Khám phá

Bí mật động trời về thân thế của vua Càn Long: Giọt máu 'lạc loài' người Hán?

Vua Càn Long nổi tiếng đa tình, lắm thê thiếp nhưng chính thân thế của ông đến nay vẫn còn gây ra những tranh cãi không ngừng.

Mối tình "tiền kiếp luân hồi" của tiến sĩ và mỹ nhân huyền bí nhất Việt Nam / Người thầy nổi danh hiến kế giúp vua Quang Trung đại phá quân Thanh

Theo chính sử, Càn Long tên thật là Hoằng Lịch, con trai của Hoàng đế Ung Chính và là vị vua thứ 6 của Thanh triều.Trong 60 năm thân chính, Càn Long Đế học theo Khang Hi Hoàng đế tổ chức Nam tuần 6 lần với lý do trấn an bách tính vùng Giang Nam.

Tuy nhiên, điều đặc biệt ở chỗ lịch trình hai lần tuần du đầu của Càn Long rất giống Khang Hi, chỉ lần thứ 3 trở đi, vị vua này liên tục chọn Hải Ninh làm điểm dừng chân với lý do thị sát công trình sông Tiền Đường. Mặc dù lời giải thích này rất chính đáng, nhưng trong thiên hạ vẫn truyền tai nhau giai thoại rằng Càn Long đến đây thực chất là để thăm cha mẹ ruột của mình.

Thế nhưng, Càn Long là Hoàng đế nhà Thanh vậy thì ắt phải là máu mủ ruột thịt của dòng họ Ái Tân Giác La. Vậy giai thoại kỳ lạ kia bắt đầu từ đâu?

Giai thoại vua Ung Chính đổi con lấy ngai vàng

Truyền thuyết kể lại rằng, vào ngày 13/8/1711 (năm Khang Hi thứ 50), Ung Thân vương (con trai thứ 4 của Hoàng đế Khang Hi, sau được gọi là Ung Chính) đã hạ sinh một công chúa. Cũng cùng ngày hôm đó, vợ của Trần Thế Quán, thường gọi là Trần Các Lão - một viên quan người Hán có quan hệ mật thiết với Ung Thân vương - cũng sinh hạ một người con trai.

Càn Long Đế.
Càn Long Đế.

Trong khi đó, vào thời điểm lúc bấy giờ, ngôi vị thái tử ở Đông cung vẫn còn bỏ trống mà Ung Thân vương lại không có nhiều con. Do đó, khi hay tin Trần gia sinh con trai, Ung Thân vương đã không ngần ngại đổi Cách Cách mới sinh của mình lấy con trai nhà Trần gia về nuôi nấng, để tranh thủ cơ hội ngồi vào ngai vàng.

Do từng trải chuyện chốn quan trường, Trần Các Lão đã dọn nhà về quê ở Hải Ninh sinh sống, để Ung Thân vương yên tâm mà cho gia đình ông một con đường sống. Tuy mất con trai, nhưng Trần Các Lão luôn tự động viên, an ủi mình rằng con mình vẫn được sống sung sướng ở vương phủ với địa vị đích tử, biết đâu có tương lai sáng lạng.

Nhân vật Càn Long trong phim Diên Hi công lược.
Nhân vật Càn Long trong phim Diên Hi công lược.

Đứa con trai của Trần gia sau khi vào Ung vương phủ đã được Ung Thân vương đặt tên cho là Hoằng Lịch, tức Càn Long sau này. Ngay sau khi gặp Hoằng Lịch, Khang Hi đã vô cùng yêu mến vị A ca thông minh, sáng sủa này. Khi còn sống, Khang Hi đã đích thân dạy dỗ Càn Long và hành động truyền ngôi lại cho Ung Chính là để “dọn đường” kế vị cho cháu cưng của mình.

Nghi vấn về thân thế Càn Long không phải không có bằng chứng

Không phải ngẫu nhiên mà giai thoại Càn Long là giọt máu “lạc loài” người Hán lại được lưu truyền rộng rãi tới vậy. Bởi từ xưa tới nay đã có không ít bằng chứng lịch sử âm thầm ủng hộ quan điểm này.

Đầu tiên là việc Càn Long 6 lần tới tuần du Giang Nam, trong đó có tới 4 lần ông chọn Hải Ninh là điểm nghỉ chân và đều chọn ở lại tại phủ nhà họ Trần. Sự thay đổi lịch trình bất thường khiến hậu thế đều tin rằng ông tới đây để thăm lại cha mẹ đẻ của mình.

Biệt phủ Trần gia tại Hải Ninh.
Biệt phủ Trần gia tại Hải Ninh.

Thứ hai, con gái của Ung Chính đổi cho Trần gia năm xưa sau này đã thành thân với Tưởng Phổ, con trai của Đại học sĩ Tưởng Đình Tích, một nhân tài nức tiếng thời bấy giờ. Không chỉ vậy, nơi nàng ở được hậu thế gọi là “lầu công chúa”. Câu hỏi nghi vấn đặt ra ở đây là nếu người con gái ấy chỉ đơn thuần là con ruột của Trần gia thì hậu thế sao có thể gọi nơi ở của nàng bằng cái tên cao quý ấy?

Thứ ba, theo sử sách ghi lại, Càn Long Đế cũng từng đích thân ban tặng cho Trần gia hai tấm hoành phi đề chữ “Ái Nhật” và “Xuân Huy Đường”. Trong khi đó, hai chữ “Xuân Huy” vốn được dùng để chỉ công ơn sinh thành của bậc cha mẹ. Có lý do nào mà một vị hoàng đế lại viết tặng một gia tộc người Hán hai chữ ấy nếu không phải ông muốn gửi gắm ẩn tình của một người con chưa được nhận cha mẹ?

Cógiai thoại cho rằng Càn Long là giọt máu “lạc loài” người Hán, không phải mang dòng máu Ái Tân Giác La.
Có giai thoại cho rằng Càn Long là giọt máu “lạc loài” người Hán, không phải mang dòng máu Ái Tân Giác La.

Thứ tư,Trần Các Lão và các đời con cháu đều được làm quan to, hưởng nhiều ân sủng của triều đình. Điều này được hậu thế cho là Ung Chính và Càn Long, thậm chí là các vị vua sau này muốn bù đắp cho gia tộc họ Trần.

Các nhà sử học nói gì?

Mặc dù giai thoại đó được dân gian lưu truyền rộng rãi nhưng các nhà sử học lại cho rằng điều này rất khó xảy ra. Bởi dòng họ Trần làm quan to trong triều đình nhưng chỉ hưng thịnh ở triều đại Khang Hi và Ung Chính. Khi Càn Long lên ngôi, Trần Các Lão vẫn còn sống nhưng ông không được nhận sự quan tâm nào quá đặc biệt từ ông vua này. Thậm chí, có lần Trần Các Lão còn bị cách chức cho soạn nhầm chỉ dụ của nhà vua.

Không chỉ vậy, khi Trần Các Lão phạm lỗi, Càn Long đã thẳng thắn khiển trách ông trước mặt quần thần là: “Bất tài, phẩm chất kém, không xứng đáng với chức vụ“. Chẳng nhẽ, ông vua này lại nhẫn tâm nhục mạ bố đẻ của mình đến thế?

Cho đến nay, thân phận của vua Càn Long vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi.
Cho đến nay, thân phận của vua Càn Long vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi.

Lý giải về việc Nam tuần 4 lần ở Hải Ninh đều chọn ở lại nhà họ Trần, các nhà sử học nói rằng đó là do gia tộc họ Trần thời bấy giờ là quan to nhất vùng, nhà cửa rộng rãi, phong cảnh tuyệt đẹp nên Càn Long mới chọn nơi đó làm điểm dừng chân.

Còn bức hoành phi có chữ “Xuân Huy Đường” đặt tại phủ của họ Trần ở Hải Ninh thực ra không phải do Càn Long viết mà là do chính là ông nội Càn Long, Hoàng đế Khang Hi đề chữ. Cho nên, không thể dựa vào đó để nói Càn Long là con nhà họ Trần.

Về cô con gái Trần Các Lão được cho là con gái Càn Long và hậu thế gọi nơi cô ở là “lầu công chúa”, các nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định họ không tìm thấy bằng chứng nào về sự tồn tại của lầu này. Thậm chí, ngay cả con cháu họ Tưởng cũng không biết về cái lầu mang tên “lầu công chúa” này.

Mặt khác, ở thời điểm Càn Long ra đời, Ung Chính cũng đã có 5 người con trai khác, mặc dù 3 người đã chết yểu nhưng không có lý do gì để ông phải tráo con của nhà họ Trần. Hơn nữa, cuộc tranh giành ngôi vị thái tử giữa những người con trai của Khang Hi vô cùng gay gắt, ai nấy đều muốn tìm điểm yếu của người kia. Do đó, một người mưu mô, cẩn trọng như Ung Chính không lý nào lại làm một việc khinh suất như tráo con để các anh em của ông có lý do loại bỏ mình.

Theo các sử học, câu chuyện Càn Long là giọt máu “lạc loài” người Hán được thêu dệt trong dân gian chẳng qua là vì nó thỏa mãn tâm lý muốn vớt vát sĩ diện của người Hán, vốn tự coi mình là dân tộc thượng đẳng nhưng phải cúi đầu chịu sự cai trị của giống người Mãn man di. Và việc đặt một ông vua gốc Hán lên ngai vàng Mãn Thanh dù chỉ là trong trí tưởng tượng cũng giúp họxoa dịu đôi chút lòng tự tôn.

Theo Sao star
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm