhà chúc tết. Đội cồng, đội chiêng cùng đi. Trẻ con nô nức theo sau.

Đến mỗi nhà, gia chủ sẽ bỏ vào gùi của các cô gái những đồ ăn đã chuẩn bị trước, góp để tổ chức ăn tết chung tại nhà rông. Nhà có trứng gà thì cho trứng gà, có thịt heo thì cho thịt heo, thịt khô, con chuột...

Tiếng trống chiêng rộn ràng trong ngày lễ hội.

Nhà già làng là điểm dừng chân đầu tiên. Đến nhà nào già làng cũng phải cúng làm phép, chúc gia đình mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Thời gian đoàn người dừng lại ở mỗi nhà từ 15-20 phút, có khi tiếng, để chủ nhà chuốc rượu. Người này vốc cả nắm cốm bỏ vào miệng người kia, trong tiếng reo hò của mọi người xung quanh. Cốm càng rơi vãi, tiếng reo hò càng lớn. Người Ba Na cho rằng, dù cốm có vung vãi ra đầy nhà thì cũng không được quét dọn, quét là mất lộc: Ăn cốm là phải ăn phung phí. Cứ bốc ăn. Nếu có thịt kho nữa càng ngon. Thế mới là lễ lúa mới. Vung vãi ra nhà càng nhiều thì càng làm ăn được, để một ngày sau mới quét. Ăn vãi, hy vọng mọi năm thức ăn cũng dư thừa như thế.

 

Đi hết một vòng các nhà trong làng, đoàn người mang đồ ăn về tập trung tại nhà rông, làm cơm cúng Giàng. Nhà nào cũng muốn đoàn lưu lạ  nhà mình lâu một chút, nên có năm, 3 ngày mà đoàn người vẫn chưa đi hết lượt nhà.

Từ nhà Rông về bây giờ cả chủ lẫn khách đã ngà ngà say. Một ghè rượu to và ngon nhất được gia đình đem ra buộc vào cột rượu gia đình, gọi là: Chơ mrưng sơ drô cúng mừng năm mới. Ông chủ nhà mời khách và chủ nhà đến cầm cần rượu. Bây giờ gia đình mới đổ rượu mừng lễ hội, ông chủ làm thủ tục cúng, chúc mừng năm mới, chúc mừng mọi người làm ăn no đủ, mạnh khỏe và hạnh phúc. Mọi người ngồi quanh ghè rượu thay phiên uống, lần lượt từ người này đến người khác, từ già cho đến người trẻ, ai không biết uống cũng phải uống phép vài ngụm; trẻ con đang bú, người mẹ nhỏ một giọt nước rượu vào đầu ngón tay rồi xoa vào trán bé, như vậy cũng gọi đã có uống rồi. Mọi người say sưa uống rượu, vừa uống vừa hát hò, nói chuyện vui vẻ. Uống càng nhiều, men rượu càng thấm rồi say. Người nào còn uống được thì uống, không uống được nữa thì ngủ. Uống nhạt ghè rượu này, gia đình tiếp tục lấy ghè rượu khác. Uống rượu gia đình này chưa xong họ lại được mời đến uống rượu tại gia đình khác, cứ như thế họ uống suốt ngày

Lễ hội ăn cốm lúa mới hay ăn Tết Nguyên đán là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm nét đặt trưng của dân tộc Việt Nam nói chung, cộng đồng người Ba Na nói riêng.

Nên đọc
Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo