Khám phá

“Dải lụa xanh” uốn quanh Ngọc Long Tuyết Sơn

Nếu như dãy núi Ngọc Long Tuyết Sơn (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) như con rồng màu trắng bạc bay lượn dưới gầm trời, thì ngay dưới chân núi cũng có một dải lụa xanh uốn quanh, đó là Lam Nguyệt Cốc.

Bình yên ở làng cổ nơi miền sơn cước Quảng Nam / Tam quốc diễn nghĩa: Lời không được nói tùy tiện, người không được sống tùy ý, việc không được làm "tùy tâm"

Ngọc Long Tuyết Sơn hùng vĩ nhìn từ Lam Nguyệt Cốc.

Hai sắc xanhtương phản

Ngọc Long Tuyết Sơn là ngọn núi tuyết cao thứ 71 thế giới. Dãy núi có 12 đỉnh núi, đỉnh cao nhất là Phiến Tử Đẩu cao 5.596m. Ngọc Long Tuyết Sơn tuyết phủ quanh năm nên phần thân núi có màu xanh lam đặc trưng của đá, phần đỉnh có màu trắng xóa của băng tuyết.

Tuy nhiệt độ khá thấp nhưng thảm thực vật dưới chân núi lại rất phong phú, có cả cây ôn đới, nhiệt đới và hàn đới. Di chuyển bằng cáp treo bên bờ sông Kim Sa, có thể thấy thảm thực vật xanh tốt, bạt ngàn, thấp thoáng là những khu dân cư nhỏ của người Nạp Tây.

Lam Nguyệt Cốc nằm ở phía bắc Cam Hải Tử, phía nam của Vân Sam Bằng, có 4 hồ kết lại với nhau như một vầng trăng khuyết có màu xanh ngọc bích, nhờ vậy mà được gọi là Lam Nguyệt Cốc (thung lũng trăng xanh). Bốn hồ nước gồm Ngọc Dịch, Kính Đàm, Thính Đào và Lam Nguyệt như bốn chiếc gương lớn soi bóng núi tuyết Ngọc Long hùng vĩ. Thung lũng trăng xanh còn có những bậc thang bằng đá màu nâu. Những bậc thang đó lại chia thành từng vách nhỏ để nước chảy xuống róc rách, thơ mộng. Nước trong hồ có màu xanh ngọc bích đặc trưng và trong vắt vào các ngày nắng, tuy nhiên, vào ngày mưa thì nước lại chuyển sang màu trắng.

Khí hậu ở Lam Nguyệt Cốc rất tuyệt, mùa hè khoảng 25oC, do địa hình cao mà Lam Nguyệt Cốc đón ánh nắng chói chang nhưng ấm áp, độ ẩm thấp.

 

Những thác nước “mini” được nuôi dưỡng từ băng tan trên đỉnh Ngọc Long.

Địa danh chụp ảnh cưới nổi tiếng

Theo lời kể của người dân địa phương, ở Lam Nguyệt Cốc xưa kia có một cặp đôi người Nạp Tây yêu nhau. Chàng trai muốn thể hiện tình cảm với cô gái sẽ phải đứng chân trần dưới dòng nước lạnh trong thung lũng vào mùa đông, đây là thử thách để chàng trai thể hiện tấm chân tình với cô gái. Nếu như vượt qua được thử thách này trước sự chứng kiến của núi thánh Ngọc Long, đôi trai gái sẽ được hạnh phúc vĩnh cửu.

Bởi vậy, nhiều đôi trai gái đi cáp treo lên độ cao tương đối trên Ngọc Long Tuyết Sơn để lưu giữ những bức ảnh hôn nhân, cho dù không khí trên đó khá loãng, bắt buộc phải mang theo bình ô xy và áo khoác chống lạnh chuyên dụng. Mùa chụp ảnh cưới tất bật nhất với các thợ ảnh là mùa xuân và mùa thu, khi lá non mơn mởn xanh hoặc khi thảm thực vật chuyển sang màu vàng, xào xạc.

Một dịch vụ khác liên quan đến chụp ảnh mới hình thành gần đây là cưỡi và chụp ảnh với bò Tây Tạng (hay còn gọi là bò Yak), một loài bò sống ở vùng lạnh dọc khu vực dãy núi Himalaya, cao nguyên Thanh - Tạng và Mông Cổ. Bò Tây Tạng cao chừng 1,5m đến 2m, màu trắng hoặc nâu, đen, có bộ lông dài, dầy và mượt, cặp sừng uốn lượn rất đẹp. Giá thuê bò vào khoảng 10 - 15 nhân dân tệ tùy vào từng chủ bò. Việc lưu giữ những bức ảnh trên lưng bò Tây Tạng, phía sau là Ngọc Long Tuyết Sơn, là điều mà bất kỳ du khách nào cũng muốn có được.

Một người phụ nữ cưỡi bò Tây Tạng ở Lam Nguyệt Cốc.

Cả Ngọc Long Tuyết Sơn và Lam Nguyệt Cốc thường nằm trong tour Lệ Giang - Shangri La vì khá gần nhau, một số tour có thêm thành cổ Đại Lý và khu rừng đá Thạch Lâm. Đặc biệt, tại công viên Ngọc Long, du khách có thể đăng ký thưởng thức nhạc kịch “Ấn tượng Lệ Giang” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu với sự tham gia của 500 vũ công và 200 ngựa ở sân khấu ngoài trời. Nhạc kịch dài hơn một giờ rưỡi, tập trung quảng bá văn hóa của Lệ Giang, người dân tộc Nạp Tây trước cảnh núi non hùng vĩ Ngọc Long. Mỗi ngày “Ấn tượng Lệ Giang” có 3 suất diễn vào lúc 9h, 11h và 14h.

 

Du lịch Vân Nam là sự lựa chọn hàng đầu của người Việt Nam khi đến Trung Quốc bởi Vân Nam ở sát biên giới Việt Nam tại Lào Cai (qua cửa khẩu Hà Khẩu), có thể đi tàu hỏa, khí hậu mát mẻ, chi phí thấp và có nhiều màu sắc văn hóa từ các dân tộc thiểu số như dân tộc Nạp Tây, dân tộc Di, dân tộc Bạch, dân tộc Thái...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm