Trong lịch sử chiến trận của Trung Quốc thời phong kiến ít có tướng tài sánh được với Quan Vũ. Ngoài việc hợp nhất làm một với Thanh Long Yển Nguyệt Đao và ngựa Xích thố gây nỗi khiếp sợ cho địch thủ, Quan Vũ còn biết nhờ “trời” để giúp mình đánh giặc.
Thời Tam quốc, Quan Vũ từng vượt năm ải, chém sáu đại tướng của Tào Tháo, trở về với Lưu Bị. Cục diện tranh quyền đoạt vị giữa Ngụy, Thục và Ngô đã giúp tên tuổi của ông trở thành huyền thoại.
Tình hình chiến sự Ngụy, Thục, Ngô
Sau khi Lưu Bị (nước Ngụy) chiếm được Ích Châu, Tôn Quyền (nước Ngô) bất ngờ cho người sang đòi lại Kinh Châu (vùng đất trước đó Lưu Bị và bộ tướng ở nhờ). Sự kiện này suýt chút nữa đã phá vỡ liên minh Thục - Ngô chống Ngụy. Bấy giờ, Tào Tháo (nước Ngụy) chuẩn bị binh lực đánh chiếm Hán Trung, uy hiếp Ích Châu và cả vùng đất của Tôn Quyền. Người đứng đầu Đông Ngô đã chọn giải pháp chia đôi Kinh Châu, phía Tây thuộc Lưu Bị và phía Đông an toàn hơn thuộc về Tôn Quyền.
Giải quyết xong vấn đề Kinh Châu và liên minh quân sự, Lưu Bị tập trung binh lực vào chống Tào Tháo, đồng thời cử quân sư Gia Cát Lượng trấn giữ Thành Đô, ông tự mình cùng Pháp Chính đem đại quân tiến vào Hán Trung. Nhận được mật tin, Tào Tháo cũng trực tiếp dẫn đại quân đóng ở Trường An chỉ huy chiến trận Hán Trung. Trải qua hơn một năm dòng chiến đấu và cầm cự, quân Thục giành được thắng lợi quan trọng ở Dương Bình quan, tướng Ngụy là Hạ Hầu Uyên tử trận, Tào Tháo buộc phải ra lệnh lui quân về đóng ở Trường An.
Qua trận này, Ích Châu được củng cố, Lưu Bị được tôn làm Hán Trung Vương. Kế hoạch tiếp theo trong sự nghiệp giành lại binh quyền cho nhà Hán là tấn công đánh bại Tào Tháo. Theo chiến lược ban đầu đề ra, quân Thục chia làm hai hướng tiến đánh Trung Nguyên, cánh quân phía Tây vừa giành thắng lợi, tạo cơ sở cho cánh quân phía Đông (do Quan Vũ trấn nhậm) từ Kinh Châu đánh vào Trung Nguyên.
Nhờ trời tử chiến diệt bảy đạo quân
Nhận được lệnh của chủ tướng Lưu Bị, Quan Vũ giao binh quyền lại cho tướng Giang Lăng và Công An giữ thành, tự thân dẫn đại quân tiến đánh Phàn Thành - căn cứ quân sự của quân Ngụy. Tướng giữ Phàn Thành là Tào Nhân biết Quan Vũ là tướng tài nước Thục nên vội cấp báo về Trường An. Ngay lập tức, Tào Tháo phái hai đại tướng Vu Cấm và Bàng Đức chia làm bảy đạo chi viện, đóng quân phía ngoài bảo vệ Phàn Thành. Kịch chiến đẫm máu nổ ra.
Trong khi đạo quân Thục do Quan Vũ dẫn đầu đang cự chiến với hai tướng nhà Ngụy chưa phân thắng bại thì vùng Phàn Thành có mưa lớn, mùa mưa đã tới. Nước sông Hán Thủy vì vậy dâng cao, có chỗ ngập hơn 3 mét. Trại quân của Vu Cấm bị lụt phải rút lui lên vùng đất cao hơn.
Thời cơ thuận lợi cho Quan Vũ tiêu diệt quân Ngụy đã tới. Dự tính được việc mùa mưa đang đến gần và Phàn Thành có địa hình trũng, Quan Vũ đã bí mật chuyển bị các chiến thuyền. Sau khi vây chặt Vu Cấm, cho quân lính chiêu hàng quân Ngụy. Không còn đường lui, tướng Ngụy là Vu Cấm đầu hàng. Trong lúc đó, Bàng Đức thông minh hơn, dẫn một cánh quân khác đóng ở một con đê cao, song Quan Vũ đã xua đại quân cùng chiến thuyền đến quyết tiêu diệt.
Theo Lâm Hán Đạt và Tào Dư Chương trong Lịch sử Trung Quốc 5000 năm và Tam Quốc chí tập 2 (Thục thư) khi quân lực của Quan Vũ dùng tên bắn như mưa vào đại quân Ngụy, một bộ tướng của Bàng Đức thấy thế quân Thục mạnh quá, khuyên chủ tướng đầu hàng. Bàng Đức liền tuôt gươm chém chết tại trận, binh lính thấy vậy liều chết chống lại quân Thục. Hai bên kịch chiến không phân thắng bại trong nửa ngày. Sau đó vì hết cung tên, Bàng Đức cho quân rút lui.
Tuy nhiên, trời mưa to, nước mỗi lúc một cao, phần đê không ngập nước càng bị thu hẹp lại. Thủy quân của Quan Vũ nhân đó dùng hàng trăm thuyền chiến và cung tên tấn công dữ dội, tha hồ chém giết, quân Ngụy lũ lượt đầu hàng. Biết không thể cầm cự được, tướng Bàng Đức tìm cách trốn khỏi tử chiến, song bị bắt sống. Như vậy, nhờ “trời” giúp sức mà Quan Vũ và quân Thục có thể nhanh chóng giành được thắng lợi về quân sự, uy hiếp quân Ngụy ở Trường An.
Cục diện Tam quốc sau chiến thắng
Đánh tan 7 đạo quân bảo vệ Phàn Thành, Quan Vũ Thừa thắng dâng lên, dựa vào mưa lũ làm thành yếu định san phẳng Phàn Thành tiến về kinh đô bắt Tào Tháo. Song, tướng giữ thành là Tào Nhân được Mãn Sủng khuyên “Nước lũ không thể kéo dài, chỉ mấy ngày nữa là sẽ phải rút. Nghe nói Quan Vũ đang tìm một con đường khác để tiến quân lên phía Bắc. Nhưng ông ta vẫn chưa dám thực hiện, chỉ vì sợ chúng ta ở đây chặn mất đường về. Nếu chúng ta bỏ Phàn Thành thì một dải đất Hoàng Hà về phía Nam sẽ mất. Mong tướng quân cố gắng giữ gìn vững ít ngày nữa”. Thấy có lý, Tào Nhân động viên binh sĩ tử chiến giữ thành.
Bấy giờ Tào Tháo vừa đến Lạc Dương, nhận được tin thất trận đã tổ chức họp quan lại và có ý kiến sẽ bỏ Hứa Đô để tránh mũi tiến quân của Quan Vũ. Lúc này, quân sư của Tào Tháo là Tư Mã Ý đã bình thản giải nguy cho nước Ngụy bằng kế ly gián Thục với Ngô “Đại vương tất phải lo lắng. Hạ thần thấy giữa Lưu Bị và Tôn Quyền tuy bề ngoài hòa hảo, nhưng bên trong vẫn ngờ vực lẫn nhau. Lần này Quan Vũ thắng trận, Tôn Quyền nhất định không vui. Chúng ta nên cử người đến du thuyết với Tôn Quyền, phong cho ông ta chính thức cai triji miền Giang Đông và hẹn với ông ta cùng đánh Quan Vũ. Như vậy Phàn Thành sẽ được giải vây”. Ngay lập tức, Tào Tháo phái sứ giả sang thương thuyết với Đông Ngô.
Theo Đan Linh/kienthuc.net.vn