Lý Liên Anh (sinh 12.11.1848 - mất 4.3.1911), Đại thái giám trong triều đình nhà Thanh thế kỷ XIX, là tâm phúc bậc nhất của Từ Hy Thái Hậu. Dưới thời Từ Hy Thái Hậu, quyền lực của Lý Liên Anh có thể nói là dưới một người, trên vạn người, lấn át cả hoàng đế.
Đại thái giám Lý Liên Anh – tâm phúc của Từ Hy Thái hậu
Lý Liên Anh tên thật là Lý Tiến Hỉ, từ năm 9 tuổi đã nhập cung làm thái giám và phụng sự hậu cung Thanh qua 4 đời vua từ Hàm Phong đến Phổ Nghi. Xuất thân là kép hát, Lý Liên Anh được cho là rất đẹp trai, hát hay, được Từ Hy hết mực sủng ái.
Lý do Lý Liên Anh được Lão Phật gia cưng chiều thực chất bắt nguồn từ… "tay nghề" chải tóc trình độ thượng thừa của hoạn quan này. Theo đó, Từ Hy lúc còn trẻ đã vô cùng coi trọng việc chải đầu. Kể từ khi có Lý Liên Anh, mọi kiểu tóc của Thái hậu đều do Thái giám họ Lý đích thân lo liệu.
Lý Liên Anh cũng là kẻ nói năng khéo léo, uyển chuyển, chọc cười mà không hề thô thiển. Mỗi khi rảnh rỗi, Từ Hy thường thích nghe Lý Liên Anh kể vài câu chuyện tiếu lâm để giải khuây. Những dịp này, thái giám họ Lý luôn đem hết bản lĩnh của mình để mang lại tiếng cười cho lão Phật gia.
Trên thực tế, số lượng tâm phúc bên người Từ Hy vốn không hề ít. Nhưng những kẻ ấy cứ đến rồi lại đi, chỉ có Lý Liên Anh là người duy nhất cả đời trung thành với Từ Hy. Thậm chí tới tận lúc Từ Hy lâm chung, việc rửa mặt, chải đầu cho Thái hậu vẫn do Lý Liên Anh đích thân đảm nhiệm. Ngay cả quan tài chất đầy châu báu của bà cũng do thái giám họ Lý lựa chọn và tận tay đặt vào.
Lý Liên Anh dù vậy bị hậu thế bêu riếu vì tham vọng quyền lực mà giết hại rất nhiều đại thần nhà Thanh. Thái giám họ Lý cũng bức hiếp, đối xử tàn nhẫn với Hoàng đế Quang Tự. Sau vụ Mậu Tuất chính biến, Quang Tự bị giam trong một phòng bẩn thỉu, ăn không no, mặc không đủ chịu nhục nhã tới chết, chính là bởi chủ ý của Lý Liên Anh.
Tháng 11.1908, Từ Hy thái hậu qua đời. Lý Liên Anh biết rằng đã mất đi chỗ dựa nên đã chủ động rút lui khỏi quan trường, nhường lại địa vị Tổng quản thái giám cho Tiểu Đức Trương. Trước khi rời cung, Lý Liên Anh đã làm một việc vô cùng thức thời. Ông đem những trân bảo năm xưa Từ Hy ban thưởng cho mình để dâng tặng cho Long Dụ thái hậu.
Việc làm ấy khiến Long Dụ hết sức hài lòng. Cũng nhờ vậy mà sau khi “nghỉ hưu” Lý Liên Anh được sống yên ổn nhờ sự bảo hộ của Long Dụ. Khi Lý Liên Anh qua đời, Long Dụ thái hậu còn theo quy chế dành cho đại thần, phát cho nhà ông 2000 lượng bạc làm chi phí lo mai táng.
Bí mật động trời trong ngôi mộ Lý Liên Anh
Mộ của Lý Liên Anh, theo ghi chép của chính sử nhà Thanh, là ở Tế Trang, Hải Điện Bắc Kinh. Đây vốn là nơi để mộ của các Thái giám đời Thanh. Trước khi Từ Hy Thái hậu qua đời đã chọn cho Lý Liên Anh một khu đất cao. Vì thế, khi chết Lý Liên Anh được chôn cất ở đây.
Năm 1966, thời kì Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, một nhóm giáo viên trong thời gian “lao cải” ở Hải Điện Bắc Kinh cùng với vài Hồng vệ binh phát hiện ra một ngôi mộ cổ, được cho là nơi yên nghỉ của Lý Liên Anh.
Khai quật ngôi mộ, người ta phát hiện ra một quan tài làm từ gỗ kim ty nam màu đỏ tím vô cùng hiếm có, phần đầu trên được tạo tác kim hoa tinh xảo. Trong quá trình khai quật, giới chuyên gia còn phát hiện nhiều bảo vật có giá trị khổng lồ, trong đó quý giá nhất phải kể đến một thanh đoản đao nạm ngọc có niên đại từ thời nhà Hán, một vòng tay nam ngọc thời nhà Tống và một chiếc nhẫn ngọc phỉ thúy.
Tương truyền rằng, chiếc nhẫn ngọc phỉ thúy nằm trong mộ của Lý Liên Anh chính là bảo vật mà Cung thân vương Dịch Hân lúc sinh thời vô cùng quý trọng, nhưng sau này bị Thái hậu Từ Hy lấy đi và ban thưởng cho hoạn quan tâm phúc. Ngày nay, chiếc nhẫn ấy vẫn được trưng bày tại bảo tàng Cố cung tại Bắc Kinh.
Kho báu trong mộ Lý Liên Anh không chỉ dừng lại ở những cổ vật có niên đại hàng ngàn năm lịch sử mà còn chứa một món bảo vật vô cùng quý giá. Nhiều giai thoại truyền lại rằng, mộ của hoạn quan họ Lý có chôn theo chiếc mũ khảm một viên kim cương to hơn cả viên mà Nữ hoàng Anh Elizabeth từng sở hữu. Thế nhưng, viên kim cương ấy có hình dáng thế nào, được tạo tác ra sao thì lại chẳng mấy ai biết rõ.
Nhưng điều gây sốc hơn cả không phải là những món đồ giá trị táng trong mộ phần của Lý Liên Anh mà là sự thật về thi thể của Đại Thái Giám này. Khi quan tài được mở nắp, tất cả những gì về hài cốt của Lý Liên Anh, hiện ra trước mắt đội khảo cổ chỉ là một hộp sọ với phần xương gò má cao, hàm răng vẩu, cùng một bím tóc dài và đôi giày.
Vậy phần thân của Lý Liên Anh rốt cuộc được chôn cất tại nơi nào? Vì sao ngôi mộ đồ sộ tọa lạc trên mảnh đất rộng hơn 20 mẫu chưa đầy báu vật kia lại chỉ là nơi chôn cất phần đầu của hoạn quan khét tiếng? Thực tế này làm dấy lên rất nhiều nghi vấn về nguyên nhân dẫn tới cái chết của Lý Liên Anh.
Lý Liên Anh có đúng là chết vì bệnh?
Cuốn “Thanh bại loại sao”, vốn được coi là chính sử đáng tin cậy nhất thời Thanh chép: “Lý Liên Anh sau khi Từ Hy Thái Hậu mất, lại được Long Dụ Thái hậu tin cậy cho tới khi bị bệnh mà chết. Được Long Dụ thưởng hai nghìn lạng bạc để mai táng”.
Ghi chép của dòng họ Lý Liên Anh có đoạn “Tổ phụ ta là Lý Liên Anh, mắc bệnh cấp tính. Từ khi bị bệnh tới khi mất chỉ có 4 ngày. Hưởng dương 64 tuổi”. Trong “Lý Liên Anh mộ táng bi văn” có viết: Lý Liên Anh “sau khi về nhà, ngày càng già yếu, tạ thế vào ngày 4 tháng 3 năm Tuyên Thống thứ 3”, tức năm 1911.
Nhưng nếu Lý Liên Anh thực sự chết bệnh như chính sử ghi chép thì tại sao trong quan tài chôn cất Đại hoạn quan này chỉ có phần xương đầu mà không có phần thân và tứ chi? Nguyên nhân dẫn tới cái chết của Lý Liên Anh, bởi thế, có nhiều ý kiến rất khác nhau.
Một kiến giải đáng chú ý cho rằng Lý Liên Anh đã bị ám sát ở khu vực giữa Hà Bắc và Sơn Đông. Lý Liên Anh có một người cháu gái, gả cho một người ở huyện Vô Đệ, Sơn Đông. Ông ta gặp nạn ở ranh giới Sơn Đông – Hà Bắc khi tới thăm cháu.
Lính hầu còn sống sót duy nhất trong đoàn tùy tùng của Lý Liên Anh chỉ kịp cướp lại được phần đầu đầm đìa máu của Hoạn quan này và giữ nó trong một cái túi vải, tế ngựa chạy thẳng một mạch về Bắc Kinh. Sau đó người nhà Lý Liên Anh có trở lại tìm thi thể của ông nhưng không thấy.
Cũng có người cho rằng, Lý Liên Anh khi trở về ở Nam Hoa viên bị ám sát. Sau khi Từ Hy chết, Lý Liên Anh ở tại Nam Hoa viên, sống những ngày cuối cùng trong cô độc. Ông thường tới Đông lăng thăm mộ Từ Hy, hậu quả là một lần trên đường đi bị người ta giết.
Nói Lý Liên Anh bị ám sát, dù vì tài sản hay vì nguyên nhân nào khác cũng đều có thể xảy ra. Bởi Khi còn sống, trong triều quyền hành của ông ta rất lớn, lại dựa vào Từ Hy đã hãm hại bao người, đương nhiên có rất nhiều kẻ thù. Sau khi Từ Hy chết, Lý Liên Anh lui về dưỡng già không tránh khỏi bị người đời oán hận. Cho nên một khi không còn chỗ dựa thì gặp họa sát thân cũng là điều tất nhiên.
Tóm lại, hậu thế có thể đưa ra rất nhiều kiến giải khác nhau về cái chết của Lý Liên Anh. Thái giám họ Lý chết bệnh hay bị giết? Vì sao ông ta bị giết? Ai giết? Và giết như thế nào? Đó còn là những câu hỏi lớn chưa có lời đáp. Cho tới tận hôm nay…