“Điệp viên” trong lịch sử Việt Nam có từ khi nào
Sự thực về người hùng Do Thái là gián điệp Anh / Đâu là thánh địa mới của gián điệp thế kỷ 21?
Trong binh pháp của Tôn Tử, chương 13 chính là dạy cách dùng gián điệp. Vị thầy binh pháp nổi tiếng của nước Ngô cuối thời Xuân Thu viết: “Các bậc vua sáng tướng tài, sở dĩ dấy binh thắng địch, thành công hơn người, đó là nhờ biết trước vậy. Biết trước đây, không phải nhờ quỷ thần mách bảo, không phải nhờ so sánh các việc tương tự mà tìm biết được, phải nhờ người mà biết được tình hình của quân địch”.
Lịch sử nước ta cũng ghi nhận việc sử dụng gián điệp từ hàng nghìn năm trước. Tiêu biểu như việc vua Nam Việtsai con trai là Triệu Đà sang làm rể của vua Thục An Dương Vương, nhằm mục đích chính là tìm hiểu tình hình nước ta rồi sau đó thôn tính.
Các triều vua ta cũng chú trọng việc do thám tình hình phương Bắc. Như thời Vua Lê Đại Hành, năm 1000, “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Vua sai Ngô Tứ An đi tuần miền Bắc để xem tình hình biên giới”.
Thời Trần cũng vậy, trước hiểm họa xâm lăng của quân Mông Cổ đang lăm le xâm lược nhà Tống ở Trung Quốc, các vua Trần đầu tiên đều luôn quan tâm theo dõi tình hình chiến sự giữa Tống, Mông Cổ. Tuy nhiên, lúc đó, Đại Việt đang có quan hệ ngoại giao chặt chẽ với nhà Tống, nên các phái đoàn ngoại giao cũng nắm luôn trách nhiệm theo dõi tình hình để báo cáo triều đình. Mặc dù vậy, khi lần đầu sứ Nguyên sang nước ta vào tháng 8 năm Nguyên Phong thứ 7 (1257), họ đi theo đường Vân Nam, nên chủ trại Quy Hóa (vùng Lào Cai, Yên Bái ngày nay) là Hà Khuất, người được triều đình giao cai quản miền biên ải đã sai chạy trạm tâu với triều đình việc sứ Nguyên sang. Sau những tin tức này, triều đình lập tức xuống chiếu cho tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngoài ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Đến thời Trần Thánh Tông, vào tháng 2/1267, triều đình cho thủy quân lộ Đông Hải đi tuần biên giới đến núi Ô Lôi (thuộc địa phận huyện Khâm ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), nhờ đó biết được kỳ hạn quân Nguyên sang xâm lược để sẵn sàng đề phòng.
Tên vị điệp viên hay thời xưa vẫn gọi là “thám tử” đầu tiên được chính sử nước ta nhắc đến, được cử sang Trung Quốc dò la tin tức, là Đào Thế Quang. “Toàn thư” viết: “Bảo Phù năm thứ 4 (1276, tức đời vua Trần Thánh Tông), mùa xuân, tháng 2, sai Đào Thế Quang sang Long Châu mượn cớ đi mua thuốc để thăm dò tình hình người Nguyên”.
Đến đời Vua Trần Nhân Tông, trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, vào tháng 8/1282, triều đình nhận được tin tức do thú thần Lạng Châu (Lạng Sơn ngày nay) là Lương Uất báo rằng, Hữu thừa tướng Nguyên là Toa Đô đem 50 vạn quân, nói phao là mượn đường đi đánh Chiêm Thành, nhưng thực ra là sang xâm lược nước ta. Nhận tin này, tháng 10, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Vua Trần Nhân Tông đã tổ chức hội nghị các vương hầu và trăm quan ở Bình Than để bàn kế sách chống giặc.
Trong các cuộc chiến thời kỳ nhà Lê và nhà Mạc phân tranh hay giữa hai họ Trịnh - Nguyễn, hai bên đều ra sức sử dụng thám tử để dò la tin tức của nhau. Năm 1660, chính sử ghi lại sự kiện thám tử của chúa Nguyễn ra Bắc dụ dỗ trấn thủ các trấn Sơn Tây, Hải Dương làm phản chúa Trịnh, đồng thời các thám tử còn lên miền núi phía Bắc dụ dỗ họ Vũ ở Tuyên Quang và họ Mạc ở Cao Bằng cùng nổi dậy chống triều đình Lê - Trịnh, nhưng không thành. Còn một trận đánh quan trọng trong cuộc chiến Trịnh - Nguyễn vào mùa thu năm 1657 cũng ghi rõ dấu vết của thám tử. Đó là khi quân Trịnh do chúa Trịnh Căn thống lĩnh vào chiến trường Nghệ An đánh quân Nguyễn. Trịnh Căn cho tướng Thắng Nham đóng ở lũy Đồng Hôn (xã Mỹ Dụ, huyện Hưng Nguyên thời đó). Chỗ ấy đất ẩm thấp, mùa thu lụt, sợ bị quân Nguyễn đánh úp, bàn đem đồn dời đóng ở dưới núi đất.
Theo bộ sử “Đại Nam thực lục” chép: “Thám tử đem tin báo với Nguyễn Hữu Dật. Hữu Dật bảo Nguyễn Hữu Tiến rằng: “Tôi đã suy tính rồi, đến ngày 25, tất có nước lụt, có thể nhân dịp ấy đánh úp đồn của Thắng Nham, tất là phá được”. Đến ngày ấy, quả nhiên mưa to gió lớn, nước sông đầy tràn. Hữu Dật dẫn quân đánh thẳng vào lũy Đồng Hôn, nhân nước lụt, đánh phá được. Thắng Nham lên núi đất chạy trốn. Quân Nguyễn thu được khí giới rất nhiều.
Sử triều Nguyễn cũng cho biết, vào tháng 4/1682, cũng có bọn thám tử từ Đông Đô về nói rằng ngoài Bắc Hà, ở Cao Bằng và Hải Dương có biến động, chúa Trịnh Tạc phải chia quân đi chống cự, Đông Đô bấy giờ bỏ không. Chúa Nguyễn Phúc Tần lúc đó cũng muốn đánh Bắc Hà, nhưng rồi vì quân lương chưa đủ bèn thôi.
Sách “Lịch triều tạp kỷ” của Ngô Cao Lãng đã chép khá cụ thể về hành trạng của hai thám tử của chúa Nguyễn. Vào thời Vua Lê Dụ Tông, năm Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714). Sách viết: “Tộ quốc công (tức chúa Nguyễn Phúc Chu) bấy giờ đương tuổi cường tráng, tự cậy xứ mình giàu có, có ý dòm ngó triều đình Bắc Hà (nguyên văn viết là “trung triều”). Khi đó, chúa Trịnh Cương giao cho Trung quận công Lê Thì Liêu lấy tư cách là lão tướng trấn giữ Nghệ An, phòng thủ một cách cẩn mật, cho nên tình hình của triều đình Bắc Hà thế nào, phía Nam Hà không thể do thám được. Tộ quốc công bèn bí mật sai bọn khách buôn Phúc Kiến là tên Bình và Quý, theo đường Lưỡng Quảng mà sang Nam Quan, Lạng Sơn, rồi lén vào kinh thành Thăng Long và các trấn để dò la việc nước và tình hình quân sự”.
Đến phần ghi chép vào năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716), sách cho biết tiếp về cách những thám tử này hoạt động ở Thăng Long: Năm ấy, bọn tên Bình và Quý, người khách Phúc Kiến, mà trước đây Tộ quốc công phái ra Bắc Hà dò thám, nhằm tháng 2 nhuận, hiện đã đến kinh thành Thăng Long, ngụ tại chợ Cầu Động (Hàng Đường, Hà Nội ngày nay). Chúng dựa vào tên thông ngôn là Bàng, mon men đến nhà Thái tể Diên quận công Trương Dự, vì làm thuốc hay, được khoản đãi và được ở lại trong kinh thành. Chúng lại nói chuyện địa lý (tức là chuyện phong thủy theo cách nói ngày nay) với Trương Công Giảng, thường đi lại chơi đây đó để xem đất, do đó chúng dò biết được đại khái về tình hình quan lại, quân sự và dân sự ở kinh đô và các xứ. Ở lại vài tháng, bọn Bình, Quý theo đường Sơn Nam đi vào Nghệ An. Bấy giờ trấn quan ở Nghệ An là Lê Thì Liêu ra lệnh nghiêm cấm chặt chẽ, bọn Bình, Quý không có giấy thông hành, không thể vào được châu Bố Chính (giáp đất Nam Hà). Tháng 9 năm ấy, chúng trở lại Thăng Long, đi đường bộ lên Lạng Sơn, theo cửa Nam Quan sang Lưỡng Quảng, rồi ra biển, đi ghé thuyền buôn theo đường biển về Phú Xuân.
Sang năm 1727, Ngô Cao Lãng tiếp tục viết về hành tung của hai người do thám này: Bọn tên Bình và tên Quý mà trước đây Tộ quốc công cho đi dò thám tình hình Bắc Hà, hiện nay đã đến Phú Xuân, trình bày với chúa Nguyễn mọi chuyện. Theo ghi chép trong sách thì tác giả họ Ngô có lẽ cũng “phóng bút” khi những tin tức mà hai thám tử này báo cáo với chúa Nguyễn tới toàn là lời khen triều đình Bắc Hà, rằng: “Chúa Trịnh ở trong kinh đô là người sáng suốt quả quyết, lại biết trọng dụng các nho thần như Đặng Đình Tướng là người chính trực thì làm thiếu phó (trước đó, Đặng Đình Tướng từ chức Tả thị lang bộ Lại được chuyển sang ngạch võ quan làm Tả đô đốc, đi làm trấn thủ Sơn Nam), Nguyễn Mại là người anh kiệt thì làm trấn thủ (lúc đó, Nguyễn Mại mới được bổ nhiệm làm Trấn thủ Sơn Tây). Vả lại, chúa Trịnh (Trịnh Cương) thân hành đi duyệt thủy trận, bộ trận, thao luyện lính súng, quân đội đều có phép tắc”.
Các thông tin về tình hình quân sự ở Đàng Ngoài cũng được thông báo rất cụ thể cho chúa Nguyễn như được chép trong sách: Ở kinh đô, dưới quyền đề đốc và thị vệ có nhiều quân quan và voi ngựa. Bốn trấn lớn (Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam) và Thanh Hóa đều có kho quân nhu. Đồn và doanh trại ở Nghệ An quân lính dưới quyền 18 quận công và các đề đốc có độ 7, 8 nghìn người. Ba đại doanh ở Bố Chính có chừng 3.000 quân. Mọi việc trên đây cho đến số mục chiến thuyền và binh lương đều nhất nhất trình bày sơ qua cả. Tộ quốc công nhân đó mới biết là triều đình Đàng ngoài đang cường thịnh, nên mới chịu thôi âm mưu dòm ngó ra Bắc.
Những chuyện này, lại không được bộ chính sử triều Nguyễn là “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi chép.
Trong chiến tranh giữa chúa Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn, năm 1795, khi tướng Võ Tánh bị quân Tây Sơn vây ở thành Diên Khánh, đã sai thám tử vượt vòng vây đến hành của chúa Nguyễn Ánh, báo tin rằng Võ Tánh bị ốm nhẹ, tướng sĩ cũng nhiều người ốm. Chúa Nguyễn Ánh tức thì lấy thuốc thang mật gửi cho Tánh và dụ rằng: “Khanh nên khéo tự điều trị cho sớm lành để cùng ta trả thù cho tổ tông xã tắc, cho thần dân hả giận, chứ lại chỉ khư khư giữ lấy một cái thành nhỏ hay sao? Ta nghĩ một mình khanh còn hơn trăm thành Diên Khánh”.
Chúa Nguyễn Ánh rất coi trọng vai trò của thám tử. Trong lời dụ Khâm sai cai cơ chi Dũng nghĩa thượng đạo Phú Yên là Nguyễn Văn Nguyện năm 1798, đã dặn ông này rằng: “Gần nước biết cá, gần núi biết chim, nay nên kén người tâm phúc làm thám tử để đi dò xét tình hình giặc ở Phú Yên, Quy Nhơn và chiêu dụ những sách Man ở các đầu nguồn khiến họ quy thuận”.
Năm 1799, chúa Nguyễn Ánh cho ban hành 32 điều quân chính, trong đó điều số 11 riêng về công tác thám tử. quy định rằng: “Thám tử ở đất địch về, tướng hiệu không được đón đường hỏi chuyện, thám tử cũng không được tiết lộ công việc. Làm trái đều chém. Như việc có quan hệ cơ mật mà người ngoài biết được thì bắt tội thám tử”.
Từ khi còn chưa lên ngôi vua, các thám tử của chúa Nguyễn Ánh đã mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước lân cận như Chân Lạp, Xiêm La. Năm Gia Long thứ 11 (1812), “Đại Nam thực lục” ghi việc thám tử ở Gia Định đưa tin về cho biết Xiêm La bị Diến Điện (tức Miến Điện, Myanmar ngày nay) đánh, đã rút quân về. Tổng trấn Gia Định Nguyễn Văn Nhân đem tình trạng tâu lên và xin lượng để ở Vĩnh Thanh và Định Tường mỗi trấn 2 cơ, chia phiên đóng giữ, còn dư thì thả hết về làm ruộng; vua theo lời tâu này.
Vua Gia Long cũng từng bảo bầy tôi rằng: “Yên định được nước người ta không phải là dễ. Người Xiêm hay dối trá, thực giả chưa thể biết được. Một lần cử động thì phải được vạn toàn”. Sau đó vua sai trấn Hà Tiên cử người đi dò tình hình nước Xiêm.
Thời vua Minh Mạng, triều Nguyễn cũng khống chế quyền lợi với các bộ tộc Lào giáp biên giới Nghệ An, Quảng Trị, đặt là 3 động Lạc Hoàn cạnh phủ Trấn Biên phụ thuộc nước ta, trong khi nước Xiêm La ngay sát Lạc Hoàn cũng nhiều lần đưa quân tiến đánh để gây ảnh hưởng. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), có thám tử về nói rằng quân Xiêm đã qua sông Khung Giang sang đóng quân ở Lạc Hoàn, lùa dân về Mục Đa Hán. Các tướng như Phan Văn Thúy, Trần Lợi Trinh, Nguyễn Công Tiệp bèn dẫn binh tiến đánh và đem việc tâu về triều.
Vua Minh Mạng ban dụ rằng: “Lạc Hoàn là cống Man của ta, sao để cho người ngoài xâm nhiễu được; nhưng nay tin tức cõi biên chưa được xác đáng, bọn ngươi nên sai người đến Lạc Hoàn đưa thư cho tướng Xiêm, bảo cho họ biết lẽ phải trái, khiến họ tự lui quân; nếu họ bắt sứ của ta, càn rỡ gây chiến, thì chạy tâu ngay. Điều quan trọng đạo hành quân là nên cẩn thận, mà tự ta không gây hấn trước, đó là thượng sách”. Khi Phan Văn Thúy sai thám tử đến thì quân Xiêm đã đi rồi. Thám tử bèn đến thành Vạn Tượng (thành Vientian ngày nay), đưa thư rồi về. Tướng Xiêm cũng phúc đáp thư, không dám cãi biện.
Sau này, sách Lạc Hoàn được đổi tên thành phủ Lạc Biên thuộc trấn Nghệ An. Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), nhân dịp ngũ tuần đại khánh, nhà vua đã lấy tên phủ Lạc Biên để sắc phong cho hoàng tử thứ 33 là Miên Khoan làm Lạc Biên quốc công.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ