3 người tốt bị phim Bao Công biến thành nhân vật xấu xa "hết chỗ nói"
Đừng chỉ nhìn vào Tôn Ngộ Không! Phiên bản Tây Du Ký 1986 toàn là yêu nữ nghiêng nước nghiêng thành / Clip: Cuộc đối đầu kinh hoàng, bọ ngựa tung đòn sát thủ hạ gục rắn và cái kết đầy bất ngờ
Diễn viên Kim Siêu Quần trong phim Bao Thanh Thiên (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
1. Bàng Thái Sư
Trong “Bao Thanh Thiên”, phim truyền hình dài tập do Đài Loan sản xuất và phát hành năm 1993, Bàng Thái Sư (Bàng Cát) là đối thủ lớn nhất của Bao Công. Nhân vật Bàng Thái Sư xuất hiện trong 5 vụ án: Trảm Bàng Dục, Tử kim chùy, Địch Thanh, Lôi đình nộ và Bàng phi có mang.
Trong phần “trảm Bàng Dục”, Bàng Thái Sư gây ấn tượng mạnh với người xem bởi tính cách hống hách, cậy quyền cậy thế và hết lòng chiều con. Trước mặt vua Tống Nhân Tông, Bàng Thái Sư ra sức khen ngợi con trai ông ta là Bàng Dục, xin cho làm quan khâm sai tới huyện Trần Châu để cứu tế.
Xét về vai vế, Bàng Dục là em vợ của Tống Nhân Tông, do vua Tống lấy Bàng Phụng (con gái Bàng Thái Sư) làm quý phi. Mặc dù không có công trạng gì, Bàng Dục vẫn được Tống Nhân Tông phong làm An Lạc hầu.
Bấy giờ, ở huyện Trần Châu bị lũ lụt hoành hành, dân nghèo đói la liệt khắp nơi. Bàng Dục tới nơi, không mở kho cứu tế, còn chiếm luôn ngân sách cứu trợ. Hắn bắt dân nghèo vào rừng đốn gỗ, lao dịch cực nhọc để xây dinh thự.
Mê mẩn sắc đẹp của Quế Anh, một dân nữ, Bàng Dục cưỡng bức nàng. Chồng của Quế Anh là Điền Khởi Nguyên cũng bị Bàng Dục hãm hại, suýt bị xử tử.
Cha con Bàng Thái Sư và Bàng Dục trong phim (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Trên công đường, Bàng Dục bị Bao Công tuyên án tử, nhưng cha của hắn ra sức bênh con. Bàng Thái Sư thậm chí còn dùng kim bài miễn tử để uy hiếp Bao Công. Cuối cùng, Bàng Dục nhận ra sai lầm và tự nguyện chịu chém.
Trong phần phim “Bàng phi có mang”, nhân vật Bàng Thái Sư phạm tội ác tày trời khi cướp con đẻ của một dân nữ tên Ngọc Mai, nói dối Tống Nhân Tông rằng đây là “long thai” do Bàng Quý phi sinh ra. Chồng của Ngọc Mai cũng bị Bàng Thái Sư ép phải tự tử.
Trên công đường, Bàng Thái Sư được Lý Thái hậu (mẹ của Tống Nhân Tông) xin tha tội chết. Tuy nhiên, ông ta vẫn bị Bao Công tuyên án tù chung thân.
Theo Sina, nhân vật Bàng Thái Sư trong phim Bao Thanh Thiên được lấy nguyên mẫu từ Bàng Tịch (988 – 1063), viên quan sống cùng thời với Bao Chửng (999 – 1062) dưới triều vua Tống Nhân Tông.
Tuy nhiên, Bàng Tịch trong lịch sử là một vị quan tốt, không hề xấu xa như trên phim.
Tống sử chép, Bàng Tịch tên chữ là Thuần Chi, quê ở huyện Thành Vũ, Đan Châu (nay là huyện Thành Vũ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Dưới thời Tống Nhân Tông (1010 – 1063), ông làm quan tới chức Đồng trung thư (chức quan thuộc hàng nhất phẩm). Những viên quan tốt, nổi tiếng thời Tống như Phạm Trọng Yêm, Hàn Kỳ là bạn thân của Bàng Tịch.
Theo Tống sử, trong thời gian làm quan, Bàng Tịch không sợ cường quyền, dám đấu tranh và nói lên ý kiến của mình, được nhiều người ca ngợi là “ngự sử thiên tử” (người can gián hoàng đế).
Có lần, một ái phi của Tống Nhân Tông sai thái giám đến phủ Khai Phong, yêu cầu Bàng Tịch công bố lệnh miễn tiền thuê chợ cho người dân. Bàng Tịch không nghe lời, còn ra lệnh đánh tên thái giám.
“Ta không bao giờ nhận lệnh từ hậu cung”, Bàng Tịch tuyên bố.
Trước mặt Tống Nhân Tông, Bàng Tịch chỉ trích phi tần nọ vì dám ra lệnh cho quan đại thần. Vua Tống không thể phản bác ông.
Trong chiến tranh Tống – Tây Hạ, Bàng Tịch đã làm được 2 việc lớn: Thứ nhất, ông tiến cử Địch Thanh làm tướng trấn thủ vùng Thiểm Tây, chặn được bước tiến quân Tây Hạ. Thứ hai, ông chịu trách nhiệm chiêu mộ dân phu ở Thiểm Tây, trồng trọt tại chỗ để cung cấp lương thực cho đội quân của Địch Thanh.
Trước phòng tuyến vững vàng của quân Tống, quân Tây Hạ nhiều lần tấn công thất bại và buộc phải rút lui.
Năm 1063, Bàng Tịch qua đời. Ông được triều Tống phong tặng nhiều tước hiệu cao quý. Nhiều nhân tài của triều Tống như Tư Mã Quang, Địch Thanh đều chịu ơn tiến cử của Bàng Tịch.
Theo The Paper, thời nhà Nguyên, nhà Thanh có một số biên kịch, nhà văn viết kịch, tiểu thuyết về Bao Công xử án, mang nhiều yếu tố hư cấu.
Phản diện trong các tác phẩm này được đặt tên là Bàng Tích, Bàng Tư Trung, Bàng Tập, Bàng Hồng, Bàng Cát… và giữ các chức vị cao như Thái sư, Thừa tướng. Điều này vô tình “bôi nhọ” thanh danh của Bàng Tịch – một vị quan tốt.
Vụ án “ly miêu tráo chúa” được truyền miềng trong dân gian (ảnh: Sohu)
2. Thái hậu Lưu Nga
“Ly miêu tráo chúa” (dùng mèo lột da đánh tráo thái tử) là kỳ án nổi tiếng bậc nhất trong bộ phim Bao Thanh Thiên. Trong phần này, Bao Công phải đối đầu với Thái hậu Lưu Nga (mẹ của vua Tống Nhân Tông).
Chuyện ly miêu tráo chúa xảy ra vào thời vua Tống Chân Tông (cha của Tống Nhân Tông), khi Lưu Nga (Lưu hoàng hậu) và Lý phi mang thai cùng lúc, theo Sohu.
Đến ngày sinh nở, Lưu Nga sinh được một công chúa nhưng không may chết yểu lúc vừa chào đời. Trong khi đó, Lý phi lại sinh được một hoàng tử.
Lưu Nga vì ghen tức, đã lập mưu cùng tên thái giám Quách Hòe, lột da một con mèo rừng để đánh tráo với hoàng tử mới sinh. Lý phi bị vu cáo là sinh ra yêu quái, phải đày vào lãnh cung.
Thái hậu Lưu Nga trong phim (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Lưu Nga sai Quách Hòe đưa hoàng tử ra khỏi cung giết hại. May sao hoàng tử lại được một cung nữ tên Khâu Châu cứu thoát. Vị hoàng tử này trải qua nhiều biến cố, vẫn được lên ngôi vua, chính là Tống Nhân Tông.
Tống Nhân Tông không hay biết về thân thế của mình, coi Lưu Nga là mẫuhậu, cung phụng không khác gì mẹ ruột. Về phần Lý phi, bà giả điên rồi trốn khỏi cung, lưu lạc dân gian.
Sự việc chìm vào quên lãng cho đến khi Bao Công đi tra án ngoài kinh thành, tình cờ gặp được Lý phi và biết rõ sự tình. Bao Công đã phá giải vụ án động trời, trừng trị Lưu Thái hậu và Quách Hòe, nghênh đón Lý phi hồi cung.
Các tình tiết trong phần phim này hoàn toàn là hư cấu, theo Sohu.
Tống sử chép, Chương Hiến Minh Túc Hoàng hậu Lưu thị(968 – 1033) là người đầu tiên thực hiện “buông rèm nhiếp chính” của triều Tống.
Lưu Hoàng hậu không được Tống sử chép lại tên thật. Theo dân gian và các tác phẩm kịch, phim ảnh, bà thường được gọi với cái tên Lưu Nga, vì vậy trong bài viết, xin sử dụng cái tên này để bạn đọc dễ hình dung.
Theo Tống sử, Tống Nhân Tông là con trai của Lý thị (cung nữ hầu cận của Lưu Nga).
Năm 1011, Lý thị do “gần gũi” với Tống Chân Tông nên sinh được một hoàng tử, đặt tên là Triệu Thụ Ích. Nhưng vua Tống vì quá sủng ái Lưu Hoàng hậu, đã tuyên bố với quần thần rằng hoàng tử là do Lưu Nga sinh ra (Lưu Nga khi đó không có con).
Tháng 12/1012, Tống Chân Tông tuyên cáo thiên hạ, chính thức lập Lưu quý phi (Lưu Nga) làm hoàng hậu, Triệu Thụ Ích được phong làm thái tử. Triều thần có một số người biết về thân thế của Triệu Thụ Ích, nhưng không ai dám lên tiếng.
Năm 1022, Tống Chân Tông qua đời, Lưu Nga trở thành Thái hậu.
Tống Chân Tông cũng để lại di chiếu cho Lưu Nga có quyền “quân quốc trọng sự, quyền thủ xử phân” (quyền được tham gia vào chính sự, nếu là việc trọng đại). Tống Nhân Tông lên ngôi lúc mới 11 tuổi, quyền hành trong triều đều rơi vào tay Lưu Nga.
Trong thời gian “buông rèm chính sự”, Lưu Nga cư xử rất mẫu mực, không hề chuyên quyền hay có mưu đồ đoạt vị. Nhờ công của bà, triều đình nhà Tống được yên ổn những những năm đầu Tống Nhân Tông lên ngôi.
Tháng 4/1032, Lý thị qua đời, được phong hiệu là Thần phi. Dân gian lưu truyền câu chuyện cho rằng, bà bị Lưu Nga hạ độc chết.
Năm 1033, Lưu Nga lâm bệnh rồi qua đời. Đến lúc này, Tống Nhân Tông mới được Yên vương Triệu Nguyễn Nghiễm cho biết về thân thế thực sự của mình.
Sự kiện này gọi là “Nhân Tông nhận mẫu” trong Tống sử. Về sau lưu truyền trong dân gian, thêu dệt đủ chi tiết, trở thành kỳ án “ly miêu tráo chúa”, theo Sina.
Bộ ba Bao Công – Triển Chiêu – Công Tôn Sách trên phim (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
3. Trần Thế Mỹ
Nhân vật Trần Thế Mỹ xuất hiện sớm, ngay trong phần đầu tiên của bộ phim Bao Thanh Thiên (bản phát hành năm 1993). Theo cốt truyện, Trần Thế Mỹ vốn là thư sinh nghèo ở Hồ Nam. Anh ta kết hôn với Tần Hương Liên và có 2 đứa con.
Dù gia cảnh nghèo khó, Tần Hương Liên vẫn dốc sức làm việc để Trần Thế Mỹ có cơ hội ăn học thành tài.
Trần Thế Mỹ lên kinh thi cử và đỗ trạng nguyên. Hắn được Tống Nhân Tông trọng dụng và gả em gái cho. Trước mặt nhà vua, Trần Thế Mỹ nói dối rằng mình chưa có vợ.
Vở kịch Tần Hương Liên (ảnh: Sina)
Ở quê nhà Hồ Nam, nạn đói hoành hành, cha mẹ Trần Thế Mỹ qua đời vì bệnh tật (trong một số bộ phim khác, cha mẹ Trần Thế Mỹ đã tự tử để nhường miếng ăn cho con dâu và 2 cháu). Tần Hương Liên dẫn con lên kinh thành tìm chồng.
Lúc này, Trần Thế Mỹ đã là phò mã. Hắn không nhận vợ con, thậm chí còn sai người đuổi giết họ vì sợ lộ thân phận.
Bao Công xét xử vụ án, xử trảm Trần Thế Mỹ dù ông bị công chúa và Lý Thái hậu gây áp lực.
Theo Qulishi, trong lịch sử thực sự có nhân vật Trần Thế Mỹ. Ông tên là Trần Niên Dục (1625 – 1690), tên chữ là Thế Mỹ, người huyện Quân, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).
Năm 1651 (thời nhà Thanh), Trần Thế Mỹ đỗ tiến sĩ và nhậm chức tri huyện Nhiêu Dương, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc).
Theo “Quân châu chí tiến sĩ thiên” (tài liệu ghi lại những người đỗ đạt ở huyện Quân), Trần Thế Mỹ làm quan có tiếng là thanh liêm. Ở huyện Nhiêu Dương, ông chấn chỉnh an ninh, trừng phạt những kẻ cậy quyền cậy thế và cho xây dựng nhiều công trình thủy lợi.
Trần Thế Mỹ làm quan dưới 2 triều vua Thanh là Thuận Trị và Khang Hy đều được cất nhắc các vị trí cao.
Trần Thế Mỹ có nhiều bạn bè. Khi ông làm quan, có không ít đồng hương, đồng môn đến mưu cầu quan chức. Trần Thế Mỹ từ chối tất cả và khuyên họ nên cố gắng học hành.
Trong số những người tìm đến cầu cạnh có Hồ Mộng Điệp, người cùng quê với Trần Thế Mỹ. Vì bị Trần Thế Mỹ khước từ, ông ta sinh lòng thù hận.
Bao Công xử vụ án Trần Thế Mỹ trên phim (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Vốn có văn tài, Hồ Mộng Điệp liền biên soạn vở kịch “Tần Hương Liên”, trong đó bôi nhọ Trần Thế Mỹ là kẻ vong ân bội nghĩa, vứt bỏ vợ con để mưu cầu vinh hoa phú quý. Vở kịch nhanh chóng nổi tiếng nhờ cốt truyện hay.
Theo Sohu, cũng có ý kiến khác cho rằng, vở kịch “Tần Hương Liên” vốn lưu truyền trong dân gian, Hồ Mộng Điệp đã chi tiền để một số chủ đoàn kịch lớn đổi tên nhân vật phản diện thành Trần Thế Mỹ. Kỳ thực, Trần Thế Mỹ không phải người cùng thời với Bao Công.
Tương truyền, cuối triều Thanh có đoàn kịch từ Hà Nam đến huyện Quân biểu diễn vở “Tần Hương Liên”, xảy ra ẩu đả lớn với con cháu của Trần Thế Mỹ. Dân gian vì vậy có câu: “Người huyện Quân không hát Tần Hương Liên”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chân dung Tổng thống trẻ tuổi nhất thế giới ghi tên vào Sách kỷ lục Guinness, đắc cử sau khi đảo chính thành công
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loài vật có 'của quý' lớn nhất thế giới và cách giao phối đầy ám ảnh của con đực với con cá
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?