Khám phá

Bí ẩn “thung lũng trường thọ” nơi xứ Mường

Xã Vân Sơn nghèo nhất huyện miền núi Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao sừng sững.

Bãi đá Móng Rồng - Thung lũng tình yêu trên đảo Cô Tô / 'Thung lũng chết' ở Nga và những hiện tượng kỳ lạ bay lên khỏi lòng đất

Tuy nhiên, vùng đất này lại được gọi là “thung lũng trường thọ” với rất nhiều cụ già trên dưới 100 tuổi.

Hàng ngày, họ vẫn đi lên rừng lấy củi, hái thuốc, tự làm được mọi công việc bình thường mà không cần đến sự trợ giúp của con cháu.

Bí ẩn “thung lũng trường thọ” nơi xứ Mường 1

Cụ Hà Thị Ịm nay đã 103 tuổi, hiện cụ là người lớn tuổi nhất tại xã Vân Sơn

90 tuổi vẫn lên rừng, làm nương

Sau khoảng hơn 2 tiếng di chuyển từ trung tâm huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) trên tuyến đường quanh co, heo hút, chúng tôi cũng đến được xã Vân Sơn - nơi có những nếp nhà của đồng bào dân tộc Mường nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá.

Trong ánh nắng chiều nhàn nhạt, cụ Bùi Văn Dếch, năm nay 92 tuổi, sống tại xóm Chiến, xã Vân Sơn, đang tự tay mình làm công đoạn khó của chiếc gùi đó là tạo khung ngoài. Việc này đòi hỏi vừa phải có sức khỏe và sự minh mẫn.

Cụ Dếch kể: “Hai năm trước tôi vẫn còn có thể đi chăn trâu, chăn bò giúp con cái và tôi vẫn lên rừng lấy lá thuốc về uống không nhờ ai. Tuy nhiên, hai năm nay, con cháu trong nhà không cho đi làm nữa. Ở nhà, tôi làm vườn, chăm gà lợn, nấu ăn, làm những vật dụng trong gia đình thường dùng”.

 

Chuyện những cụ ông, cụ bà 80 - 90 tuổi vẫn lên nương là chuyện không hiếm ở Vân Sơn.

Gặp cụ Hà Thị Chỉ, bán nước trên đường vào xã, chúng tôi được cụ cho hay, tầm này vào các nhà, thường chưa gặp được các cụ già vì nhiều cụ vẫn còn trên nương rẫy. Các cụ đi hái thuốc, hái măng, nhặt cành củi nhỏ...

“Thường các cụ trên 90 thì con cháu không cho đi làm nữa mới phải chịu, chứ ở nhà cũng chả ngồi yên đâu, loay hoay đủ việc quanh nhà từ sáng đến tối đấy”, cụ Chỉ nói.

Người lớn tuổi nhất hiện tại là cụ Hà Thị Ịm, ở xóm Bách, xã Vân Sơn nay đã 103 tuổi (sinh năm 1918). Cụ sống cùng con trai út, người con gái đầu của cụ nay đã 80 tuổi.

Cụ Im dáng người nhỏ, làn da trắng đầy đồi mồi, đôi mắt đã mờ, nhưng vẫn đứng lên ngồi xuống, đi lại được và rất minh mẫn, đủ sức khỏe ngồi nói chuyện với PV cùng con cháu trong nhà trong thời gian dài.

 

Cụ Ịm bảo, khi còn khỏe, cụ vẫn lên nương lên rẫy cùng các con, làm việc nhà, giờ mắt kém nên con cháu không cho làm gì nữa.

“Bí quyết” trường thọ giản đơn

Bí ẩn “thung lũng trường thọ” nơi xứ Mường 2

Vẻ đẹp hoang sơ của người dân tộc Mường bên nếp nhà sàn truyền thống

 

Cụ Ịm chia sẻ, để có sức khỏe như bây giờ cụ sử dụng kinh nghiệm mà người xưa truyền lại, là sử dụng các lá thuốc hái trên rừng, đem về nấu nước uống hàng ngày, vì rất tốt cho sức khỏe. Khi cụ còn trẻ cũng hạn chế việc uống rượu, luôn giữ cho tinh thần tỉnh táo.

“Cần nhất là sử dụng các loại lá cây trong thời gian hậu sản, nó giúp người phụ nữ sau khi sinh nhanh hồi phục sức khỏe, đây là bài thuốc chỉ riêng nơi đây còn lưu truyền từ các thế hệ trước”, cụ Ịm nói.

Lá trên núi, vỏ cây trong rừng, người dân Vân Sơn không có tên gọi cụ thể cho từng loại nhưng quanh năm uống bằng thứ nước ấy. Và chỉ có họ mới biết lá nào, vào mùa nào là không nên hái.

Theo cụ Ịm, thức ăn hàng ngày cũng là yếu tố quyết định lớn, do người dân nơi đây tự trồng trọt, chăn nuôi làm thực phẩm trong gia đình.

 

“Ngày xưa, tôi chỉ ăn các loại củ mài, khoai, sắn, ngô và cơm, khổ lắm, không được ăn nhiều thứ như bây giờ. Nhưng chính đó là những loại thực phẩm sạch, giàu chất dinh dưỡng mà không gây hại cho cơ thể”, cụ Ịm cho hay.

Cụ bà Hà Thị Chỉ cũng chia sẻ, bí quyết giúp người dân nơi đây sống thọ và có sức khỏe tốt đến như vậy là do khí hậu xã Vân Sơn mát mẻ quanh năm, nguồn thức ăn sạch sẽ, đảm bảo, không sử dụng đến các chất hóa học, thức ăn công nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi.

Tất cả nguồn thực phẩm đều là tự cung tự cấp. Đặc biệt, người địa phương cũng có nhiều vô số bài thuốc nam vừa có thể chữa trị bệnh rất hiệu quả, vừa là thuốc bổ giúp người bệnh nhanh khỏe hơn.

“Phần lớn người dân đều sinh sống bằng nghề nông lâm nghiệp, mỗi ngày đều thức dậy sớm làm nương, làm rẫy. Có thể chính các hoạt động sản xuất hàng ngày là một biện pháp rèn luyện sức khỏe giúp mọi người khỏe mạnh”, cụ Chỉ cho hay.

Ông Hà Công Cọt, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi xã Vân Sơn cho biết, xã Vân Sơn có 564 cụ ở độ tuổi từ 60 -v99, trong đó có 30 cụ trên 90 tuổi. Phần lớn các cụ sống thọ là phụ nữ.

 

“Vân Sơn hiện vẫn bị xếp vào xã nghèo nhất nhì huyện Tân Lạc, nhưng con người nơi đây có tuổi thọ rất cao. Cả xã có hơn 1.000 nóc nhà với hơn 5.000 nhân khẩu thì có rất nhiều cụ già thọ trên dưới 100 tuổi mà vẫn minh mẫn, khỏe mạnh”, ông Cọt tự hào khoe.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm