Bí mật sau 3.500 năm của xác ướp Pharaoh Ai Cập cổ đại
Xác ướp cặp nam nữ 2.500 tuổi có lưỡi vàng, kẻ trộm mộ cũng khiếp sợ / Xác ướp kỳ lạ có lưỡi vàng 2.000 năm tuổi
Pharaoh Amenhotep I
Amenhotep I, hay Amenophis I, là vị pharaoh thứ hai của Vương triều thứ 18 thuộc Ai Cập cổ đại. Ông là con trai vua Ahmose I và khi vua cha qua đời, Amenhotep I nối ngôi ở Thebes, lúc ấy ông còn là một đứa trẻ. Ông cai trị trong giai đoạn khoảng 1525-1504 trước Công nguyên (TCN).
Tên của ông có nghĩa là “Amun hài lòng”. Tên ngai vàng của ông là Djeserkare – “Thánh là linh hồn của Re”. Amenhotep I có thể đã đồng trị vì với mẹ của mình, Ahmose-Nefertari.
Mặc dù vương triều của ông ít được ghi chép lại, nhưng chúng vẫn có thể kết nối tạo nên dòng lịch sử từ những bằng chứng sẵn có. Amenhotep I sau khi thừa hưởng vương quốc vẫn tiếp tục việc xây dựng lại ngôi đền ở Thượng Ai Cập và tạo nên cuộc cách mạng trong việc thiết kế phức hợp an táng bằng cách tách ngôi mộ của mình ra khỏi khu đền thờ an táng, tạo nên một xu hướng cho các lăng mộ hoàng gia mà sẽ tồn tại suốt thời Tân Vương Quốc.
Ông được cho là đã qua đời vào khoảng năm 1506-1504 TCN và được bảo quản cẩn thận tại thời điểm đó. Tuy nhiên, xác ướp của pharaoh Amenhotep I, vị vua chiến binh luôn bí ẩn là một trong số ít những xác ướp hoàng gia không được tháo bọc trong thời hiện đại.
Bí mật hé mở sau 3.500 năm
Giáo sư khoa Y thuộc Đại học Cairo Sahar Saleem cho biết, với chiếc cằm hẹp, mũi nhỏ và mái tóc xoăn, Amenhotep I giống vua cha về mặt thể chất. Khá ngạc nhiên đối với một người sống cách đây khoảng 3.500 năm nhưng vẫn có một hàm răng đẹp ấn tượng.
Không giống tất cả các xác ướp hoàng gia khác được khai quật trong thế kỷ 19 và 20, xác ướp của Amenhotep I chưa bao giờ được các nhà Ai Cập học hiện đại tháo bọc. Không phải vì sợ lời nguyền, mà chỉ vì mẫu vật được bảo quản quá hoàn hảo.
“Chúng tôi tin rằng Amenhotep I đã khoảng 35 tuổi khi qua đời”, Saleem nói. “Vị pharaoh này cao xấp xỉ 169 cm, đã cắt bao quy đầu và có hàm răng đều tăm tắp. Trong lớp bọc của mình, Amenhotep I đeo 30 chiếc bùa hộ mệnh và một chiếc vòng vàng độc đáo với các hạt vàng”.
Những người ướp xác lần đầu đã loại bỏ ruột của ông, trừ não và tim. “Chúng tôi đã không thể tìm thấy bất kỳ vết thương hoặc biến dạng nào do bệnh tật để tìm ra nguyên nhân cái chết, ngoại trừ những vết cắt do những kẻ trộm mộ ở lần chôn cất đầu tiên để lại”, Sleem nhấn mạnh.
Răng của Amenhotep I vẫn còn khá tốt là bằng chứng cho thấy quá trình ướp xác “tuyệt vời” như thế nào. “Các xác ướp được bảo quản rất tốt. Ngay cả những chiếc xương nhỏ bên trong tai cũng được bảo vệ cẩn thận”.
Nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện ra bộ não của Amenhotep I còn nguyên vẹn, không giống như các vị vua khác bao gồm Tutankhamun và Ramses II.
Xác ướp Amenhotep I đã từng được tháo bọc
Các nhà Ai Cập học từ những ký tự tượng hình được giải mã đã biết rằng, xác ướp của Amenhotep I không phải là chưa từng được tháo băng. Các linh mục Vương triều thứ 21 vào thế kỷ 11 TCN từng mở xác ướp của ông để phục hồi và cải táng khi bị những kẻ trộm mộ tấn công. Sau đó, Amenhotep I được cải táng tại Deir el-Bahari ở miền Nam Ai Cập - nơi ông được phát hiện cùng với một số xác ướp hoàng gia khác vào năm 1881.
Ngôi mộ ban đầu của Amenhotep I chưa từng được tìm thấy. Ông được phát hiện vào năm 1881 tại một địa điểm ở Luxor, nơi các quan chức của triều đại thứ 21 đã giấu xác ướp của các vị vua và quý tộc để bảo vệ họ khỏi những kẻ trộm mộ.
Khi lần đầu tiên mở quan tài, một con ong bắp cày được bảo quản đã được tìm thấy, có lẽ chúng bị thu hút bởi mùi của những vòng hoa.
“Chúng tôi cho rằng ít nhất đối với Amenhotep I, các linh mục của triều đại thứ 21 đã tận tình sửa chữa vết thương do những kẻ trộm mộ gây ra, khôi phục xác ướp của ông về vẻ rực rỡ trước đây, đồng thời bảo quản kỹ càng đồ trang sức và tấm bùa hộ mệnh tuyệt đẹp”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo