Văn hóa

Khám phá nhà thờ cổ bậc nhất tỉnh Phú Yên

(DNVN)-Tọa lạc tại xã An Thạch, H.Tuy An (Phú Yên), cách TP.Tuy Hòa khoảng 35 km về phía bắc, nhà thờ Mằng Lăng là một trong những nhà thờ cổ nhất ở Việt Nam. Đây cũng là nơi đang lưu giữ cuốn sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của nước ta.

Đây là nhà thờ thuộc Giáo xứ Mằng Lăng, là nơi sinh của Chân phước Anrê Phú Yên, một trong những vị tử đạo bổn mạng của giới trẻ Công giáo. Nhà thờ hiện nay cũng là nơi hành hương vào dịp lễ kỷ niệm Chân phước Anrê Phú Yên và thánh lễ cầu cho giới trẻ Công giáo Việt Nam. Với lịch sử gần 120 năm tồn tại, nhà thờ Mằng Lăng được coi nhà thờ cổ nhất tỉnh Phú Yên và là một trong những nhà thờ lâu đời nhất của Việt Nam. Nhà thờ là điểm đến khá thu hút khu du lịch mỗi khi ghé thăm thiên đường du lịch Phú Yên.

Nhà thờ Mằng Lăng cổ kính tọa lạc tại thiên đường du lịch Phú Yên.
Nhà thờ Mằng Lăng cổ kính tọa lạc tại thiên đường du lịch Phú Yên.

Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng năm 1892, trong khuôn viên rộng khoảng 5.000 m², rợp bóng cây xanh. Công trình được thiết kế theo lối kiến trúc Gothic với nhiều hoa văn trang trí hài hòa, giản dị nhưng tôn nghiêm; điểm cao nhất nhà thờ là hai tháp chuông, chính giữa là thập tự giá. Nhìn bên ngoài, nhà thờ Mằng Lăng có màu xanh xám, nằm lặng lẽ giữa một vùng quê yên ả tạo nên một khung cảnh yên bình khó tả. Hành lang nhà thờ được thiết kế giống hình búp măng cách điệu. Khu thánh đường với không gian khoáng đạt, khi ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua các vòm cửa tạo nên một cảnh sắc rực rỡ, đẹp mắt. 

Kiến trúc đầy cổ kính, thoáng đạt của nhà thờ Mằng Lăng.
Kiến trúc đầy cổ kính, thoáng đạt của nhà thờ Mằng Lăng.

Nhà thờ nhỏ nhưng có khuôn viên thoáng mát rợp cây xanh. Tước sân còn có một khu hầm nhỏ, được xây dựng khá kỳ công trong lòng một quả đồi giả. Bên trong hầm có nhiều điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anre Phú Yên. Theo các bậc cao niên ở An Thạch, cách đây hơn 100 năm, khu vực An Thạch rất ít dân cư, phủ kín cây rừng, trong đó có một loại cây mọc rất nhiều, tán phủ rộng, lá cây hình bầu dục, hoa mọc chùm nở ra màu tím hồng gọi là mằng lăng. Hiện dấu vết khu rừng mằng lăng ấy không còn, nhưng ngôi nhà thờ vào thời điểm ấy đã được đặt tên theo loại cây quý này. Thực tế, trong nhà thờ ngày nay còn giữ một bàn gỗ mặt tròn làm bằng gỗ mằng lăng từ thuở vừa xây dựng, có đường kính đến 1,5m.

cs
Nơi đây đang lưu giữ quyển giáo lý Phép giảng tám ngày của Linh mục Đắc Lộ - người khai đã sinh ra chữ quốc ngữ ở Việt Nam.

Hiện nay, nơi này vẫn đang giữ cuốn sách đầu tiên được in bằng tiếng Việt. Đây là quyển giáo lý Phép giảng tám ngày của Linh mục Đắc Lộ (người dân địa phương gọi là cha Đắc Lộ) - người khai đã sinh ra chữ quốc ngữ ở Việt Nam.

Cuốn sách được trưng bày dưới một khu hầm nhỏ trước sân nhà thờ. Khu hầm được xây dựng khá kỳ công trong lòng một quả đồi giả. Bên trong hầm có nhiều điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anre Phú Yên. Cuốn sách được giữ trang trọng một cách đặc biệt trong một hộp kính, sách được in năm vào năm 1651 tại Roma (Italia).

Cuốn sách còn nguyên vẹn, được trưng bày trang trọng trong một hộp kính, du khách đến đây có thể đọc trang đầu tiên của quyển giáo lý được thể hiện dưới dạng song ngữ gồm tiếng Latin bên trái và tiếng Việt bên phải.

 

Đến thăm nhà thờ Mằng Lăng cổ kính với kiến trúc độc đáo, tận mắt chứng kiến cuốn sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của nước ta chắc chắn sẽ mang lại nhiều điều thú vị và ý nghĩa trên hành trình khám phá của mỗi người.

Tròn Tròn (TH)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo