Khám phá

4 công trình kiến trúc có tuổi đời hơn 60 năm tại Đà Lạt

Đà Lạt vốn nổi tiếng là một vùng đất lãng mạn sở hữu nhiều công trình kiến trúc ấn tượng. Dưới đây là 4 công trình kiến trúc nổi bật được xây dựng vào thập niên 50 vẫn còn tồn tại và được lưu giữ ở Đà Lạt đến tận bây giờ.

7 bức tranh hang động cổ nhất thế giới / Bí ẩn 8 lâu đài cổ nhất thế giới

Viện Đại học Đà Lạt (1957)

Tổng quan kiến trúc đồ sộ của Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X
Tổng quan kiến trúc đồ sộ của Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X

Viện Đại học Đà Lạt tọa lạc tại số 1 đường Phù Đổng Thiên Vương, được coi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của Đà Lạt. Vào thập niên 1920, Viện này vốn là trại lính Courbet được xây dựng trên khu đất phía Bắc đồi Cù. Năm 1939, trại Courbet chuyển thành Trường Thiếu sinh quân Hỗn hợp Âu – Á (École d’Enfants de Troupe de DaLat). Sau đó, Giáo hội Công giáo tu bổ lại Trường Thiếu sinh quân Hỗn hợp Âu – Á, vào năm 1957 Viện Đại học Đà Lạt chính thức được thành lập.

Từ năm 1958 Viện bắt đầu đi vào hoạt động và còn được biết với tên gọi khác là trường Thụ Nhân, tức trồng người. Viện Đại học Đà Lạt được mệnh danh là một trong những trường đại học có cảnh quan đẹp nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Đến tháng 10/1976, Viện Đại học Đà Lạt đổi tên thành Trường Đại học Đà Lạt. Ngoài ra, nơi này còn nổi tiếng bởi không gian xanh rộng rãi, thoáng mát, kiến trúc độc đáo, thật sự là một nơi lý tưởng để học tập.

Chợ mới Đà Lạt được cải tạo và nâng cấp mang nét kiến trúc như khu Hòa Bình ngày nay

 

Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X (1957)

Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X ngày nay là trụ sở của Trung tâm Đào tạo của Viện Hạt nhân và Trung tâm Văn hóa Thanh Thiếu niên tỉnh Lâm Đồng, tọa lạc tại số 13 đường Đinh Tiên Hoàng. Học viện Thánh Piô X được thành lập vào năm 1957 do kiến trúc sư Tô Công Văn phác thảo bản vẽ và xây dựng. Vào tháng 1/1958, Học viện bắt đầu khai giảng khóa đầu tiên với sự hướng dẫn của bốn linh mục và 24 chủng sinh tham gia.

Sau khi thành lập và đã có những thành tựu nhất định, Học viện ngày càng có nhiều học viên tìm đến hơn, chủ yếu là học viên đến từ các giáo phận ở miền Nam Việt Nam. Ngoài ra còn có một vài chủng sinh đến từ Campuchia và Lào.

Nơi này được mệnh danh là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của Đà Lạt (Ảnh: IG @0ngleminh)

 

Chợ mới Đà Lạt (1958)

Chợ Đà Lạt trước đây vốn được gọi là chợ mới, được khởi công xây dựng vào năm 1958 và chính thức hoàn thành vào năm 1960, là một trong những ngôi chợ lầu đầu tiên ở Việt Nam. Chợ do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế, lúc bấy giờ chợ được xây dựng trên một thung lũng sình lầy nằm dưới chân đồi của chợ cũ. Đến năm 1993, chợ mới Đà Lạt được cải tạo và nâng cấp mang nét kiến trúc như khu Hòa Bình ngày nay nhân dịp 100 năm tìm ra Đà Lạt.

Vẻ cổ kính có phần thơ mộng tại Biệt điện Trần Lệ Xuân (Ảnh: IG @baojuanwu)

Biệt điện Trần Lệ Xuân (1958)

 

Biệt điện Trần Lệ Xuân (nay được biết đến với tên Trung tâm lưu trữ quốc gia IV) tọa lạc tại số 2 đường Yết Kiêu. Biệt điện được xây dựng vào năm 1958 trên một đồi thông bạt ngàn với khuôn viên khá rộng rãi có diện tích lên đến 13.000m2. Biệt điện Trần Lệ Xuân ngoài trưng bày tư liệu về sự hình thành và phát triển của Đà Lạtcòn là nơi triển lãm thông tin chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Kiến trúc của căn biệt điện mang dáng vẻ của các tòa nhà ở châu Âu, gồm ba căn biệt thự tuyệt đẹp: Bạch Ngọc, Lam Ngọc, Hồng Ngọc và khu vườn Nhật Bản ngập tràn màu sắc của cây lá, hoa cành. Ban đầu, biệt điện được xây dựng nhằm mục đích làm nơi nghỉ dưỡng của vợ chồng ông Ngô Đình Nhu và bà Trần Lệ Xuân thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Đến năm 1963, ông Ngô Đình Nhu và Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát, bà Trần Lệ Xuân bỏ sang Pháp sinh sống. Từ đó căn biệt điện trở thành một địa điểm tham quan du lịch cho tới thời điểm hiện tại. So với các danh lam thắng cảnh khác Biệt điện Trần Lệ Xuân có vẻ kín tiếng hơn. Tuy nhiên khi đến đây mọi người chắc chắn sẽ rất thích thú với vẻ cổ kính có phần hơi thơ mộng toát lên từ nơi này.

Một trong những “đặc sản” của Đà Lạt là các công trình kiến trúc ấn tượng mang đậm dấu ấn thời gian. Cùng ghé thăm những công trình được xây dựng vào thập niên 50 để biết thêm về lịch sử hình thành nên thành phố đã từng được mệnh danh là Paris thu nhỏ này nhé.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm