Văn hóa

Khám phá lễ mừng cơm mới của người Giẻ Triêng

Lễ mừng cơm mới (hay còn gọi là lễ mừng lúa mới) là một phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc sống trên dải Trường Sơn. Với tộc người Giẻ Triêng, lễ mừng cơm mới là một trong những lễ hội tiêu biểu, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc bản địa.

Người Giẻ Triêng còn lưu giữ nhiều lễ hội, trong đó có lễ hội mừng cơm mới. Cũng giống như các dân tộc khác ở vùng đất Tây Nguyên, lễ mừng cơm mới của người Giẻ Triêng thường được tổ chức sau mùa thu hoạch vào dịp cuối năm. Lễ mừng cơm mới có ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Giàng (Trời) ban cho dân làng và tập tục cúng Giàng, cúng các vị thần linh như cúng trời đất, các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng no ấm.

Lễ cúng mừng cơm mới vừa diễn ra trong khuôn khổ cộng đồng, là niềm chung vui của tất cả dân làng, vừa được tổ chức tại từng gia đình. Thông thường, sau khi cúng Giàng và ăn mừng lúa mới tại nhà, các gia đình mang cơm, thịt, ống cá nướng đến nhà Rông dâng cho Giàng phần lúa mới của gia đình mình. Bên mâm cơm cúng Giàng, nghệ nhân Y Loan, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum giới thiệu về các món ăn cúng Giàng trong lễ mừng cơm mới: Đây là rau dớn nấu với cá và luộc bằng ống nứa. Còn đây là cơm lam để dành cho những ngày lễ lớn như hôm nay. Đây là cá được ướp sẵn gia vị rồi quấn lá chuối nướng lên vừa chín tới, còn kia là thịt heo luộc băm với lá mì chua, tất cả được dâng lên.

Người dân tộc Giẻ Triêng.

Khi lễ vật bày ra đầy đủ cũng là lúc già làng khấn vái, mời các vị thần xuống ăn cơm mới, ăn thịt, uống rượu, phù hộ các gia đình, buôn làng mùa vụ mới làm ăn khá giả, được mùa, thú rừng không phá phách, người làng mạnh khỏe, bệnh tật không còn.

Ông Hoàng Huy Quyền, cán bộ phụ trách công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum, cho biết lễ mừng cơm mới của người Giẻ Triêng có thể được xem là ngày hội ra đời sớm nhất, lâu đời nhất, mang đậm dấu ấn của nền văn hóa nương rẫy, ngày mùa. Lễ mừng cơm mới của dân tộc Giẻ Triêng vừa có nét tương đồng vừa có những nét khác lạ so với các đồng bào dân tộc khác ở Tây Nguyên. Ngoài cách trang trí mâm cơm, cách bài trí trong nhà Rông với nhiều màu sắc, thể hiện cho muôn vật xung quanh sinh sôi phát triển, già làng còn làm lễ ném hạt lúa thiêng. Những hạt lúa này được góp từ các hộ gia đình trong buôn, với ý nghĩa trân trọng, nâng niu hạt lúa, hạt ngọc của Trời: Khi già làng ném hạt gạo lên thì mọi người đều đưa tay ra bắt. Theo quan niệm của người Giẻ Triêng, người nào bắt được 2-4-6 hay 8 hạt thì người đó sẽ gặp nhiều may mắn. Người đó sẽ ăn những hạt gạo đó với niềm tin hạt gạo đó sẽ đem lại may mắn cho mình. Đây là nét đặc trưng trong lễ mừng cơm mới của người dân tộc Giẻ Triêng mà các dân tộc khác không có.

Bà con trong lễ mừng cơm mới - Ảnh Tư liệu.

Sau lễ cúng, già làng cất tiếng hú vang, chiêng trống nổi lên sôi động, phụ nữ, thanh niên, vui mừng nhảy múa. Tiếng cồng chiêng, nhịp điệu vòng xoay và những tiếng hú tạo không khí sôi động, hào hứng... Những khuôn mặt tươi rói, tràn đầy hy vọng về một mùa lúa bội thu, no đủ.

Người Giẻ Triêng quan niệm hoạt động lao động sản xuất của con người cũng như vòng đời của cây trồng, thường kéo dài trong 9 tháng, thời gian còn lại dành để nghỉ ngơi, dành cho lễ hội. Vì vậy, hoạt động ca hát nhảy múa thường kéo dài trong nhiều ngày. Trước đây, lễ hội mừng cơm diễn ra linh đình, bà con các dân làng Giẻ Triêng làm lễ tạ ơn thần Lúa rất to, bếp nhà nào cũng đầy chiêng, ché gạo nếp, thịt rừng đầy sàn, đầy sân, khói lam quyện trong bếp từ lúc sương sớm đến lúc chiều tà. Tuy nhiên, hiện nay, cùng với sự thay đổi kinh tế - xã hội, các lễ hội nói chung, lễ mừng cơm mới nói riêng ở các buôn làng người Giẻ Triêng cũng có nhiều thay đổi, theo hướng đơn giản hơn. Nhiều nơi không còn tổ chức các lễ hội truyền thống mà được thay bằng những lễ nghi tôn giáo mới.

Dân tộc Giẻ Triêng là một trong những dân tộc có văn hóa rất độc đáo và giàu bản sắc. Di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng vừa mang dấu ấn của cư dân Tây Nguyên vừa in đậm sắc thái Trường Sơn. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, gìn giữ những tục lệ độc đáo của đồng bào Giẻ Triêng, đã và đang được các địa phương đặc biệt quan tâm, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

 

Nên đọc
Theo VOV5
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo