Khám phá

Tranh cãi việc trục vớt kho báu của tàu Titanic dưới đáy biển

Kế hoạch về việc trục vớt kho báu và các cổ vật chìm cùng tàu Titanic hơn 100 năm trước đang vấp phải các ý kiến trái chiều khi bên phản đối cho rằng đây là nấm mồ tập thể cần được tôn trọng, trong khi các chuyên gia cảnh báo rằng nếu không trục vớt thì các cổ vật có giá trị và con tàu sẽ bị phá hủy.

Tiếp viên hàng không đòi đeo khẩu trang trên mọi chuyến bay giữa “bão” virus lạ / Hệ thống phòng thủ tên lửa Nga chưa thể đẩy lùi cuộc tấn công quy mô lớn

Tranh cãi việc trục vớt kho báu của tàu Titanic dưới đáy biển - 1 Tàu Titanic khi chưa xảy ra thảm kịch chìm xuống đáy biển (Ảnh: Getty)

Con tàu nổi tiếng hàng đầu thế giới Titanic hiện vẫn nằm dưới lòng biển sâu 3.962 m, và đang đối mặt với nguy cơ bị biến mất vì vi khuẩn làm phân hủy. Một công ty tư nhân đang có kế hoạch sẽ cứu các cổ vật quý giá trong con tàu đắm năm 1912, bất chấp một hiệp ước được ký giữa Anh và Mỹ.

Theo Telegraph, công ty Mỹ RMS Titanic hiện thời là thực thể duy nhất có quyền thu thập cổ vật quý giá từ xác con tàu đắm. RMS Titanic đã thu thập được hơn 5.500 vật trong những thập niên vừa qua và trưng bày trong các triển lãm, từ các bộ phận kim loại trên tàu cho tới các vật phẩm cá nhân như ống nhòm hoặc viên bi của một đứa trẻ.

Các vật này được thu thập từ các mảnh vỡ của tàu nằm cách 600 km so với bờ tỉnh Newfoundland của Canada nằm ở Đại Tây Dương. RMS Titanic nói với Telegraph rằng họ muốn di dời phần nóc của con tàu bằng các robot đáy biển để tìm cổ vật bên trong.

Anh phản đối

Tranh cãi việc trục vớt kho báu của tàu Titanic dưới đáy biển - 2 Một phần xác tàu chìm dưới biển (Ảnh: BBC)

Một trở ngại của nhiệm vụ tìm kho báu cổ vật là sự phản đối của các nhà hoạt động và hậu duệ của hơn 1.500 nạn nhân của thảm kịch. Họ cho rằng xác tàu chìm là nấm mồ tập thể và các bên không nên tác động tới.

 

Ngoài ra, chính phủ Anh cũng muốn bảo vệ xác tàu đắm dựa theo hiệp ước đã ký kết với Mỹ. Văn bản này cho phép chính phủ 2 nước có quyền đồng thuận hay bác bỏ giấy phép được xâm nhập vào tàu và tìm kiếm các cổ vật quý.

“Thỏa thuận được ký kết với Mỹ nhằm bảo tồn xác tàu có nghĩa là mọi động thái liên quan sẽ được xem xét với sự nhạy cảm và tôn trọng với nơi an nghỉ vĩnh hằng của hơn 1.500 mạng người”, Bộ trưởng Giao thông và Vận tải đường biển Anh Nusrat Ghani phát biểu hôm 21/1.

Tuy nhiên, các nguồn tin từ RMS Titanic nói rằng công ty này muốn “phớt lờ hoàn toàn” thỏa thuận vì họ cho rằng nó không có nhiều giá trị theo luật của Mỹ.

“Hoạt động của một công ty Mỹ không thể bị dừng lại bởi chính phủ Anh”, nguồn tin cho hay.

"Hành động trước khi quá muộn"

 

Tranh cãi việc trục vớt kho báu của tàu Titanic dưới đáy biển - 3 (Ảnh: AP)

Năm 2010, các nhà nghiên cứu Canada đã phát hiện ra một loại vi khuẩn có thể ăn mòn kim loại trên thân tàu và khiến nó vỡ ra trong 15-20 năm nữa.

“Dĩ nhiên, chúng tôi trân trọng tấn bi kịch đã xảy ra. Tuy nhiên, có một thực tế là chúng ta cần cho cả thế giới chứng kiến những gì mà chúng ta đã được nhìn thấy. Vì sao chỉ có một vài nhà khoa học được phép xem cổ vật quý bên trong con tàu? Điều đó là không đúng”, Chủ tịch RMS Titanic Bretton Hunchak nói.

Một trong những cổ vật có giá trị nhất vẫn nằm trong trong xác tàu là hệ thống liên lạc vô tuyến mà thành viên thủy thủ đoàn tàu Titanic đã dùng để gửi tín hiệu cấp cứu đêm 14/4/1912.

“Hệ thống vô tuyến có thể cho chúng ta biết được rất nhiều về khoảnh khắc cuối cùng của Titanic và những người đã ra đi vào đêm định mệnh đó. Con tàu đang xuống cấp và nếu chúng ta không hành động ngay, thì mọi sự sẽ trở nên quá muộn”, ông Hunchak cho hay.

 

Ngày 20/1, RMS Titanic đã gửi thông báo lên tòa án liên bang Virginia của Mỹ để tuyên bố về ý định đưa các cổ vật quý từ tàu Titanic lên. Phiên điều trần đầu tiên dự kiến sẽ sớm diễn ra.

Titanic là một tàu chở khách vượt đại dương chạy bằng động cơ hơi nước đã đi vào lịch sử ngành hàng hải vì vụ tai nạn hàng hải kinh hoàng và bất ngờ đã xảy ra với nó ngay trong chuyến đi đầu tiên cũng như những bí ẩn liên quan.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm