Bề tôi nhà Thục hả hê nhất khi Gia Cát Lượng qua đời là ai?
Vì sao Gia Cát Lượng không dưỡng già mà lại phải 5 lần Bắc phạt? / Giải mã thời Tam quốc: Gia Cát Khác – Kỳ tài chẳng kém Khổng Minh
Ảnh minh họa.
Năm 234, Thừa tướng Gia Cát Khổng Minh của nhà Thục Hán qua đời vì bạo bệnh tại gò Ngũ Trượng trong lần Bắc phạt thứ 5.
Sự ra đi đột ngột của ông vốn là một mất mát lớn cho tập đoàn chính trị này, đồng thời cũng khiến bá quan văn võ và bách tính thường dân ở Thục quốc không khỏi thương tiếc.
Thế nhưng lúc bấy giờ, có một nhân vật lại công khai hả hê trước cái chết của Khổng Minh, thậm chí còn xem việc ông qua đời đã khiến cho Thục Hán thoát khỏi một kiếp nạn.
Nhân vật to gan lớn mật này chính là Lý Diểu – viên quan vốn bị xem là kẻ khoác lác nhất trong triều đình Thục Hán.
Lần thoát chết may mắn của viên quan ngông nghênh từng đả kích Lưu Bị
Không nổi lên nhờ chiến công hay thành tựu vang dội nào, tên tuổi của Lý Diểu thường được sử sách nhắc đến với danh hiệu chẳng mấy vẻ vang là "viên quan khoác lác nhất Thục Hán". (Ảnh minh họa).
Lý Diểu (không rõ năm sinh năm mất) vốn là người đất Ích Châu và cũng là một nhân vật không mấy tên tuổi vào thời Tam Quốc.
Tương truyền rằng ông xuất thân trong một gia đình nghèo khó và từng làm thủ hạ dưới chướng Ích Châu mục một thời là Lưu Chương.
Sử sách không ghi chép về tài năng của viên quan họ Lý, chỉ biết rằng ông rất mực trung thành với quân chủ Lưu Chương, đường quan lộ vì vậy mà cũng được xem như tương đối thuận lợi.
Năm Kiến An thứ 16, Lưu Chương nghe theo đề nghị của Trương Tùng, mời Lưu Bị tiến vào Xuyên Thục để liên thủ chống lại Trương Lỗ. Trải qua nhiều sự biến, Lưu Huyền Đức sau này đã tiến đánh và chiếm đoạt thành công địa bàn của Lưu Chương.
Dưới bối cảnh ấy, Lưu Chương cùng các thuộc hạ của mình trên cơ bản đều quy thuận Lưu Bị. Một viên quan không mấy tên tuổi như Lý Diểu cũng chẳng phải ngoại lệ.
Mặc dù đã chấp nhận quy hàng Lưu Bị, nhưng Lý Diểu vẫn từng chỉ trích vị quân chủ này là người không nhân nghĩa vì đã trắng trợn cướp đất Ích Châu của Lưu Chương. (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên ngay cả khi đã về dưới trướng Lưu Huyền Đức, Lý Diểu vẫn một mực tỏ ra bất mãn, cho rằng vị quân chủ ấy là kẻ bất nghĩa, là ngụy quân tử chỉ giỏi mị dân.
Thế nhưng ngay cả khi những lời chỉ trích kia đến tai Lưu Bị, ông vẫn chấp nhận bỏ qua cho thuộc hạ lớn mật này.
Theo lý giải của tờ Sohu, vị quân chủ họ Lưu chấp nhận "nhắm mắt làm ngơ" chủ yếu là bởi ông mới tiếp quản vùng đất Ích Châu, căn cơ chưa vững, cần sự giúp đỡ của những danh sĩ địa phương như Lý Diểu. Hơn nữa, việc hạ sát viên quan họ Lý chỉ vì một vài lời bất bình ấy sẽ phần nào làm ảnh hưởng tới danh tiếng nhân nghĩa của Lưu Hoàng thúc.
Cũng nhờ những yếu tố ấy mà Lý Diểu mới có thể an ổn gia nhập tập đoàn chính trị Thục Hán và trở thành một viên quan của triều đình Thục quốc sau này.
Hả hê trước cái chết của Gia Cát Lượng, Lý Diểu phải nhận cái kết "đắng"
Sau khi Lưu Bị qua đời, những đòn công kích của Lý Diểu lại hướng về Gia Cát Lượng và chiến dịch Bắc phạt do vị Thừa tướng này chủ trương. (Ảnh minh họa).
Sau khi Lưu Bị qua đời, tân đế Lưu Thiện lên ngôi, mọi việc quốc gia đại sự hầu hết đều do Gia Cát Lượng chấp chưởng. Vì muốn hoàn thành di nguyện lúc còn sống của Tiên chủ, Thừa tướng đã quyết tâm tiến hành chiến dịch Bắc phạt.
Mặc dù bấy giờ Khổng Minh là người nắm quyền lực tối cao trong hàng ngũ bá quan văn võ, nhưng quyết định trên của ông lại không nhận được sự đồng thuận hoàn toàn trong nội bộ. Và trong số những người bất đồng ý kiến với Ngọa Long tiên sinh, Lý Diểu là một kẻ lớn mật hơn cả.
Đối với chiến dịch Bắc phạt sắp tới, vị quan họ Lý đưa ra hai luận điểm phản đối rất gay gắt:
Thứ nhất, ông cho rằng Thục quốc mấy năm qua liên tục tiến hành chiến tranh nên cần nghỉ ngơi lấy sức.
Thứ hai, ông nhận định nước tuy lớn, nhưng hiếu chiến thì tất sẽ bại vong.
Lý Diểu cho rằng nếu như chiến dịch này thất bại, vận mệnh Thục Hán tất sẽ bị liên lụy, kết quả xấu nhất thậm chí có thể dẫn tới mối họa vong quốc.
Đối với hai lý lẽ đanh thép của viên quan họ Lý, Gia Cát Lượng tuy không phản bác, nhưng chung quy vẫn quyết định tiến hành Bắc phạt vào năm 228.
Nếu như cái chết đột ngột của Khổng Minh khiến cả Thục Hán đau xót, thì Lý Diểu lại người duy nhất ở Thục quốc tỏ ra hả hê trước mất mát này. (Ảnh minh họa).
Không ngờ rằng trong lần Bắc phạt thứ năm, Thừa tướng Khổng Minh đã vì lao lực quá độ mà lâm bệnh qua đời ở gò Ngũ Trượng.
Tin tức này vừa truyền về đã khiến Thục quốc đau buồn khôn xiết. Thế nhưng ngay ở thời điểm ấy, Lý Diểu đã cả gan làm ra một hành động hết sức ngông cuồng.
Có giai thoại truyền lại rằng, sau khi vừa nghe tin Gia Cát Lượng qua đời, viên quan họ Lý ấy đã soạn hẳn một tấu chương dâng lên cho Lưu Thiện.
Trong đó ông chỉ trích Khổng Minh là kẻ hiếu chiến khiến Thục quốc suy yến, dân chúng lầm than, từ đó đúc rút ra kết luận: Thừa tướng qua đời, Thục Hán hẳn là nên ăn mừng mới phải.
Giai thoại khác thì kể lại, vào thời điểm hay tin Khổng Minh qua đời, Lý Diểu đã ngửa mặt lên trời cười lớn và nói trong sự hả hê:
"Trời cao có mắt, Thục quốc được cứu rồi!".
Chính thái độ và lời lẽ ngông cuồng của Lý Diểu đã khiến Hoàng đế Lưu Thiện nổi trận lôi đình, khép ông vào tội làm nhục Thừa tướng và đem đi xử tử.
Dù từng may mắn thoát tội khi chỉ trích Tiên chủ Lưu Bị, thế nhưng Lý Diểu cuối cùng lại vong mạng vì những lời lẽ mỉa mai dành cho một người đã khuất, mà người ấy lại chính là Thừa tướng Gia Cát Lượng được cả Thục quốc tôn sùng.
Sau cùng, Lý Diểu đã phải trả giá bằng cả mạng sống cho những phát ngôn ngông nghênh của mình. (Ảnh minh họa).
Về cái chết của viên quan họ Lý, có ý kiến cho rằng sự phản đối và chỉ trích của ông cũng không phải là vô lý. Bởi thực tế lịch sử đã chứng minh chiến dịch Bắc phạt dưới thời Khổng Minh chưa đem lại cho Thục Hán những thành tựu như mong muốn.
Dưới mắt nhìn của Lý Diểu, cái chết của Gia Cát Lượng sẽ giúp Thục quốc không cần tiêu tốn quốc lực vào chiến dịch này, từ đó có cơ hội nghỉ ngơi dưỡng sức.
Tuy nhiên thực chất việc Khổng Minh tiến hành Bắc Phạt đã được sự cho phép và ủng hộ từ phía Hoàng đế Lưu Thiện. Do đó những lời lẽ ngông cuồng không đúng lúc đúng chỗ của viên quan họ Lý sẽ bị coi là vu khống và gây chia rẽ nội bộ.
Vì vậy có thể nói rằng, Lý Diểu bỏ mạng không phải vì đem lòng phản phúc hay do thù hằn cá nhân, mà chung quy là bởi thái độ ngông cuồng cùng những lời nói không biết lựa thời, lựa thế mà thành.
End of content
Không có tin nào tiếp theo