5 vụ thảm sát tù nhân kinh hoàng nhất trong trại giam
Hàng loạt dấu chân khổng lồ kì lạ xuất hiện tại Mỹ / Bệnh viện tâm thần ‘ma ám’ ở Mỹ và chuyện có thật về nữ y tá giết người hàng loạt
1. Vụ thảm sát ở nhà tù lớn nhất Nam Mỹ
Một trong những vụ thảm sát tù nhân chấn động nhất thế giới xảy ra ở nhà tù Carandiru, Sao Paulo, Brazil vào năm 1992. Khi đó, Carandiru chính là nhà tù lớn nhất ở Mỹ Latin, cũng là nơi giam giữ tù nhân đông nhất. Dù sức chứa tối đa của nhà tù chỉ khoảng 3.500 người, số lượng tù nhân có thời điểm đến 7.300 người.
Cảnh sát Brazil trấn áp những phạm nhân nổi loạn tại nhà tù Carandiru năm 1992. Nhà tù đóng cửa vào năm 2002. Ảnh: The Times. |
Xung đột và bạo lực thường xuyên xảy ra giữa những băng đảng trong trại giam. Ngày 2/10/1992, một tranh chấp giữa hai băng đảng ma túy vốn là đối thủ đã bùng phát thành một cuộc bạo động quy mô lớn. Tù nhân chiếm quyền kiểm soát nhà tù.
Nhà chức trách tỏ rõ thái độ cứng rắn, không nhân nhượng, không đàm phán với tù nhân. Quân đội ngay lập tức được điều động để ổn định tình hình. Ba tiếng kể từ thời điểm bạo động xảy ra, hơn 300 cảnh sát nổ súng vào các tù nhân, giết hơn 110 người tù và làm 35 người khác bị thương.
Sau này, cảnh sát bị chỉ trích vì đã sử dụng vũ lực quá mức cần thiết chỉ để răn đe tù nhân. Đến năm 2014, hơn 70 cảnh sát tham gia chiến dịch trấn áp đã nhận án tù.
2. Chiến binh Hồi giáo nổi loạn
Tháng 11/2001, lực lượng Liên minh phương Bắc (đã giải thể) ở Afghanistan bắt được khoảng 1.000 chiến binh Hồi giáo cực đoan của Taliban và al-Qaeda. Họ chuyển tù binh đến trại giam Qala-i-Jangi. Ngày 25/11, hai quan chức Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đến nhà tù để thẩm vấn các nghi phạm nhằm phục vụ cuộc điều tra vụ khủng bố 11/9. Trong cuộc thẩm vấn, một tù nhân vốn là chiến binh Taliban đã cướp được khẩu súng của lính gác và giết chết một nhân viên CIA. Sau đó, những người tù tràn lên tấn công đội bảo vệ và chiếm quyền kiểm soát nhà tù.
Bia tưởng niệm nhân viên CIA Mike Spann thiệt mạng trong cuộc nổi dậy của tù nhân ở nhà tù Qala-i-Jangi, Afghanistan. Ảnh: Wikipedia. |
Đội đặc nhiệm Anh và Mỹ nhanh chóng tới hỗ trợ trấn áp tù binh. Sau hơn một tuần, họ đã bắn hạ nhiều phạm nhân và đoạt lại quyền quản lý trại giam.
Tuy nhiên, hơn 100 tù nhân ngoan cố trú ẩn trong một căn hầm và kiên quyết không đầu hàng. Quân đội sử dụng mọi biện pháp để khuất phục tù nhân, như đổ xăng xuống hầm và châm lửa, hoặc dẫn nước vào bên trong. Cuối cùng, vì không muốn rơi vào cảnh chết đuối nên nhóm tù nhân đã chịu thua cuộc. Kết thúc chiến dịch, chỉ 86 người trong khoảng 1.000 tù nhân còn sống sau cuộc nổi loạn.
3. Tù nhân bạo động vì những hiểu nhầm
Vụ bạo động ở Trung tâm phục hồi nhân phẩm tại New York xảy ra tháng 9/1971. Vốn là một trong những nhà giam quá tải ở Mỹ nên căng thẳng hay đụng độ giữa các tù nhân là chuyện không hiếm. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến cuộc bạo động của tù nhân xuất phát từ hàng loạt hiểu lầm.
Hàng loạt hiểu nhầm về kỳ thị chủng tộc gây ra cuộc bạo động ở nhà tù tại New York. Ảnh: Huffington Post. |
Vào ngày 8/9, một nhân viên an ninh nhà tù nhầm tưởng rằng hai người tù đang đánh nhau nên đã chuyển họ đến nơi biệt giam. Sau đó, những tin đồn lan truyền khắp nhà tù rằng hai người tù trên bị tra tấn dã man. Sáng hôm sau, khoảng 1.000 tù nhân nổi loạn và chiếm một khu vực lớn trong nhà tù, đập phá đồ đạc, bắt 42 nhân viên nhà tù làm con tin.
Phần lớn những phạm nhân tham gia bạo động là người da màu và các nhóm sắc tộc thiểu số. Họ bị kích động vì cho rằng sự tàn bạo của đội an ninh là do kỳ thị chủng tộc. Cuộc bạo loạn diễn ra gần một tuần, các tù binh đòi chính quyền cam kết cải thiện điều kiện sống trong nhà giam. Ngày 13/9, thống đốc bang New York khi đó là Nelson Rockefeller điều động cảnh sát tiểu bang chiếm lại nhà tù. Kết thúc cuộc đụng độ, 29 tù nhân và 10 con tin thiệt mạng. Một trận chiến pháp lý dai dẳng diễn ra ngay sau đó. Gia đình của những nạn nhân thắng kiện và nhận được khoản đền bù tài chính đáng kể vì hàng loạt vi phạm nhân quyền của lực lượng an ninh trong quá trình chiếm lại Attica.
4. Bạo động ở nhà tù an ninh nhất
Nhà tù ở thủ phủ Santa Fe, bang New Mexico, là một trong những trại giam có hệ thống an ninh nghiêm ngặt nhất nước Mỹ. Đây cũng là nơi xảy ra vụ tù nhân nổi loạn chấn động cả nước. Rạng sáng ngày 2/2/1980, hai tù nhân ở một phòng giam trong khu E-2 tấn công một nhân viên an ninh. Vài phút sau, những người tù tiếp tục khống chế nhiều bảo vệ khác, đoạt lấy chìa khóa và mở cửa các buồng giam để huy động thêm lực lượng. Toàn khu E-2 nhanh chóng rơi vào tay tù nhân. Họ thậm chí còn tràn vào cả trung tâm điều khiển, quản lý toàn bộ việc đóng và mở cửa buồng giam, kho vũ khí.
Một khu trại giam trong nhà tù Santa Fe ở bang New Mexico. Ảnh: New York Times. |
Đàm phán giữa tù nhân và chính quyền chỉ diễn ra sau 24 giờ, vì các bên đều không có người đại diện phát ngôn thích hợp. Tù nhân đưa ra 11 điều kiện, chủ yếu yêu cầu cải thiện điều kiện giam giữ.
36 tiếng sau vụ bạo động, đội cảnh sát tiểu bang cùng cảnh vệ quốc gia mang theo vũ khí hùng hậu tiến đến nhà tù để giành lại quyền kiểm soát cơ sở này. Ít nhất 33 tù nhân thiệt mạng và hơn 200 người bị thương trong cuộc đụng độ giữa hai phe. Những báo cáo sau này nhận định cuộc bạo động là điều hoàn toàn lường trước vì điều kiện sống tồi tệ của phạm nhân: nhà tù có sức chứa 900 người nhưng giam tới hơn 1.130 tù nhân, vệ sinh không đảm bảo, chất lượng thức ăn kém, đặc biệt là quyết định kết thúc chương trình giáo dục và các hoạt động giải trí cho tù nhân.
5. Cuộc chiến đẫm máu giữa hai băng đảng buôn ma túy
Vụ ẩu đã giữa hai băng đảng buôn ma túy vốn là đối thủ tại nhà tù Apodaca vào ngày 19/2/2012 trở thành cuộc thảm sát đẫm máu nhất trong trại giam ở Mexico. Kế hoạch xây dựng nhà tù Apodaca chỉ để giam 1.500 tù nhân, nhưng thực tế đã có 3.000 người bị giam tại đây vào thời điểm xảy ra bạo động.
Cảnh sát ngăn cản cuộc biểu tình của gia đình tù nhân thiệt mạng trong cuộc ẩu đả giữa hai băng nhóm ở nhà tù tại Mexico năm 2012. Ảnh: AFP. |
Vụ bạo lực kết thúc, ít nhất 44 tù nhân được cho là thành viên của Gulf Cartel thiệt mạng. Trong khi đó, khoảng 30 tù nhân là người của Los Zetas lợi dụng tình hình hỗn loạn để chạy trốn khỏi nhà tù. Nhiều tên đến nay vẫn chưa bị bắt lại. Chính quyền đã mở cuộc điều tra hàng loạt lỗ hổng an ninh trong nhà tù, như vì sao các cánh cửa buồng giam lại mở để tội phạm có thể tiến sang gây sự ở một khu trại giam khác, hoặc vì sao tù nhân có thể bỏ trốn khỏi nhà tù. Nhiều nhân viên nhà tù đã bị kết án vì hành vi đồng lõa với tội phạm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Chỉ 4 cao thủ có thể đánh bại Cưu Ma Trí trong Thiên Long Bát Bộ: Ba trong đó là sư huynh đệ
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Cao thủ có con mắt tinh tường nhất của Kim Dung: Cả đời nhận 4 đồ đệ, hai trong đó là đệ nhất thiên hạ