254 số phận bi thảm trên tàu St Louis
CIA lên kế hoạch “trộm” tàu ngầm Liên Xô thế nào? / Lộ bằng chứng Hitler đào tẩu sang Argentina bằng tàu ngầm?
Mãi gần cuối tháng 6, những người tị nạn mới được Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan đồng ý cho định cư. Đến năm 1940, khi Hitler chiếm nước Pháp, Hà Lan, Bỉ, 649 người Do Thái đi theo tàu St Louis bị đưa vào trại tập trung, 254 đã bị giết trong các phòng hơi ngạt…
Chuyến đi định mệnh
Rời cảng Hamburg, Đức, ngày 16/4/1939 với 937 hành khách, phần lớn là người Đức gốc Do Thái, sau gần nửa tháng lênh đênh trên biển, ngày 13/5 tàu St Louis đến cảng La Havana, Cuba.
Jacob Yosuf, một nhà buôn Do Thái đi trên chiếc tàu này nói: “Thời điểm chúng tôi khởi hành, nhà nước Đức Quốc xã chưa lùa dân Do Thái vào trại tập trung mà họ chỉ bắt chúng tôi khâu lên ống tay áo hình ngôi sao David 6 cánh. Các cửa hàng, tiệm buôn, nhà riêng của chúng tôi cũng bị buộc phải sơn dấu hiệu này”.
Rời khỏi nước Đức, 937 hành khách mang theo niềm hy vọng về miền đất hứa. |
Abraham Dayan, một người Do Thái khác nói tiếp: “Tôi biết trước sau gì chúng tôi cũng bị ngược đãi vì ngày nào cũng vậy, từng nhóm áo nâu thuộc Đoàn Thanh niên Hitler diễu hành ngang qua nhà chúng tôi, vừa đi vừa hò hét những khẩu hiệu bài Do Thái. Vì vậy, khôn ngoan nhất là nên đi trước khi sự tồi tệ xảy ra”.
Lothar Molton, 15 tuổi, đi cùng cha mẹ cho biết mặc dù thuyền trưởng Gustav Schroder là người Đức nhưng khi tàu vừa ra khỏi hải phận nước Đức, ông đã lấy một tấm khăn trải bàn phủ lên bức tượng bán thân Hitler: “Thực phẩm dư thừa nên chúng tôi sống rất thoải mái. Cứ mỗi tối thứ 6 lại có chương trình ca vũ nhạc. Mọi nghi lễ tôn giáo đều được tự do cử hành nên tôi có cảm tưởng đây chỉ là một chuyến du lịch”.
Thế nhưng, khi tàu St Louis thả neo ở cảng La Havana thì theo lệnh của Tổng thống Cuba Federico Laredo Bru, hải quan Cuba từ chối không cho hành khách lên bờ mặc dù trong số 937 người, có 60 người không phải dân Do Thái, và họ đi bằng thị thực du lịch. Bên cạnh đó, một chiến dịch rầm rộ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông ở Cuba, yêu cầu chính phủ không nhận thêm người Do Thái vì trước ngày tàu St Louis cập cảng La Havana, Cuba đã nhận khoảng 6.000 người tị nạn, trong đó có 2.500 người Do Thái.
Nhiều tờ báo xuất bản ở Cuba hồi ấy đã không ngớt nêu lên sự nguy hiểm của vấn đề nhập cư là “giành hết công ăn việc làm của người bản xứ”.
Một nhân viên hải quan Cuba giải thích: “Ngày 5/5/1939 (4 tháng trước khi Thế chiến II nổ ra), Havana đã hủy bỏ chính sách nhập cư cũ mà thay vào đó là một nghị định, hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài. Tất cả mọi giấy phép và visa cấp trước ngày 5-5 đều vô giá trị”.
Nhà buôn Jacob Yosuf than thở: “Ít ra họ cũng cho chúng tôi vào để chúng tôi có thể làm thủ tục xin nhập cảnh các quốc gia khác. Đằng này họ lại cấm cửa, đẩy chúng tôi vào tình trạng đi cũng dở, ở lại thì không được”.
Sau 5 ngày nằm tại cảng La Havana, chỉ có 28 hành khách được phép quá cảnh Cuba vì họ có visa nhập cảnh Mỹ nhưng mỗi người vẫn phải hối lộ 150USD cho Manuel Benitez Gonzalez, Tổng giám đốc Văn phòng Di trú Cuba. Để phản đối, một số người Do Thái tự gây thương tích để được đưa vào bệnh viện với hy vọng sau khi điều trị, họ sẽ được cho ở lại.
Yafo Naser, một người Do Thái nói: “Mặc dù chúng tôi đã thành lập một nhóm đại diện, trình bày với Văn phòng Di trú Cuba về những nguy hiểm chắc chắn sẽ gặp phải nếu chúng tôi bị buộc quay về Đức nhưng họ vẫn làm ngơ”. Max Loewe, một người Do Thái khác cho biết ông tự cắt đứt tĩnh mạch cổ tay nhưng sau 3 ngày điều trị ở bệnh viện, cảnh sát Cuba áp giải ông trở lại tàu.
Ngày 21/5, tàu St Louis nhổ neo rời cảng La Havana với 908 hành khách còn lại (1 người chết vì bệnh) rồi hướng về bang Florida, Mỹ. Để những người tị nạn Do Thái có thể vào được nước Mỹ, thuyền trưởng Gustav Schroder đã cố ý cho tàu mắc cạn bằng cách đâm vào một doi cát khi còn cách bờ biển Florida 12 hải lý.
Thế nhưng ngay lập tức, các tàu tuần duyên Mỹ đã kéo chiếc St Louis ra khỏi doi cát rồi áp tải nó đến hải phận quốc tế. Giải thích về điều này, tạp chí Fortune cho biết cuộc đại khủng hoảng xảy ra năm 1938 đã khiến hàng chục triệu người Mỹ thất nghiệp.
Một cuộc thăm dò dư luận diễn ra vào thời điểm ấy cho thấy 83% dân Mỹ phản đối những nới lỏng trong chính sách nhập cư nên Tổng thống Roosevelt dù muốn cũng đành chịu, nhất là ông đang dự định tái tranh cử lần thứ 3.
Hanah, một thiếu nữ Do Thái 21 tuổi trên tàu St Louis nói: “Ban đêm, chúng tôi nhìn thấy ánh đèn lấp lánh của thành phố Miami. Những ánh đèn ấy là biểu tượng của tự do nhưng nó đã nhanh chóng bị dập tắt”. Thuyền trưởng Gustav Schroder cay đắng: “Mỹ là quốc gia tự do nhất thế giới và nước Mỹ hình thành bởi nhiều chủng tộc nhưng giờ đây, lòng khoan dung của người Mỹ đâu rồi?”.
Bị nước Mỹ từ chối, thuyền trưởng Gustav Schroder cho chiếc St Louis hướng lên Canada đồng thời gửi điện cầu cứu nhiều nơi. Nhận được điện, một nhóm các học giả và giáo sĩ Do Thái ở Canada đã cố gắng thuyết phục William Lyon, Giám đốc khu hàng hải Mackenzie King, cho phép tàu St Louis cập cảng Halifax để lấy thêm lương thực, nước uống và nhiên liệu.
Thuyền trưởng Gustav Schroder cho biết trong 2 ngày ở Halifax, người Do Thái trên tàu St Louis đã gửi một thỉnh nguyện thư đến thủ tướng Canada, xin được ở lại nhưng do Giám đốc Cơ quan nhập cư Canada là Frederick Blair vốn ghét dân Do Thái nên bản thỉnh nguyện thư bị vứt vào sọt rác (năm 2000, cháu trai của Frederick Blair đã chính thức xin lỗi cộng đồng Do Thái vì hành động vô nhân đạo của chú mình).
Không chốn nương thân
Rời Canada, chiếc St Louis vượt Đại Tây Dương, hướng về nước Anh. Theo kế hoạch, khi gần đến bờ biển Anh quốc, thuyền trưởng Schroder sẽ đánh đắm tàu để Chính phủ Anh phải chấp nhận cho người tị nạn Do Thái định cư. Tuy nhiên, khi vừa vào đến hải phận Anh, tàu tuần duyên Anh quốc đã phát loa, yêu cầu chiếc St Louis phải trở về Đức vì thời điểm này, nước Anh đang ở trên bờ vực chiến tranh với Đức Quốc xã.
Nhân viên cơ quan nhập cư Canada kiểm soát từng hành khách trên tàu St Louis lên bờ. |
Thuyền trưởng Schroder nói: “Chúng tôi không còn biết đi đâu nữa. Một số người trên tàu bắt đầu có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Nhiều người la hét, khóc lóc, thậm chí có người còn nhảy xuống biển khi nhìn thấy các tàu treo cờ Anh, Pháp, đi ngang với hy vọng sẽ được cứu vớt. Theo suy nghĩ của họ, việc cứu vớt đồng nghĩa với việc họ sẽ được cho nhập quốc tịch của tàu…”.
Lúc này, nhiều hội đoàn Do Thái ở Mỹ, Anh, Pháp và một số các quốc gia châu Âu liên tục vận động chính quyền sở tại cho phép tàu St Louis được cập bờ, và tất cả những người trên tàu được hưởng quy chế tị nạn chính trị nhưng câu trả lời vẫn là từ chối. Theo sử gia Williams Orsborn, Đại học York, Anh quốc, lúc ấy không ai tin rằng Hitler sẽ xua quân chiếm Pháp, Bỉ, Áo, Hà Lan nên việc cho người Do Thái tị nạn có thể sẽ làm “mất lòng” nước Đức. Vì vậy họ chọn thái độ trung lập.
Ước vọng tự do càng lúc càng mờ nhạt thì không gian sống trên tàu cũng trở nên chật chội, tù túng. Nhiều người già ở trong cabin cầu nguyện cả ngày còn những người trẻ đổi tính cáu gắt. Đã xảy ra không ít vụ cãi cọ, thậm chí xô xát chỉ vì những lý do không đâu.
David Berion, bác sĩ người Do Thái nói: “Một số người nảy ra giấc mơ điên rồ là đổ bộ lên một hòn đảo hoang vắng nào đó ở Đại Tây Dương rồi làm lại từ đầu. Tuy nhiên giấc mơ ấy nhanh chóng tan vỡ trước thực tế 900 con người sẽ sống bằng gì khi lương thực mang theo cạn kiệt, chưa kể đau ốm, bệnh tật cùng các điều kiện tối thiểu cần thiết cho cuộc sống. Dù vậy, tất cả đều cùng chung ý nghĩ thà chết chứ nhất định không quay về Đức”.
Ngay cả thuyền trưởng Schroder cũng bày tỏ quan điểm của mình qua bức điện gửi Chính phủ Mỹ, Anh, Canada: “Tôi từ chối đưa tàu St Louis trở lại Đức chừng nào mà người tị nạn chưa được đón nhận để có thể bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn và an toàn hơn”.
Đường về cõi chết
Ngày 17/6/1939, sau một thời gian bàn cãi giữa các quốc gia châu Âu, tàu St Louis được phép cập cảng Antwerp, Bỉ. Lại mất thêm nhiều ngày nữa, Thủ tướng Anh quốc là Neville Chamberlain mới đồng ý nhận 288 người. Dưới sự đấu tranh không mệt mỏi của thuyền trưởng Gustav Schroder, nước Bỉ cho phép 649 người còn lại lên bờ thay vì buộc họ phải ở dưới tàu. Cuối cùng, Pháp nhận cho định cư 224 người, Bỉ nhận 244 người còn Hà Lan nhận 181 người.
Đại diện các nước Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan trao đổi về số phận người nhập cư. |
Ngày 6-8-1939, thuyền trưởng Gustav Schroder cùng thủy thủ đoàn về đến cảng Hamburg, Đức. Lúc này, Hitler đang tập trung vào việc xâm lược Ba Lan, mở đầu cho Thế chiến II nên chẳng ai quan tâm đến chuyến đi của tàu St Louis.
Tiếp theo, bắt đầu từ ngày 10/5/1940, quân đội Quốc xã lần lượt chiếm Hà Lan, Bỉ và Pháp. Trong số 649 người trên tàu St Louis được Pháp, Bỉ, Hà Lan nhận cho định cư, chỉ có 87 người rời khỏi 3 quốc gia này để đến Mỹ, Thụy Sĩ, Thụy Điển trước ngày chiến tranh nổ ra.
Số còn lại bị bắt và bị đưa vào trại tập trung. Leon Joel, sau này trở thành ca sĩ kiêm nhạc sĩ kể lại: “1 tháng sau ngày Đức chiếm Paris, Pháp, cơ quan mật vụ Gestapo ra lệnh cho tất cả những người Do Thái phải ra trình diện. Khi biết tôi rời khỏi nước Đức trên tàu St Louis, họ đưa tôi cùng 223 người Do Thái khác, đều là hành khách trên tàu St Louis, lên chuyến xe lửa đầu tiên đến trại tập trung Auschwitz”.
Yad Berman, thợ làm bánh mì ở thành phố Brussel, Bỉ nói: “Thoát khỏi cơn ác mộng phải theo tàu St Louis quay về Đức, tôi sống tại Brussel chưa được 1 năm thì quân đội Quốc xã tràn vào. Cùng với cả trăm người Do Thái khác, chúng tôi bị đưa đến trại tập trung Sobibor”.
Tháng 5/1945, chiến tranh kết thúc. Trong số 562 người Do Thái trên tàu St Louis định cư ở Pháp, Bỉ, Hà Lan rồi bị đưa vào các trại tập trung, chỉ 308 người còn sống. 254 người chết trong các phòng hơi ngạt. Cũng sau chiến tranh, Cộng hòa Liên bang Đức trao tặng thuyền trưởng Gustav Schroder huân chương vì lòng dũng cảm. Năm 1993, tên ông được nhà nước Israel đặt cho một công trình tại Đài tưởng niệm diệt chủng Do Thái Yad Vashem.
Năm 2011, những nghị sĩ gốc Do Thái trong quốc hội Canada dựng một đài tưởng niệm, gọi là “Bánh xe lương tâm” làm bằng thép không gỉ, tượng trưng cho chính sách quay lưng với 908 người Do Thái của Chính phủ Canada hồi ấy. Về phía nước Mỹ, năm 2012,
Bộ Ngoại giao Mỹ đã tổ chức một buổi lễ với sự tham dự của Phó Bí thư Bill Burn. Trong buổi lễ này, ông Burn đã chính thức xin lỗi những người Do Thái trên tàu St Louis, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn với nước Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan đã mở cửa đón nhận họ.
Tháng 5/2018, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố Chính phủ Canada sẽ chính thức xin lỗi về những gì đã xảy ra với tàu St Louis cùng các hành khách sau khi nó rời cảng Halifax vì phía Canada không cho phép định cư. Lời xin lỗi được công bố vào ngày 7/11 cùng năm. Susan Schleger, một trong những người Do Thái trên tàu St Louis còn sống sau hơn 4 năm ở trại tập trung Sobibor, có mặt tại lễ xin lỗi nói: “Bi kịch bị bỏ rơi xin đừng bao giờ lặp lại”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Giải mã về sinh vật bí ẩn cao 8m xuất hiện tại rừng rậm Nam Mỹ, từng bị nghi là người ngoài hành tinh
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Loài thằn lằn giống rắn hồi sinh kì diệu sau 40 năm bị tuyệt chủng khiến các nhà khoa học kinh ngạc