Khám phá

'Thú chơi' bùa phép cầu may và những hậu quả khó lường

Thực hư về quyền phép của búp bê Kumanthong, Lukthep chưa được kiểm chứng, nhưng trào lưu một bộ phận người Việt nuôi búp bê có nguồn gốc Thái Lan để cầu tài lộc là có thật. Và không chỉ búp bê mà nhiều loại bùa chú Thái Lan đang được mua bán và sử dụng phổ biến tại Việt Nam....

Tìm hiểu loài hoa được nữ hoàng Cleopatra dùng làm 'bùa yêu' / Vén màn âm mưu yểm bùa thâm hiểm của vị phi tần tàn độc nhất triều Trần

Thực hư về quyền phép của búp bê Kumanthong, Lukthep chưa được kiểm chứng, nhưng trào lưu một bộ phận người Việt nuôi búp bê có nguồn gốc Thái Lan để cầu tài lộc là có thật. Và không chỉ búp bê mà nhiều loại bùa chú Thái Lan đang được mua bán và sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Thực trạng này thực sự đáng báo động vì gây ra những hệ lụy xấu trong xã hội.
Chăm Kumanthong, Lucthep như con

Vợ chồng ông Lưu, bà Hà ở Hà Nội nhớ lại quãng thời gian cách đây hơn một năm, khi phát hiện cô con gái đang là sinh viên đại học nuôi búp bê trong nhà. Con gái suốt ngày bồng bế, cưng nựng con búp bê, cho nó ăn sữa chua, bánh kẹo, mặc quần áo đẹp, đi đâu cũng ôm búp bê theo và gọi nó là “con” xưng “mẹ”. Rồi con bà có biểu hiện hoảng loạn, học hành sa sút, nhiều lúc khóc lóc với búp bê và nói câu “Mẹ yêu con, con đừng hại mẹ”.

Đưa con đi khám bác sĩ, ông bà tá hỏa khi biết rằng con gái bị rối loạn trầm cảm vì nghĩ rằng búp bê hại mình và ngày càng ám ảnh, sợ hãi. Và con búp bê kia không phải là búp bê bình thường mà là một con Lukthep xuất xứ Thái Lan, con gái mua về nuôi để cầu may. Giờ thì ông bà buộc phải cho con gái nhập viện tâm thần điều trị dài ngày với hy vọng con sẽ trở lại bình thường.

Ngày càng xuất hiện nhiều “nhóm nuôi và chăm sóc Kumanthong, Lukthep” ở Việt Nam mà chủ yếu là người trẻ. Họ truyền tai nhau rằng phải nuôi búp bê thật cẩn thận thì “con” mới phù trợ cho “bố mẹ”.

Trước khi thỉnh Kumanthong hay Lukthep về nuôi, các tín đều được chỉ dẫn cách nuôi: Phải làm lễ rước con về, phải yêu chiều búp bê như con, phải đọc chú hằng ngày cho con; cúng con vào mùng Một, ngày Rằm; cho con đeo vàng để tăng độ linh thiêng, phải vượt qua sự kì thị của những người xung quanh, kiên trì nuôi con và không bán lại hoặc cho con đi; bằng không sẽ bị con quật lại. Nuôi càng nhiều con thì độ phù trợ càng mạnh. Chính vì mong phát tài phát lộc và sợ con hành lại nên các tín đều răm rắp làm theo chỉ dẫn. Bởi thế mới gặp cảnh một cô gái bế búp bê ra chợ, đến sân bay hay thậm chí cho con vào quán cà phê để uống cùng bố mẹ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thị trường bùa phép online

Không chỉ gây sốt ở Thái Lan mà tình trạng mua bán và sử dụng bùa phép ở Việt Nam cũng đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, việc nuôi Kumanthong, Luckhep chỉ là một nhánh nhỏ của trào lưu dùng bùa phép. Khi xâm nhập vào thị trường Việt Nam, các loại bùa phép không được bày bán tại các cửa hàng có đăng kí kinh doanh, mà chủ yếu bán hàng online, đăng kí và thỏa thuận mua hàng trên facebook, zalo, viber...

H. là chủ một cửa hàng kinh doanh bùa phép Thái Lan online đã nhiều năm nay. Để thuận tiện việc cung cấp bùa chú cho đông đảo khách hàng từ Nam ra Bắc, H. có hai cơ sở chứa hàng ở quận Gò Vấp, TP.HCM và quận Tây Hồ, Hà Nội. Cả hai cơ sở trên đều tấp nập khách mua lẻ, mua buôn các loại Kumanthong, Lukthep, bùa chú có xuất xứ từ Thái Lan. Với phương châm bán hàng “không linh không bán/ không độc hiếm không bán/ giá không yêu thương không bán”, H. đảm bảo với khách về độ linh thiêng và “nghề nào bùa nấy”: Muốn tình duyên suôn sẻ thì dùng bùa yêu, bùa hồ ly; các tú ông tú bà muốn làm ăn phát đạt thì thỉnh bùa quyến rũ; những người nghiện cờ bạc, lô đề thì mang bùa Takut vào casino; muốn kinh doanh buôn bán thuận lợi, có sức khỏe, trí tuệ minh mẫn thì thờ Lukthep, Kumanthong...

Mỗi loại bùa có cách đọc chú riêng, khi các tín đã trả tiền, lấy hàng thì câu chú sẽ được gửi kèm. Có đủ các kích cỡ, chủng loại bùa đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tín. Tín nào ít tiền, thích sự tiện dụng thì dùng amulet (bùa lá) có thể bỏ túi mang theo. Tín nào có thời gian thì thỉnh Lukthep về nuôi. Lukthep là búp bê trai hoặc gái bằng vải được thầy phép vẽ chú và gắn thanh tài lộc trên người. Với Lukthep phải chăm sóc như con, đi đâu cũng phải cho con đi cùng thì con mới phù trợ cho bố mẹ gặp may mắn, phát tài phát lộc. Tín nào ít thời gian hơn thì thờ Kumanthong - tượng em bé được thờ kín đáo trong nhà, không phải chăm sóc, cho ăn uống.

 

Đặc biệt nhất là dòng Kumanthong phép đen, theo lời quảng cáo được làm từ những chất liệu đầy ma quái như tóc của người chết không phân hủy, từ tro người chết trẻ nên độ thiêng cực cao, giá tiền vì thế cũng cực đắt! Có những Kumanthong có giá vài trăm triệu đồng mà vẫn cháy hàng.

Mặc dù luật pháp Thái Lan đã nghiêm cấm việc chế tạo và sử dụng Kumanthong, Lukthep nhưng những đồn thổi về quyền năng siêu phàm khiến mặt hàng này vẫn được nhiều người săn lùng. Kèm theo việc bán bùa phép là một loạt các dịch vụ như xăm phép, dán mặt nạ vàng, tắm hóa giải nghiệp chướng, xăm nốt ruồi tài lộc... đều do thầy phép đến từ Thái Lan thực hiện. Bảng giá các dịch vụ trên đã được niêm yết, dao động từ 1 triệu đồng đến cả chục triệu đồng. Ngoài ra còn có cửa hàng cung cấp quần áo, phụ kiện cho Lukthep để các tín diện cho con hằng ngày, đưa con đi giao lưu với các Lukthep khác...

Những hệ lụy khôn lường

Các chủ shop bùa phép đều khẳng định bùa chú họ cung cấp là hàng chuẩn, được những thầy phép Thái Lan cao tay yểm phép, do đó đảm bảo độ linh thiêng. Thế nhưng khi các tín hỏi han thắc mắc thì chủ cửa hàng lại đưa ra những cam kết nửa vời: “Nếu người đó yêu em khoảng 60% rồi thì bùa yêu sẽ kéo người đó về với em, còn nếu người đó không hề yêu em thì bùa làm sao linh được”; hay “Nếu đã mắc ung thư mới thỉnh Lukthep về nuôi, thì con làm sao có thể phù trợ cho bố mẹ khỏi bệnh được”; “Phải tín tâm, nếu thỉnh con về mà cứ chăm chăm xem có giàu lên không thì không bao giờ giàu”; “Bùa Thái Lan lành tính nhưng có thể giúp cho các tín hại đối thủ khuynh gia bại sản”,...

Những lời quảng cáo nước đôi này vẫn khiến không ít người lao vào xăm phép, dùng bùa chú. Để thỏa mãn sự cuồng tín và tham vọng, nhiều người đã bỏ không ít tiền thỉnh bùa về thờ và đắm chìm vào thế giới phép thuật, bùa chú, xa rời thực tại, trở thành những người mê tín dị đoan. Nhiều người lợi dụng điều này, để kinh doanh trục lợi, gieo rắc những điều kì quái trong cộng đồng.

Sống ảo với các loại bùa chú, nhiều người rơi vào trầm cảm, ảo giác như trường hợp cô gái con ông Lưu bà Hà đã nói ở trên. Thị trường bùa chú còn tạo điều kiện cho những hình thức kinh doanh buôn bán trái pháp luật nở rộ, gia tăng tệ nạn xã hội như nạn cờ bạc, mại dâm...

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn này, GS.TS Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa - du lịch Việt Nam - cho biết: “Những người tin vào bùa phép, tin vào quyền năng của ma quỷ sẽ không có ý thức lao động chân chính, mong chờ quyền lực siêu nhiên giúp mình đạt được mục đích. Khi không đạt tham vọng sẽ càng mê muội, ích kỷ, thậm chí trở nên độc ác, dám đi hại người khác. Đây là một vấn nạn nguy hiểm cho xã hội”.

Chính vì vậy, mỗi người cần giữ cho mình lí trí tỉnh táo để nhìn nhận hiện tượng này. Không nên tin vào những thồn đổi về quyền phép của bùa chú, tối ngày chăm sóc vật vô tri để cầu tài lộc, tiền mất tật mang. Sự tốt lành sẽ đến bằng hành động và lời nói tích cực, đúng đắn của mỗi người.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm