Người dân ở "vùng tam giác vàng" xưa nay vẫn truyền tai nhau về hậu vận của những người từng "trúng" kho báu. Đa phần họ có những kết cục bi thảm, người chết tức tưởi không lý do, kẻ bị điên rồi tự gieo mình xuống ghềnh đá mà tự sát. Chính vì thế, một số người dân nơi đây, sau khi đào được đồ cổ hiện vẫn còn hoang mang, tìm thày mo về cúng bái giải hạn, hao tốn không ít tiền bạc, của cải.
Bi kịch của dòng họ tìm được báu vật (?)
Từ trước đến nay, “vùng tam giác vàng” vẫn được người dân ở các vùng lân cận cho là nơi bình yên, ít phức tạp như những nơi khác khi có sự xuất hiện của vàng, bạc, đồ cổ. Tuy nhiên, chính đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng này lại một mực khẳng định rằng những ai tìm được đồ cổ từ trước đến nay đều phải chịu kết cục thê thảm.
Tìm hiểu thực hư về những tin đồn gây hoang mang dư luận trên, PV đã gặp già làng Hoàng Văn Phản (80 tuổi) ở thôn Ta Tán, xã Khánh Thiện (Lục Yên, Yên Bái).
Già làng Phản cho biết: "Hơn 30 năm về trước, ở trong thôn có gia đình nhà ông Hoàng Văn Thắng liên tiếp đào được vàng miếng, lục bình cổ dưới nền nhà. Không lâu sau, những thành viên trong gia đình ông đều chết một cách kỳ lạ. Ông Thắng tử vong bất thường, một năm sau vợ ông cũng đột tử.
Không dừng ở đó, những đứa con của ông cũng đoản mệnh, đứa thì nghẹn cơm mà chết, đứa thì hóa điên dại. Người con duy nhất tên Bố Duyn (tên thật là Hoàng Văn Anh) con ông Thắng còn sống. Nhưng bỗng dưng điên dại. Sau khi Bố Duyn được người thân nhờ thày mo cúng bái thì vợ Duyn lại phát bệnh. Bởi vậy mà người thân, họ hàng ông Thắng mới hoang mang đi tìm lời giải từ phía tâm linh.
Trong khi vẫn chưa biết nguyên nhân của những cái chết này do đâu thì tin đồn hoang đường về kho báu gia đình ông Thắng bị yểm bùa đã được người dân rêu rao khắp nơi", già làng Phản tiếp lời.
Chuyện lạ, kho báu nhiều vô kể ở "vùng tam giác vàng" còn được lưu truyền bởi nhiều câu chuyện được người dân thêu dệt lên. Theo lời ông Phản: "Gốc đa lớn nằm cạnh cầu tràn thuộc thôn Tông Áng, xã Khánh Thiện có khả năng được chôn nhiều cổ vật nhất, nhưng dân làng chẳng ai dám đào lên cả.
"Nhiều lời đồn rằng, cây đa đó có thần cây bảo vệ, nên từ xưa trong làng đã có người có ý định khai quật lên lấy châu báu nhưng đều có kết cục thê thảm. Những lời đồn quái dị đó khiến dân làng sống trong lo sợ"- đôi mắt đỏ ngầu, già làng Phản tâm sự
Giải mã lời đồn “bùa trú” trong kho báu
Những tin đồn về bùa chú được yểm trong cổ vật được thêu dệt lên ngày càng nhiều khiến người dân hoang mang lo sợ. Một năm về trước, Anh Hoàng Văn Chóng ở thôn Tông Mô, Khánh Thiện (Lục Yên, Yên Bái) đào được cổ vật hình con voi khiến gia đình anh đến thời điểm hiện tại vẫn hoảng loạn. Gia đình có con gà, con vịt chết anh Chóng cũng mời thầy mo về cúng bái. Có ai đau ốm điều đầu tiên anh Chóng nghĩ đến do bị yểm bùa. Từ ngày đào được cổ vật, cuộc sống của gia đình anh bị đảo lộn.
Anh Chóng tâm sự: "Dù chưa bao giờ tận mắt chứng kiến công hiệu của bùa chú, nhưng nghe tin đồn nhiều khiến tôi cũng sợ hãi. Cứ vài tháng thày cúng đến nhà một lần, giờ thì tôi cúng một tháng 3 lần mới thấy yên tâm. Chứ hết gà, vịt chết, lại đến người nhà ốm đau triền miên mà khiến bản thân mình sợ hãi mà phải tìm đến thày mo thôi".
Lý giải về thực hư những lời đồn ma quái, bùa yểm trong báu vật cổ, ông Hoàng Văn Hách, chủ tịch UBND xã Khánh Thiện cho biết: “ Công nhận ở xã tôi và 2 xã lân cận là Tiên Yên và Vĩnh Phúc có rất nhiều người tìm được đồ vật cổ của người xưa để lại. Tuy nhiên chuyện yểm bùa thì bản thân tôi cho rằng hoàn toàn không có. Bởi trước hết không có cơ sở kiểm chứng là có thế lực siêu nhiên. Còn về gia đình của Duyn tôi nghĩ đó chỉ là trường hợp ngẫu nhiên mà vợ chồng anh này phát bệnh. Thêm vào đó, do người dân sợ hãi rồi đồn thổi là có bùa chú chứ không có thật, bản thân tôi cũng hay thường đi mua đồ cổ về trưng bày mà có sao đâu. Về vấn đề này chính quyền sẽ kiên quyết định hướng người dân nên có những cái nhìn thực tế hơn ”.