Bí ẩn ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng
Được tạo nên từ viên ngọc quý Hòa thị bích, ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng là món bảo vật mà các vị vua chúa về sau vô cùng muốn chiếm được.
Vì sao Tần Thủy Hoàng phải nhẫn tâm đày mẹ ruột, giết chết hai em? / Tại sao Tần Thủy Hoàng không lập hoàng hậu suốt 37 năm cai trị?
Ngọc tỷ thực chất là một con dấu, hay ấn chương. Các nhà nghiên cứu văn hóa Trung Hoa cho rằng ấn chương đã xuất hiện từ rất sớm. Thời nhà Ân, người ta đã dùng vật nhọn để khắc hoa văn lên những hòn đá.
Biểu tượng quyền lực tối thượng
Ấn chương được xem là bằng chứng về quyền lực của người sở hữu. Dù là thương nhân hay quan lại, người mang ấn là người có thực quyền trong tay. Không còn ấn là không còn quyền.
Ngọc tỷ là ấn chương của hoàng đế, tượng trưng cho quyền lực tối thượng mà chỉ "thiên tử" mới có. Do đó, trong lịch sử hơn 2.000 năm của các triều đại phong kiến Trung Quốc từ Tần đến Thanh, các vua chúa dù là cướp ngôi hay được nhường ngôi, đều rất coi trọng việc chiếm hữu ngọc tỷ.
Chân dung Tần Thủy Hoàng. Tranh: Aboluowang.com.
Thời Tiên Tần, bất luận quan ấn hay tư ấn đều gọi là "tỷ", không có sự phân biệt lớn nhỏ và cũng không thống nhất về mặt hình thức. Cho đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Nguyên, ông mới đặt ra quy định về việc chế tạo, danh xưng và sử dụng ấn chương.
Tần Thủy Hoàng quy định rằng "tỷ" là từ dành riêng để gọi ấn triện của hoàng đế và "tỷ" phải được làm bằng ngọc, nên được gọi là "ngọc tỷ". Ấn của quan viên được chế bằng đồng.
Sự khác biệt đẳng cấp giữa các quan được quy định bằng màu sắc của dây đeo ấn.
Nói chung, quan ấn của các vương triều phong kiến Trung Quốc đi theo quy định của nhà Tần. Từ đời Hán, giấy được sử dụng một cách rộng rãi, kèm theo sự phát triển của hội họa, thư pháp, nên hình thức tư ấn rất đa dạng.
Bị chặt hai chân dù dâng ngọc quý
Sau khi Tần Thủy Hoàng diệt lục quốc, để chứng tỏ quyền uy tối cao vô thượng của mình, ông ra lệnh cho ngọc công (người am hiểu về đá quý) Tôn Thọ dùng một viên ngọc quý nổi danh đương thời là "Hòa thị bích" để tạo nên "ngọc tỷ".
Về Hòa thị bích, sử cũ còn lưu truyền câu chuyện "Biện Hòa ba lần dâng ngọc". Vào thời Xuân Thu, có người tên Biện Hòa ở nước Sở nhặt được một viên đá ngọc trên núi. Biết đây là vật báu hiếm thấy, Biện Hòa đã dâng lên Sở Lệ Vương. Sở Lệ Vương mời ngọc công đến xem qua.
Tuy nhiên, vì ngọc này thuộc loại không lộ nên người ngọc công không nhận ra, cho rằng đây là đá bình thường. Kết quả Biện Hòa bị quy tội khi quân, xử chặt chân trái. Sau này Sở Võ Vương lên ngôi, Biện Hòa lại tiếp tục dâng ngọc tặng vua, nhưng lại thêm một lần nữa hàm oan và bị chặt tiếp chân phải.
Sau khi Sở Văn Vương lên ngôi, Biện Hòa tuổi già ngồi ôm hòn đá quý dưới chân ngọn Kinh Sơn gào khóc thảm thiết. Sở Văn Vương thấy lạ, liền cho người tới tìm hiểu, sau cùng xác nhận lời Biện Hòa nói là đúng. Từ đó, viên đá quý được gọi là "Hòa thị bích" (ngọc nhà họ Hòa).
Đổi 15 tòa thành lấy ngọc
Sau khi Hòa thị bích ra đời, những truyền thuyết xung quanh nó liên tục lưu truyền. Đến đời Sở Thành Vương, Chiêu Dương diệt nước Việt và lập công to với nước Sở, được ban thưởng Hòa thị bích. Từ đây, viên đá quý bắt đầu "bôn ba".
Chuyện kể rằng, khi Chiêu Dương du ngoạn Xích Sơn, ông mở tiệc ở trên một lầu cao bên đầm nước và lấy Hòa thị bích ra cho mọi người thưởng thức. Bất ngờ một con cá to nhảy từ dưới đầm lên, kéo theo đàn cá nhỏ đủ loại. Mọi người thấy lạ liền chạy tới xem, sau đó quay trở lại thì không thấy ngọc quý đâu nữa.
Dĩ nhiên Chiêu Dương là người chán nản nhất. Ông ta nghi ngờ người học trò Trương Nghĩa đã ăn trộm nên tra tấn vô cùng độc ác. Kết quả là Trương Nghĩa quay lưng lại với nước Sở, bỏ đến nước Ngụy, cuối cùng lại làm quan nước Tần, chống lại Sở. Ngọc họ Hòa thì vẫn không tìm thấy còn Sở ngày càng có nhiều kẻ thù không đội trời chung.
Đến thời Triệu Huệ Văn Vương, Hòa thị bích bất ngờ xuất hiện tại Hàm Đan, kinh đô nước Triệu. Quan nội thị Mậu Hiền chỉ dùng năm trăm đồng vàng để mua lại vật báu này. Sau khi biết tin, Triệu Huệ Văn Vương đã nhiều lần ám chỉ muốn Mậu Hiền mang ngọc tặng lại cho mình, nhưng Mậu Hiền tiếc vật báu nên không đưa. Triệu Vương tức tối sai lính đến nhà Mậu Hiền cướp ngọc.
Câu chuyện đến tai Tần Chiêu Tương Vương. Tần vương viết thư cho Triệu vương, đề nghị dùng mười lăm tòa thành để đổi lấy ngọc. Khi đó Tần đang mạnh còn Triệu ở thế yếu, Triệu Huệ Văn Vương tiếc báu vật, không biết phải xử trí thế nào.
Giữa lúc cấp bách, viên quan Lận Tương Như đã hiến kế "hoàn ngọc quy Triệu". Trước mặt Tần vương, Lận Tương Như dọa ném vỡ Hòa thị bích, nhờ đó bảo toàn được ngọc quý. Hòa thị bích được cất trong cung đình nước Triệu một thời gian dài. Năm 228 TCN, nước Tần đánh nước Triệu và cướp được Hòa thị bích.
Bí ẩn ngọc tỷ truyền quốc
Tần Thủy Hoàng cho khắc trên ngọc tỷ làm từ Hòa thị bích 8 chữ "thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương" (nhận mệnh trời ban, tồn tại mãi mãi). Vị hoàng đế ôm mộng dùng ngọc tỷ này làm quốc bảo, lưu truyền cho con cháu thiên thu vạn đại về sau, gọi là "ngọc tỷ truyền quốc".
Có lẽ ông không ngờ rằng nhà Tần chỉ tồn tại được hai đời, đến Tần Nhị Thế thì diệt vong.
Sau khi Lưu Bang vào Hàm Dương, Tần Tử Anh đã giao lại ngọc tỷ truyền quốc cho Lưu Bang. Đến cuối thời Tây Hán, khi ngoại thích Vương Mãng cướp ngôi trong lúc hoàng đế Nhũ Tử Anh mới hai tuổi, ngọc tỷ lại rơi vào tay thái hậu Hán Hiếu Nguyên.
Theo Hán thư - Nguyên Hậu truyện, khi Vương Mãng cho người em Vương Thuấn đến chỗ thái hậu Hán Hiếu Nguyên đòi ngọc, bà quá tức giận đã ném mạnh ngọc tỷ xuống đất, khiến ngọc tỷ bị bể một góc. Về sau, Vương Mãng cho người dùng vàng khảm lại chỗ bể nhưng tì vết vẫn tồn tại từ đó.
Cuối thời Đông Hán, ngọc tỷ truyền quốc lại mất tích. Hán Thiếu Đế khi chạy trốn đã giấu ngọc tỷ trong cung, nhưng khi trở về thì không thấy đâu nữa. Không lâu sau, khi thái thú Tôn Kiên đánh bại Đổng Trác, ngọc tỷ truyền quốc được tìm thấy ở phía nam thành Lạc Dương.
Ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng hiện ở đâu vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Ảnh minh họa: Lishiquwen.com. |
Từ đó cho đến thời nhà Đường, trải qua bao binh biến, ngọc tỷ truyền quốc cũng không ngừng đổi chủ. Món bảo vật được cho là mất tích vào thời Ngũ Đại. Từ thời Tống Thái Tổ về sau, không có ai thấy nó nữa.
Tuy nhiên, ngọc tỷ truyền quốc vẫn không ngừng xuất hiện trong các thư tịch. Vào năm thứ 3 Triệu Thánh thời Bắc Tống, một người nông dân ở Hà Nam khi đào móng nhà đã phát hiện một ngọc ấn. Hơn mười học sĩ giám định đều cho đây là ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng. Năm thứ 13 Minh Hoằng Trị lại có người phát hiện ngọc tỷ, nhưng hoàng đế cho rằng không phải đồ thật.
Từ đầu triều Thanh, một ngọc tỷ khắc 8 chữ "thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương" được giấu trong cung. Thế nhưng, hoàng đế Càn Long không mấy quan tâm đến vì cho đó là đồ giả. Vậy thì ngọc tỷ truyền quốc thật đang ở đâu, câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có lời giải.
Theo PV/Zing
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Quái vật Bigfoot hiện nguyên hình giữa màn đêm, ảnh cận cảnh khiến netizen thế giới sửng sốt?
Điều gì sẽ xảy ra nếu phi hành gia đi tè trên mặt trăng? Hậu quả vô cùng kinh khủng
Cột tin quảng cáo