(DNVN) - Chúng ta luôn mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn. Vậy một người hạnh phúc sẽ có những đặc điểm gì và làm thế nào để chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc hơn?
Học thuyết cá nhân đã thay đổi rất nhiều kể từ những năm 1930 khi nhà tâm lý học của Harvard là Gordon Allport đề xuất khoảng 4.000 đặc điểm tính cách. Hai thập kỷ sau, một nhà tâm lý học khác của Harvard là Raymond Cattell đã sử dụng phân tích thống kê để giảm con số đó xuống còn 16 đặc điểm. Vào năm 1990, các nhà tâm lý học ở Baltimore là Robert McCrae và Paul Costa tiếp tục loại bỏ đi hai phần ba số đặc điểm, chỉ để lại mô hình “Big Five” bao gồm: hướng ngoại (extraversion), tận tâm (conscientiousness), dễ chịu (agreeableness), sẵn sàng trải nghiệm (openness to experience) và tâm lý bất ổn (neuroticism). Ngày nay, mô hình “Big Five” của họ là cơ sở của hầu hết các nghiên cứu tính cách.
Nhưng những đặc điểm này là tự nhiên hay do nuôi dưỡng? Một nghiên cứu năm 2011 cho rằng yếu tố di truyền đã đóng góp khoảng 35%. Trong một nghiên cứu khác của năm 2015, Robert Power tại Viện Tâm thần London và Michael Pluess tại Đại học Queen Mary đã kiểm tra hồ sơ cá nhân của hơn 5000 người ở châu Âu và kết luận rằng yếu tố di truyền chiếm khoảng 40 đến 60% trong việc hình thành các đặc điểm mang lại hạnh phúc.
Dù yếu tố di truyền đã chiếm khoảng một nửa trong việc hình thành tính cách của chúng ta thì vẫn còn một nửa vô cùng quan trọng đến từ môi trường mà chúng ta có thể làm chủ được. Do đó, bạn hoàn toàn có thể thay đổi tính cách của bản thân nếu bạn mong muốn trở thành một người hạnh phúc hơn. Vậy những phẩm chất mà bạn nên xây dựng là gì?
Một số nghiên cứu - ví dụ như nghiên cứu của Isabel Alburquerque ở Bồ Đào Nha và Sharon Grant ở Úc - gợi ý ba đặc điểm gắn liền với sự phát triển tích cực là có mức độ hướng ngoại và tận tâm cao, đồng thời giảm sự bất ổn về tâm lý.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây và chi tiết hơn được dẫn dắt bởi Jessie Sun và Scott Kaufman tại Đại học Melbourne cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn. Họ chia nhỏ từng đặc điểm của Big Five thành hai phần giúp bạn lựa chọn các hành vi mục tiêu của mình.
The Big Five phân chia như sau:
Tính chu đáo/tận tâm (conscientiousness) bao gồm sự siêng năng - thái độ tự kỷ luật, có hiệu quả - và trật tự - ngăn nắp, có một lối sống dựa trên thói quen.
Tính hướng ngoại (extraversion) bao gồm sự nhiệt tình - thân thiện, hòa đồng - và sự quyết đoán – có mục tiêu, tham vọng.
Dễ chịu (agreeableness) bao gồm lòng trắc ẩn (quan tâm, chăm sóc cho người khác) và lịch sự.
Sự cởi mở để trải nghiệm (openness to experience) được tạo thành từ trí tuệ - năng lực, khả năng học hỏi - và sự cởi mở chung – có triển vọng sáng tạo, giàu trí tưởng tượng và phản chiếu.
Tâm lý bất ổn (neuroticism) bao gồm sự thoái lui - cảm thấy nản chí và tự ý thức - và biến động của tâm trạng.
Vậy ta nên lựa chọn những đặc điểm nào để sống hạnh phúc hơn?
Sự nhiệt tình (một phần của hướng ngoại) và tư duy tích cực (một mức độ tâm lý bất ổn thấp) là những yếu tố quan trọng cho hạnh phúc, liên quan nhiều đến mức độ hài lòng, tự ý thức và định hướng trong cuộc sống.
Sự siêng năng (một phần của sự tận tâm), lòng trắc ẩn (một khía cạnh của sự dễ chịu) và sự cỏi mở cũng là những đặc điểm nâng cao mức độ hài lòng về cuộc sống. Sự trật tự (một phần khác của tận tâm) không có liên quan đến hạnh phúc.
Dường như công thức cho sự hài lòng lớn nhất trong cuộc sống là cung cấp sự ấm áp cho người khác, cho họ thấy sự quan tâm chân thành, nắm lấy những trải nghiệm mới và tìm những cách tích cực để suy nghĩ về những gì đang xảy ra. Tuy nhiên, cẩn thận rằng những điều ngốc nghếch có thể xuất hiện ngay từ suy nghĩ đầu tiên. Thêm một điều nữa, bạn có thể bỏ qua việc luôn phải giữ mọi thứ gọn gàng.
Ngọc Bích (Theo Nzherald.co.nz)