Khám phá

Bí ẩn về Jeanne d'Arc – Nữ chiến binh thần thánh của Pháp

Cái chết bất tử của Jeanne d'Arc xảy ra sau khi nữ thiếu niên anh hùng đưa nước Pháp thoát khỏi miệng vực thất bại trong cuộc Chiến tranh Trăm năm. Jeanne bị xử tử vì tội dị giáo, nhưng 500 năm sau đã được Vatican phong Thánh.

Aogashima: Ngôi làng nằm trong miệng núi lửa / Wakizashi: Lưỡi kiếm đẫm máu của Samurai

Jeanne d'Arc (hay Joan of Arc - Joannexứ Arc) không xác định sẽ trở thành một người tử vì đạo, nhưng khi đối mặt với cái chết dưới ngọn lửa thiêu, bà đã chấp nhận vinh dự không thể chối bỏ đó.
Tranh vẽ hình tượng Jeanne d'Arc. Ảnh: Wikimedia Commons
Tranh vẽ hình tượng Jeanne d'Arc. Ảnh: Wikimedia Commons

Chiến binh được Chúa giao phó

Vào thời Jeanne d'Arc, nước Pháp đang trong tình trạng thê thảm. Cuộc Chiến tranh Trăm năm bắt đầu từ năm 1337 xuất phát từ cuộc tranh cãi về quyền thừa kế ngai vàng nước Pháp.

Vị vua trị vì nước Pháp khi Jeanne ra đời là Charles VI, thỉnh thoảng lại lên cơn điên, nên không thể lãnh đạo đất nước. Em trai Nhà Vua, Công tước Louis xứ Orléans và em họ vua là Jean sans Peur, Công tước xứ Burgundy, tranh giành ngôi nhiếp chính cùng quyền bảo trợ cho con cái Nhà vua. Cuộc tranh giành này dẫn tới việc họ buộc tội Hoàng hậu Isabeau xứ Bavaria ngoại tình, và bắt cóc con Vua Charles VI. Đỉnh điểm của cuộc xung đột diễn ra khi Công tước xứ Burgundy hạ lệnh cho người tìm cách ám sát Công tước xứ Orléans vào năm 1407. Lợi dụng tình hình rối ren, Vua Anh là Henry V đưa quân xâm lược Pháp, giành chiến thắng trong trận Agincourt năm 1415, lần lượt đánh chiếm các thành phố ở miền Bắc đất nước.

Sinh năm 1412 trong một gia đình nông dân ở miền Đông Pháp, năm 17 tuổi Jeanne tuyên bố mình nhận được thiên khải từ thiên sứ, trao cho cô trọng trách giúp giải phóng nước Pháp khỏi ách thống trị của quân Anh trong giai đoạn cuối cuộc Chiến tranh Trăm năm.

 

Lúc này nhiều người trong vùng cũng tin vào một lời tiên tri rằng nước Pháp sẽ được cứu giúp bởi một người phụ nữ trẻ. Khi Jeanne kể lại những gì mình trải qua với mọi người, nhiều người nghĩ rằng cô chính là người phụ nữ đó.

Chú thích ảnh
Jeanne d’Arc tuyên bố mình được Chúa trời giao phó trách nhiệm giải phóng nước Pháp. Ảnh: Wikimedia Commons

Nhiệm vụ của Jeanne là phải thuyết phục được Vua Charles VII tin rằng cô có thể cứu nước Pháp. Lúc này Vua Henry VI của Anh và Charles VII đều tuyên bố mình là Vua Pháp.

Charles VII, khi đó chưa chính thức lên ngôi, đã tham khảo ý kiến các cố vấn, và đồng ý rằng Jeanne có thể chính là người phụ nữ được tiên tri sẽ giúp giải phóng nước Pháp. Tháng 4/1429, Charles VII cử Jeanne đến giải vây cho thành Orléans đang bị quân Anh và phe Burgundy đối địch vây hãm. Dưới sự lãnh đạo của Jeanne, chỉ trong vòng 9 ngày, người Pháp đã giải phóng thành phố Orleans. Mặc dù chịu nhiều vết thương, Jeanne trở thành một nữ anh hùng, một thủ lĩnh quân sự và tinh thần quan trọng cho binh sĩ Pháp khi mới 17 tuổi.

Jeanne chưa bao giờ biết đọc, biết viết hay đếm nổi một con ngựa. Tuy nhiên, bà lại là một chiến binh khôn ngoan và gan dạ hiếm có. Dưới sự lãnh đạo của Jeanne, phe Orleans liên tiếp chiến thắng, mở đường cho lễ đăng quang của Vua Charles VII vào tháng 7/1429. Sự kiện này cũng đặt dấu ấn quan trọng trong việc củng cố sĩ khí quân đội và mở đường cho những thắng lợi cuối cùng của quân Pháp trước kẻ thù.

Do những sai lầm của triều đình Charles VII, quân Pháp sau đó chịu nhiều tổn thất trước lực lượng Anh và phe Burgundy. Jeannes d'Arc bị bắt sống khi ở lại bọc hậu cho quân lính rút lui trong một trận giao chiến với người Burgundy vào tháng5/1430.

 

Chú thích ảnh
Jeannes d'Arc bị bắt giữ. Ảnh: Wikimedia Commons

Cái chết bất tử

Quân Burgundy bán Jeannes d'Arc cho người Anh. Họ đưa nữ anh hùng ra xét xử tại một tòa án tôn giáo ở thị trấn Rouen (tỉnh Normandy) với hy vọng sẽ giết cô một lần và mãi mãi.

Phiên tòa bắt đầu vào tháng 2/1431, và câu hỏi duy nhất là người Anh sẽ mất bao lâu cho việc tìm ra một cái cớ để xử tử Jeannes. Danh sách các cáo buộc bao gồm: mặc quần áo đàn ông, hoạt động dị giáo và phù thủy. Lý do là sau khi bị bắt, thay vì bị canh giữ bởi các nữ tu như quy định, Jeanne đã bị đẩy vào nơi giam giữ chung với đàn ông. Tại đây, do bị tấn công tình dục, Jeanne buộc phải mặc quần áo đàn ông để tránh bị lạm dụng.

Chú thích ảnh
Hồng y Winchester thẩm vấn Jeanned'Arc trong nhà tù. Ảnh:Wikimedia Commons

Tòa án do Anh lập ra đã dùng đủ mọi cách để có lý do chính đáng kết tội Jeannes, nhưng trước mỗi lời cáo buộc, nữ anh hùng trẻ tuổi lại đưa ra những lý lẽ hùng hồn bác bỏ.

Theo luật, tòa chỉ có thể kết án tử hình với tội dị giáo nếu đương sự liên tục phạm tội. Ban đầu bị kết án tù chung thân, nhưng trước mối đe dọa bị tấn công tình dục ngay khi bị giam trở lại, Jeanne d'Arc đã tiếp tục mặc quần áo nam. Sự tái phạm này đã cung cấp lý do cho bản án tử hình đối với cô.

 

Chú thích ảnh
Jeanne d'Arc trên cột lửa thiêu. Ảnh: Wikimedia Commons

Các nhân chứng kể lại rằng cuộc hành quyết bằng cách thiêu sống trên dàn thiêu diễn ra vào ngày 30/5/1431 tại thị trấn Rouen (tỉnh Normandy, Pháp). Bị trói trên một cây cọc cao, Jeanne còn xin hai vị giáo sĩ nâng cây thánh giá trước mặt mình.

Sau khi người nữ anh hùng chết trong ngọn lửa, người Anh đã gạt đống tro để lộ thi thể cháy thiêu của cô, nhằm đảm bảo không ai có thể cho rằng Jeanne đã trốn thoát. Họ tiếp tục đốt thi thể Jeanne thêm hai lần nữa để biến mọi thứ thành tro bụi, sao cho không ai có thể thu thập được mảnh thân xác nào làm thánh tích. Cuối cùng, quân Anh ném tro xác người anh hùng xuống sông Seine.

Sau cái chết vĩ đại của Jeanne, cuộc Chiến tranh Trăm năm còn tiếp tục kéo dài thêm 22 năm nữa. Jeanne d'Arc trở thành một nhân vật huyền thoại trong suốt bốn thế kỷ tiếp theo. Gần 500 năm sau, Tòa thánh Vatican cuối cùng mới xóa bỏ bản án kết tội dị giáo của cô. Jeanne d’Arc được phong tước Thánh vào năm 1920 và sau này được nền Cộng hòa Pháp lấy làm biểu tượng "Mẹ Tổ quốc".

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm